Các doanh nghiệp Pháp quan tâm chuyển đổi số và năng lượng tại Việt Nam

NDO - Ngày 7/10 tại Tọa đàm “Nắm bắt những cơ hội kinh doanh tại Việt Nam” được tổ chức ở trụ sở của Tập đoàn Schneider Electric thuộc ngoại ô Paris, các doanh nghiệp Pháp bày tỏ mong muốn đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam, trong đó có chuyển đổi số và năng lượng xanh.
0:00 / 0:00
0:00
Đại sứ Đinh Toàn Thắng cho biết Việt Nam đang tăng cường nền kinh tế số, có nhiều cơ hội để các doanh nghiệp Pháp đầu tư, qua đó góp phần củng cố và thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp.
Đại sứ Đinh Toàn Thắng cho biết Việt Nam đang tăng cường nền kinh tế số, có nhiều cơ hội để các doanh nghiệp Pháp đầu tư, qua đó góp phần củng cố và thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp.

Tham dự tọa đàm với chủ đề "Chuyển đổi số và năng lượng," do Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp - Việt (CCIFV) phối hợp Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp tổ chức, có hơn 60 doanh nghiệp và các cơ quan xúc tiến đầu tư của hai nước.

Tọa đàm là dịp để các doanh nghiệp Pháp tìm hiểu về những cơ hội hợp tác, kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam vào thời điểm Việt Nam đang triển khai hàng loạt chủ trương lớn trên các lĩnh vực năng lượng và chuyển đổi số.

Phát biểu khai mạc, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng đánh giá cao chủ đề của tọa đàm vì đây là vấn đề được Việt Nam và thế giới rất quan tâm trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tọa đàm diễn ra vào thời điểm rất quan trọng khi hai nước chuẩn bị tổ chức nhiều hoạt động để kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược.

Đại sứ Đinh Toàn Thắng nhấn mạnh, chính phủ Việt Nam nhất quán và khẳng định quan điểm coi khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Bên cạnh đó, chương trình chuyển đổi số quốc gia đã xác định 8 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số gồm: y tế, giáo dục, tài chính ngân hàng, nông nghiệp, giao thông vận tải và logistics, năng lượng, tài nguyên và môi trường và sản xuất công nghiệp.

Đại sứ Đinh Toàn Thắng cho biết, Việt Nam luôn khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh cho các nhà đầu tư nước ngoài với các khu vực kinh tế khác. Trên thực tế, hoạt động đầu tư nước ngoài đang ngày càng sôi động tại Việt Nam, nhiều tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn với công nghệ hiện đại đang có mặt tại Việt Nam, quy mô vốn và chất lượng dự án ngày càng gia tăng.

Chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí hàng đầu mà Việt Nam đang hướng tới trong việc thu hút đầu tư có vốn nước ngoài. Vì vậy, Việt Nam kỳ vọng các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các doanh nghiệp Pháp, tiếp tục tăng cường hợp tác, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất, góp phần đưa Việt Nam sớm trở thành một trung tâm trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Theo Đại sứ Đinh Thắng, Pháp là nền kinh tế phát triển hàng đầu với nhiều thế mạnh về các lĩnh vực viễn thông, năng lượng tái tạo, môi trường, y sinh, công nghiệp chế tạo, công nghiệp thực phẩm, hạ tầng, dịch vụ logistics... Chuyển đổi kỹ thuật số và chuyển đổi năng lượng trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng chính là thế mạnh của tập đoàn Schneider Electric, phù hợp với định hướng thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong những lĩnh vực trụ cột ưu tiên.

Các doanh nghiệp Pháp quan tâm chuyển đổi số và năng lượng tại Việt Nam ảnh 1
Ông Jacques Perrochat, Giám đốc phụ trách hợp tác công nghiệp của Tập đoàn Schneider Electric, nhận định rằng Việt Nam là một thị trường rất hấp dẫn cho các nhà đầu tư Pháp.

Ông Adam Koulaksezian, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp-Việt (CCIFV), cho biết Schneider Electric là một thành viên tích cực của CCIFV. Tọa đàm này là một trong những hoạt động thiết thực mà CCIFV triển khai tại Pháp nhằm thu hút đầu tư và xúc tiến thương mại giữa hai nước. Với những kinh nghiệm phối hợp, làm việc chặt chẽ với chính quyền địa phương ở Việt Nam, hiệp hội các ngành nghề, CCIFV sẽ tiếp tục vai trò tích cực làm cầu nối cho các doanh nghiệp Pháp tìm kiếm cơ hội kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam.

Các phần trình bày của các diễn giả thuộc Tập đoàn Schneider Electric, Cơ quan CCIFV, bộ phận Xúc tiến đầu tư thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và đại diện Tập đoàn FPT đã giúp các doanh nghiệp Pháp hiểu thêm về những hoạt động phát triển kinh doanh thành công của Schneider Electric tại Việt Nam. Các doanh nghiệp Pháp có dịp tìm hiểu về những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, những đột phá, mở cửa về thể chế, chính sách nhiều ưu đãi với doanh nghiệp nước ngoài, sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Các doanh nghiệp Pháp đã đặt các câu hỏi về những lĩnh vực đầu tư ưu tiên của Việt Nam trong thời gian tới, trong đó có chiến lược và chính sách phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam… Một số ý kiến cho rằng, Việt Nam cần mở cửa mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa, nhất là việc tạo cơ sở hạ tầng xanh để gây ấn tượng với các nhà đầu tư chất lượng cao, dẫn dắt chuỗi cung ứng trên toàn cầu.

Chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Pháp, ông Jacques Perrochat, Giám đốc phụ trách hợp tác công nghiệp của Tập đoàn Schneider Electric, nhấn mạnh: Sự kiện này rất quan trọng bởi chúng ta đã cùng nhau bàn tới sự phát triển kinh tế của Việt Nam, các cơ hội đầu tư các cơ sở công nghiệp ở Việt Nam, cũng như các phương thức hỗ trợ cho doanh nghiệp nước ngoài.

Theo ông Jacques Perrochat Việt Nam là một quốc gia rất hấp dẫn. Tập đoàn Schneiden đã có mặt ở Việt Nam từ 25 năm trước và chủ trương tiếp tục đầu tư vào Việt Nam. Hiện nay tập đoàn có 3 chi nhánh và hơn 200 trung tâm phân phối, một nhà máy sản xuất 4.0 tại Việt Nam, hoạt động rất hiệu quả trong việc chuyển đổi kỹ thuật số và tiết kiệm năng lượng.

Ông Đào Quốc Cương, phụ trách xúc tiến đầu tư (Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp), cho biết, đang có một làn sóng các doanh nghiệp châu Âu đổ về Việt Nam trong đó có một số tập đoàn Pháp. Hiện nay nhiều doanh nghiệp Pháp chuyên về chuyển đổi kỹ thuật số mong muốn mang công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường tới Việt Nam. Vì vậy, tọa đàm góp phần cho việc dịch chuyển các dòng vốn đầu tư của nhà đầu tư Pháp vào Việt Nam.

Trong phần kết luận tọa đàm, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng và đại diện các cơ quan xúc tiến đầu tư của hai nước cho rằng những kết quả hợp tác về kinh tế đạt được trong quan hệ giữa hai nước là đáng khích lệ nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng hợp tác của hai bên. Do vậy các cuộc tọa đàm như ở trụ sở của Tập đoàn Schneider Electric là dịp rất tốt để cộng đồng doanh nghiệp Pháp thấy rõ những cơ hội làm ăn hấp dẫn tại Việt Nam, qua đó góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Sau tọa đàm, ông Luc Rémont, Phó Chủ tịch Tập đoàn Schneider Electric đã có buổi tiếp và làm việc với Đại sứ Đinh Toàn Thắng. Ông Luc Rémont cho rằng Việt Nam là thị trường vô cùng tiềm năng và khẳng định cam kết phát triển hoạt động kinh doanh và đầu tư của Tập đoàn tại Việt Nam.