Cơ hội nâng cao vị thế Nam bán cầu

Nam Phi chính thức đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế mới nổi và phát triển hàng đầu thế giới (G20) từ ngày 1/12 tới. Là quốc gia châu Phi đầu tiên tiếp quản “ghế nóng” của G20, Nam Phi được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng nâng cao vị thế của các nước Nam bán cầu trong nỗ lực giải quyết thách thức toàn cầu.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Rio de Janeiro, Brazil. (Ảnh: ANI/TTXVN)
Các đại biểu tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Rio de Janeiro, Brazil. (Ảnh: ANI/TTXVN)

Lựa chọn chủ đề “Thúc đẩy đoàn kết, bình đẳng và phát triển bền vững” cho Năm Chủ tịch G20, Nam Phi dự kiến triển khai các mục tiêu trọng tâm gồm: Thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) và Chương trình nghị sự năm 2063 của Liên minh châu Phi (AU); giải quyết vấn đề nợ công của các nước Nam bán cầu; cải cách hệ thống tài chính quốc tế; chống biến đổi khí hậu và đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng công bằng; ngăn chặn khai thác tận diệt nguồn nguyên liệu thô và khoáng sản tại châu Phi.

Nhìn vào các mục tiêu trọng tâm có thể thấy, các nước đang phát triển giữ vị trí trung tâm của chương trình nghị sự G20 trong năm 2025. Phát biểu tiếp nhận chức Chủ tịch G20 từ Brazil, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa nhấn mạnh, Nam Phi sẽ ưu tiên đưa vấn đề phát triển của châu Phi và Nam bán cầu lên bàn nghị sự G20.

Giới phân tích nhận định, Nam Phi có lợi thế để hiện thực hóa những mục tiêu nêu trên. Trước hết, thời gian qua, “cơn sốt Nam bán cầu” lan rộng và thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế. Thủ tướng Đức Olaf Scholz từng khẳng định, thế giới đang chứng kiến bước biến chuyển lớn trong cấu trúc toàn cầu, khi các nước đang phát triển ngày càng khẳng định vị thế và vai trò quan trọng trong giải quyết thách thức chung. Tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS), diễn ra tại Nga, cũng kêu gọi trao vai trò lớn hơn cho Nam bán cầu trong tiến trình đưa ra những quyết định toàn cầu.

Thực tế, Nam Phi kế thừa những thành quả mà Ấn Độ và Brazil đã gặt hái được trong các nhiệm kỳ Chủ tịch G20 trước đó. Trên “ghế nóng” của G20, năm 2023, Ấn Độ đóng vai trò quan trọng tạo nên “bước ngoặt lịch sử” đưa AU trở thành thành viên chính thức của G20, đồng thời bắn phát súng mở màn khi lần đầu tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Tiếng nói Nam bán cầu.

Tiếp bước Ấn Độ, trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20 năm 2024, Brazil tiếp tục kêu gọi trao vai trò lớn hơn cho các nước đang phát triển trong giải quyết các vấn đề toàn cầu. Hội nghị thượng đỉnh G20 vừa diễn ra ở Brazil đánh dấu lần đầu AU tham gia với tư cách thành viên chính thức. Giới phân tích kỳ vọng, những thành quả của Ấn Độ và Brazil tạo cơ sở vững chắc để Nam Phi tiếp tục thực hiện thành công các mục tiêu, góp phần khẳng định tiếng nói của Nam bán cầu.

Tuy nhiên, Chủ tịch G20 năm 2025 cũng đối mặt nhiều chông gai. Một trong những trở ngại lớn nhất là dung hòa lợi ích giữa các thành viên. G20 quy tụ cả các nước phát triển và đang phát triển, với những quan điểm trái ngược nhau trong giải quyết những vấn đề quan trọng như tái cấu trúc nợ và xóa nợ, tài chính khí hậu. Để các nước thành viên đồng thuận về những vấn đề gây tranh cãi này, đòi hỏi sự khéo léo của người thuyền trưởng nhằm giữ con thuyền G20 cân bằng, vượt qua sóng gió để tới đích.

Ngoài ra, mặc dù nhiều nước ủng hộ Nam bán cầu có tiếng nói và vai trò lớn hơn trong các tổ chức, thiết chế toàn cầu, như Liên hợp quốc, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), song hiện vẫn chưa có giải pháp cụ thể nào được đưa ra. Bên cạnh đó, bài toán huy động nguồn tài chính hỗ trợ tiến trình chuyển đổi năng lượng và chống biến đổi khí hậu vẫn rất nan giải. Việc triển khai một số giải pháp như đánh thuế giới siêu giàu, kêu gọi thêm sự đóng góp của các nước giàu đã đạt bước tiến nhất định, nhưng vẫn còn phải vượt qua nhiều thách thức để được hiện thực hóa.

Dù nhiều thách thức chờ đợi phía trước, giới chuyên gia vẫn kỳ vọng, nỗ lực của Nam Phi trên cương vị Chủ tịch G20 sẽ tạo đòn bẩy thuận lợi giúp nâng cao vị thế các nước Nam bán cầu trên trường quốc tế.