Tuy nhiên, nội bộ các nước G20 vẫn bất đồng về vấn đề này.
Chủ đề gai góc liên quan tình trạng các tỷ phú trốn thuế trở thành trọng tâm của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 vừa kết thúc tại thành phố Rio de Janeiro (Brazil). Đây cũng là vấn đề ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva trong nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên G20 năm 2024. Tuyên bố của G20 khẳng định:
“Với quan điểm hoàn toàn tôn trọng chủ quyền thuế, chúng tôi sẽ tìm cách hợp tác để bảo đảm đánh thuế hiệu quả đối với những cá nhân có giá trị tài sản ròng cực cao. Bất bình đẳng về của cải và thu nhập đang làm suy yếu tăng trưởng kinh tế và sự gắn kết xã hội, đồng thời làm trầm trọng thêm tình trạng dễ bị tổn thương của xã hội”.
Tổ chức Oxfam ngày 25/7 cho biết, hiện khoảng 3.000 người trên thế giới nắm giữ tới gần 15 nghìn tỷ USD và tài sản của 1% dân số giàu nhất thế giới đã tăng tổng cộng 42.000 tỷ USD trong thập niên qua. Con số 42.000 tỷ USD này cao hơn gần 36 lần so với tài sản mà 50% dân số nghèo trên thế giới tích lũy được.
Tuy nhiên, mức thuế đánh vào nhóm 1% người giàu nhất thế giới đã giảm xuống mức thấp lịch sử và các tỷ phú chỉ phải nộp mức thuế tương đương chưa đến 0,5% tài sản của họ. Oxfam cũng lưu ý rằng gần 80% số tỷ phú trên thế giới đến từ các quốc gia G20.
Bộ trưởng Tài chính Brazil Fernando Haddad bày tỏ: “Về mặt đạo đức, các quốc gia giàu nhất cần xem xét vấn đề của chúng ta hiện nay là đang đánh thuế lũy tiến đối với người nghèo, chứ không phải người giàu”.
Hiện Chính phủ Brazil đề xuất áp thuế tối thiểu 2% đối với các tỷ phú. Đây là ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20, trước hội nghị thượng đỉnh của nhóm dự kiến vào ngày 18-19/11. Và tại Brazil, cuối năm 2023, lần đầu tiên, Tổng thống Lula da Silva đã ban hành luật đánh thuế các khoản đầu tư của những người siêu giàu.
Về mặt đạo đức, các quốc gia giàu nhất cần xem xét vấn đề của chúng ta hiện nay là đang đánh thuế lũy tiến đối với người nghèo, chứ không phải người giàu.
Bộ trưởng Tài chính Brazil Fernando Haddad
Đề xuất đánh thuế các tỷ phú gây chia rẽ trong khối G20. Pháp, Tây Ban Nha, Nam Phi, Colombia và Liên minh châu Phi ủng hộ sáng kiến này, trong khi Mỹ và Đức phản đối. Phản ứng về thông tin nêu trên, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đánh giá cao lập trường của G20 về công bằng thuế, gọi quyết định hợp tác đánh thuế giới siêu giàu là “kịp thời và đáng hoan nghênh”.
Đề xuất của Brazil về đánh thuế tối thiểu 2% mỗi năm đối với khoảng 3.000 người giàu nhất thế giới có tài sản vượt quá 1 tỷ USD dựa trên khuyến nghị của nhà nghiên cứu kinh tế người Pháp Gabriel Zucman.
Ông Zucman từng công bố một kết quả nghiên cứu cho thấy việc đánh thuế 2% với các tỷ phú toàn cầu có thể giúp đem lại tới 250 tỷ USD mỗi năm. Ông Gabriel Zucman hoan nghênh quyết định của G20, nhấn mạnh đây là lần đầu tiên trong lịch sử, các nước thành viên G20 nhất trí cho rằng cần điều chỉnh cách đánh thuế những người siêu giàu. Nhiều chuyên gia kinh tế khác cũng phản ứng tích cực với động thái của G20.
Oxfam gọi vấn đề áp thuế đối với giới tài phiệt là một “thử thách thực sự đối với chính phủ các nước G20”. Tổ chức này kêu gọi thực hiện đánh thuế tài sản ròng hằng năm ít nhất 8% đối với những người siêu giàu. Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu EU Tax Observatory công bố cuối năm 2023, việc áp mức thuế tối thiểu toàn cầu đối với các tỷ phú có thể thu được 250 tỷ USD/năm, tương đương 2% tổng lượng tài sản gần 13.000 tỷ USD của 2.700 tỷ phú trên toàn cầu.
Mặc dù việc đánh thuế giới siêu giàu còn gây tranh cãi trong khối G20, nhưng phần đông giới chuyên gia và các nhà lãnh đạo của khối G20 cho rằng đây là việc cần làm ngay.
Đánh thuế và ngăn chặn trốn thuế của giới siêu giàu sẽ là “một mũi tên trúng nhiều đích”, bởi việc làm này không chỉ giúp thu hẹp bất bình đẳng giàu nghèo đã và đang gia tăng mạnh, mà còn huy động thêm nguồn lực hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo tại các nước đang phát triển; đồng thời, giảm thiểu rủi ro khi “của cải vào tay một nhóm ít người”.