Ngày 13/9, các bộ trưởng Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã nhất trí sẽ chung tay nỗ lực chống thông tin sai lệch và thiết lập chương trình nghị sự về Trí tuệ Nhân tạo (AI), trong bối cảnh các nước đang gặp khó khăn trong việc làm giảm tốc độ, quy mô, phạm vi của thông tin sai lệch và các phát ngôn thù địch.
Tuyên bố của các bộ trưởng G20 đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo các nền tảng kỹ thuật số phải minh bạch và "phù hợp với các chính sách liên quan và khuôn khổ pháp lý hiện hành."
Theo Thư ký chính sách kỹ thuật số tại văn phòng Tổng thống Brazil, João Brant, đây là lần đầu tiên trong lịch sử G20, nhóm đã nêu bật vấn đề thông tin sai lệch, kêu gọi sự minh bạch và trách nhiệm giải trình từ các nền tảng kỹ thuật số.
Các đại diện của G20 cũng đã nhất trí thiết lập các hướng dẫn để phát triển AI, kêu gọi "sử dụng AI một cách có đạo đức, minh bạch và có trách nhiệm," với sự giám sát của con người và tuân thủ luật riêng tư và quyền con người.
Cố vấn của Bộ Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Brazil, Renata Mielli cho hay Brazil hy vọng điều này sẽ được đề cập trong tuyên bố của các nhà lãnh đạo G20 và Nam Phi (nước giữ chức Chủ tịch luân phiên G20 năm 2025) sẽ tiếp tục công việc này.
Tuyên bố trên được đưa ra sau cuộc họp của các bộ trưởng G20 tại Maceio, thủ phủ của bang Alagoas, Đông Bắc Brazil. Dự kiến Hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ diễn ra vào tháng 11 tại Rio de Janeiro.
Brazil hiện đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của G20.
Trong năm Chủ tịch luân phiên, Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva đã đưa các vấn đề liên quan đến thế giới đang phát triển, chẳng hạn như giảm bất bình đẳng và cải cách các thể chế đa phương, vào trọng tâm chương trình nghị sự G20.