Hiện nay, đi dọc Tây Nguyên không khó để bắt gặp những nông dân ứng dụng thiết bị cảm biến nhằm số hóa các yếu tố như nước tưới, chất dinh dưỡng, độ ẩm, ánh sáng và kết nối với máy tính, điện thoại qua internet. Họ có thể biết rõ tình hình trang trại và điều khiển một số chế độ chăm sóc cây trồng. Việc ứng dụng công nghệ IoT, trí tuệ nhân tạo, big data đã mở đường cho những hoạt động quản lý nông nghiệp hoàn toàn mới.
Đẩy mạnh số hóa nông nghiệp
Tại Lâm Đồng, sự ra đời của Công ty TNHH Dalat Hasfarm đã thổi làn gió mới về khoa học-công nghệ tiên tiến trong ngành nông nghiệp. Thành lập năm 1994, hiện diện tích sản xuất hoa cao cấp của công ty gần 320ha, mỗi năm sản xuất khoảng 200 triệu cành hoa và 250 triệu ngọn giống hoa, cung ứng thị trường trên khắp thế giới.
Để sản xuất được những cành hoa cao cấp, trong mỗi nhà kính trang trại của Dalat Hasfarm đều được trang bị thiết bị cảm biến, kết nối với máy tính, điện thoại thông minh qua internet; chế độ hoạt động được lập trình sẵn, khi nhiệt độ vượt hoặc thấp hơn ngưỡng tiêu chuẩn, màng chắn sẽ tự động đóng/mở; máy tưới phun sương tự nhận biết chế độ ẩm để tưới tự động.
“Những quy trình, công nghệ và kỹ thuật trồng hoa tiên tiến nhất châu Âu đã được Dalat Hasfarm áp dụng trên các nông trại; quy trình trồng, chăm sóc hoa được tổ chức tự động hóa”, Phó Tổng Giám đốc Dalat Hasfarm Nguyễn Văn Bảo cho biết.
Cùng với những trang trại của công ty, hiện Dalat Hasfarm đang “bắt tay” với hơn 100 nông hộ và nhiều doanh nghiệp để hình thành liên minh sản xuất hoa cắt cành xuất khẩu, “mở” bí mật công nghệ trồng hoa cho đối tác để mang lại lợi nhuận cho cả “hai nhà”, đóng góp vào sự phát triển nền nông nghiệp thông minh địa phương.
Theo Tiến sĩ Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, địa phương hiện có 21 doanh nghiệp đã tiếp cận ứng dụng công nghệ IoT, big data, các thiết bị cảm biến môi trường, nhà kính tự động... Trên vùng đất nam Tây Nguyên này đã hình thành lớp nông dân “thế hệ mới”, “nông dân thông minh”, họ tạo ra sự nhàn nhã nhưng hiệu quả trong trang trại của mình nhờ ứng dụng công nghệ thông minh.
Hiện nay, đi dọc Tây Nguyên không khó để bắt gặp những nông dân ứng dụng thiết bị cảm biến nhằm số hóa các yếu tố như nước tưới, chất dinh dưỡng, độ ẩm, ánh sáng và kết nối với máy tính, điện thoại qua internet.
Tại Đắk Lắk, “thủ phủ” cà-phê Tây Nguyên, nhiều trang trại, nhà vườn sản xuất cà-phê đã sớm ứng dụng công nghệ tưới thông minh. Vườn cà-phê rộng hơn 2ha của thành viên hợp tác xã Quyết Tiến (huyện Cư M’gar) được lắp đặt hệ thống tưới điều khiển từ xa qua phần mềm trên điện thoại di động, giúp nhà nông giảm khoảng 20 triệu đồng/ha/năm cho khâu tưới tiêu, công bón phân.
“Ứng dụng hệ thống tưới thông minh giúp chúng tôi chủ động lượng nước tưới. Bộ cảm biến và phần mềm đưa ra cảnh báo cũng giúp quản lý tốt vườn cây”, Chủ tịch HĐQT hợp tác xã Quyết Tiến Trương Hoàng Trung chia sẻ. Cùng với cây cà-phê, qua thời gian áp dụng công nghệ 4.0 trong trang trại sản xuất rau của mình, bà Nguyễn Thị Thái Thanh (thành phố Buôn Ma Thuột), khẳng định: “Áp dụng công nghệ thông minh giúp chúng tôi giảm chi phí, tăng chất lượng và sản lượng, nhất là kiểm soát được độ an toàn của sản phẩm”.
Ở tỉnh Kon Tum, Công ty TNHH sản xuất-chế biến nông lâm sản Nghĩa Phát tiên phong ứng dụng công nghệ hiện đại. Công ty hiện có hơn 200ha cây ăn quả được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong đó, hệ thống tưới và chăm sóc cây theo tiêu chuẩn châu Âu, cùng công nghệ máy bay không người lái được áp dụng để phun thuốc, chất dinh dưỡng và giám sát cây trồng. “Dù chi phí đầu tư ban đầu khá cao, nhưng ứng dụng công nghệ, thiết bị hiện đại đã mang lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp”, ông Phan Văn Quyết, quản lý kỹ thuật công ty, cho biết.
Thời gian qua, tỉnh Gia Lai luôn chú trọng thực tiễn hóa các đề tài nghiên cứu khoa học trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Điển hình như đề tài nghiên cứu “Xây dựng quy trình trồng sâm non bằng phương pháp khí canh phù hợp với điều kiện cụ thể tại Gia Lai”, do nhóm nghiên cứu Trường đại học Tôn Đức Thắng (Thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện. “Nuôi trồng cây dược liệu bằng khí canh giúp đẩy cao hàm lượng dược chất trong cây, rút ngắn thời gian sinh trưởng và tiết kiệm diện tích nuôi trồng. Và điều quan trọng là doanh nghiệp quay vòng vốn nhanh hơn”, Tiến sĩ Ngô Việt Đức, Trường đại học Tôn Đức Thắng cho biết.
Theo Tiến sĩ Phạm S: “Chuyển đổi số sẽ hiện đại hóa nền nông nghiệp, thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao sức cạnh tranh và hạ giá thành sản xuất. Từ nhận diện đó, các tỉnh tại Tây Nguyên đã quyết liệt thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng nghệ thông minh trong nông nghiệp”.
Giám đốc Hợp tác xã Thủy canh Việt (TP Đà Lạt, Lâm Đồng) kiểm tra hệ thống cảm biến tại trang trại trên máy tính. |
Chuyển đổi số phù hợp điều kiện thực tế
Tây Nguyên có tiềm năng, lợi thế lớn về đất đai, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, hiện đại, hướng đến kinh tế nông nghiệp. Toàn vùng hiện có gần hai triệu héc-ta đất sản xuất nông nghiệp, với những loài cây chủ lực như cà-phê, hồ tiêu, điều, bơ và rau, hoa, cây ăn quả. Trong đó, diện tích đã ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao toàn vùng khoảng 200 nghìn ha.
Tiến sĩ Nguyễn Duy Thụy, Viện trưởng Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên cho biết: “Tại Tây Nguyên, việc chuyển đổi số trong nông nghiệp đã được các địa phương chú trọng. Trên cơ sở điều kiện thực tế của từng địa phương, các tỉnh có những chỉ đạo chuyển đổi số phù hợp”.
Tại Lâm Đồng, Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 quyết nghị: “Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, trọng tâm là cơ cấu lại ngành nông nghiệp, hướng đến ngành nông nghiệp phát triển toàn diện và hiện đại; là trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh tầm quốc gia và quốc tế”.
UBND tỉnh Gia Lai ban hành Kế hoạch về chuyển đổi số của tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; trong đó, nông nghiệp được xác định là một trong những lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số. Tại Đắk Lắk, Nghị quyết số 04 ngày 2/4/2021 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số xác định, phát triển nông nghiệp thông minh là tất yếu. Tỉnh Kon Tum định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ. Tỉnh Đắk Nông xác định nông nghiệp là lĩnh vực nền tảng, trụ đỡ của nền kinh tế và địa phương đã đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực này.
Tại Tây Nguyên, việc chuyển đổi số trong nông nghiệp đã được các địa phương chú trọng. Trên cơ sở điều kiện thực tế của từng địa phương, các tỉnh có những chỉ đạo chuyển đổi số phù hợp.
Tiến sĩ Nguyễn Duy Thụy, Viện trưởng Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên
Kết quả bước đầu số hóa nông nghiệp tại các tỉnh Tây Nguyên là nền tảng hướng đến nền nông nghiệp hiện đại. Tại Lâm Đồng, hiện có khoảng 200ha áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp 4.0, 60 trang trại ứng dụng công nghệ IoT, mang lại doanh thu từ 5 đến 8 tỷ đồng/ha/năm; tỉnh Đắk Nông đã công nhận bốn vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với quy mô hơn 2,4 nghìn ha; Gia Lai có 41 sản phẩm cây ăn quả được cấp mã số vùng trồng, hơn 186 nghìn ha cây trồng (chiếm 34% diện tích sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh) sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organic; tại Đắk Lắk, hơn 20 nghìn ha ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế nông nghiệp chiếm 35% GRDP và khoảng 90% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh...
Tuy nhiên, chuyển đổi số trong nông nghiệp tại Tây Nguyên mới ở giai đoạn khởi đầu. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông Phạm Tuấn Anh cho biết, Sở đang phối hợp các cơ quan, đơn vị, viện nghiên cứu triển khai đề án xây dựng cơ sở dữ liệu cho ngành nông nghiệp của tỉnh: “Khi đã số hóa và có hệ thống cơ sở dữ liệu tích hợp thành bộ dữ liệu dùng chung, nhà nông, doanh nghiệp có thể khai thác, chắc chắn nền nông nghiệp địa phương sẽ có những thay đổi quan trọng”.
Tại Lâm Đồng, hoạt động chuyển đổi số trong nông nghiệp đã được khởi động và đạt một số kết quả ban đầu. “Để chuyển đổi số nông nghiệp đạt kết quả tốt, Lâm Đồng đã hợp tác và đặt hàng các trường đại học, viện nghiên cứu đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; mở rộng hợp tác quốc tế; tiếp tục có cơ chế, chính sách nhằm tạo đột phá nông nghiệp thông minh với lộ trình và nguồn lực hợp lý; thu hút doanh nghiệp FDI về nông nghiệp thông minh để tiếp cận nhanh công nghệ hiện đại”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S cho biết.
Thời gian qua, từ các mô hình nông nghiệp thông minh điển hình, các tỉnh tại Tây Nguyên đã từng bước lan tỏa “công nghệ số” đến các thành phần tham gia sản xuất, kinh doanh, từng bước tạo hệ sinh thái nông nghiệp số hoàn chỉnh. “Trước hết, phải nâng cao nhận thức cho nhà nông, doanh nghiệp, hợp tác xã để họ thấy rằng, công nghệ mới sẽ thay đổi hoàn toàn cái cũ. Tiếp đến, phải đào tạo, tập huấn về chuyển đổi số, vì nhiều địa phương vẫn còn thấy mới mẻ.
Trong đó, ưu tiên đào tạo cán bộ trẻ có năng lực, trình độ để họ sử dụng công nghệ và làm chủ công nghệ trong tương lai” “Chuyển đổi số phải làm từng bước, đúng đối tượng; không thể áp đặt công nghệ, phải tùy theo đối tượng cây trồng, điều kiện sinh thái, đất đai, khí hậu từng vùng, từng địa phương để ứng dụng công nghệ phù hợp mới mang lại hiệu quả cao”, Tiến sĩ Trần Vinh, Quyền Viện trưởng Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên gợi mở.
Chuyển đổi số trong nông nghiệp nhằm tạo môi trường, hệ sinh thái số làm nền móng, kiến tạo thể chế, thúc đẩy chuyển đổi từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”. Các tỉnh Tây Nguyên đang nỗ lực, quyết tâm xây dựng chiến lược chuyển đổi số phù hợp điều kiện thực tiễn, từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Tây Nguyên trở thành vùng kinh tế trọng điểm quốc gia.