Thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn

NDO -

Ngày 8/12, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến với các Tỉnh ủy Đồng Nai, An Giang và Thành ủy Cần Thơ về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Đồng chí Nguyễn Duy Hưng phát biểu tại hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Duy Hưng phát biểu tại hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 26-NQ/TW chủ trì Hội nghị.

Theo báo cáo, thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn được các cấp ủy đảng, chính quyền các tỉnh Đồng Nai, An Giang và thành phố Cần Thơ quan tâm chỉ đạo quyết liệt, đạt được những kết quả quan trọng. Kinh tế, xã hội khu vực nông thôn có sự chuyển biến rõ rệt; các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn được huy động, nhiều công trình kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư mới và nâng cấp mở rộng. Cơ cấu kinh tế nông thôn có bước chuyển biến tích cực; quá trình tái cơ cấu nông nghiệp đã hình thành vùng sản xuất tập trung gắn với phát triển công nghiệp chế biến; chất lượng nguồn nhân lực phục vụ nông nghiệp, nông dân, nông thôn. 

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được triển khai hiệu quả. Tỉnh An Giang trước Chương trình có tới 108/120 xã nông thôn đạt dưới năm tiêu chí (chiếm 90%); đến nay toàn tỉnh có 17 xã đạt 19 tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao. Tỉnh Đồng Nai đã hoàn thành 133/133 (100%) xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 54/133 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 4 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Thành phố Cần Thơ có 36/36 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 4/4 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và 10/36 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Từ thực tiễn địa phương các đại biểu đã thảo luận về kết quả đạt được, bài học kinh nhiệm, những hạn chế tồn tại và đề xuất nhiều giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời gian tới. Nổi bật là tiếp tục thực hiện tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp toàn diện, theo hướng hiện đại, bền vững; xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại gắn với đô thị hóa; cải thiện nhanh đời sống các vùng nông thôn; nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường nông thôn.

Trước những dự báo về thời cơ, thách thức mới trong nước và quốc tế, hội nghị thống nhất cần thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Các địa phương phải đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, tạo bước đột phá về nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp và thủy sản, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp an toàn và bền vững. 

Tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, bảo hộ sở hữu trí tuệ trong sản xuất, kinh doanh nông sản. Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thiết bị, nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao, công nghệ chủ chốt của công nghiệp 4.0, nâng cao năng suất chất lượng, năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp. Tuyên truyền vận động người dân làm chủ thiết bị thông minh, sử dụng thuần thục các ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

Để triển khai tốt các nhiệm vụ, cấp ủy và chính quyền các cấp cần chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội, xã hội nghề nghiệp và vai trò chủ thể của nông dân. Kịp thời phát hiện, giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn.