Chuyển đổi số nông nghiệp Tây Nguyên cần thêm lực đẩy

Nông nghiệp có thể coi như nguồn lực phát triển hiệu quả cho Tây Nguyên, với nhiều đặc sản vùng miền, nhờ sự thuận lợi của thổ nhưỡng, khí hậu… Trong bối cảnh chuyển đổi số được khích lệ mạnh mẽ, sản xuất nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ tiên tiến sẽ đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội cao cho đồng bào các dân tộc nơi đây. Tuy nhiên, còn nhiều chỗ trống cần lấp đầy cho công cuộc tích hợp này. 

Tìm hiểu việc ứng dụng công nghệ vào canh tác rau sạch trên địa bàn Tây Nguyên.
Tìm hiểu việc ứng dụng công nghệ vào canh tác rau sạch trên địa bàn Tây Nguyên.

Những vùng rau, hoa không cần người trông tưới

Đưa khách đi thăm những vườn dưa leo baby, súp lơ xanh baby… trong nhà kính lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt và được kỹ thuật viên theo dõi thường xuyên về hàm lượng dinh dưỡng, ông Phạm Ngọc Thạch mời khách dùng một số sản phẩm hái từ vườn như dâu tây, cà chua socola, cà chua picota… không phải ngâm nước muối hay dung dịch khử khuẩn, chỉ cần rửa qua nước sạch. Ông Thạch nói, dưa chuột đóng hộp, đưa đến các nhà, cứ mở ra là hết!

Thành lập năm 2017, chỉ qua 5 năm, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Sunfood Đà Lạt (Sunfood DaLat Co.op) do ông Thạch là giám đốc đã đưa hàng trăm sản phẩm từ rau, hoa quả tươi đến chế biến, có mặt ở gần 40 tỉnh, thành phố trong cả nước. Yếu tố không thể thiếu cho bước phát triển này là chiến lược chuyển đổi số với những ứng dụng công nghệ quan trọng, tiết kiệm diện tích, sức người, cùng quy trình chuỗi giá trị giúp nâng cao, giám sát chất lượng sản phẩm ngay từ khâu vật tư, hạt giống cho đến sản xuất, vận chuyển, đến tận bàn ăn người tiêu dùng.

Nhìn rộng ra trên địa bàn tỉnh, Lâm Đồng đang thuộc “TOP” đầu cả nước về nông nghiệp thông minh 4.0. Toàn tỉnh hiện có 21 doanh nghiệp đã tiếp cận các ứng dụng công nghệ như: IoT, big data, Blockchain, camera theo dõi quá trình sinh trưởng của cây. Cùng với đó là các thiết bị cảm biến môi trường, nhà kính có hệ thống tự động điều chỉnh; hệ thống cảm biến kết nối computer, smartphone quản lý đồng bộ, điều khiển tự động về độ ẩm, nhiệt độ, nước tưới, dinh dưỡng; công nghệ nhân giống in vitro, công nghệ đèn LED, công nghệ GIS thông minh quản lý và dự báo sâu bệnh, truy xuất nguồn gốc điện tử... Các ứng dụng này được đánh giá là giúp tận dụng tối đa lợi thế, phát triển nền nông nghiệp hiện đại, có thương hiệu và chất lượng cao cho các trang trại trồng rau, hoa, quả…

Theo TS Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, nhiều trang trại đạt doanh thu 5-8 tỷ đồng/ha/năm; hoa cao cấp 24 tỷ đồng/ha/năm. Lâm Đồng đã có gần 200 ha diện tích áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp thông minh 4.0.

Còn tại Đắk Lắk, ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, chuyển đổi số nông nghiệp tỉnh đã có những bước phát triển, nhiều công nghệ hiện đại đã được ứng dụng hiệu quả vào sản xuất. Một số cơ sở đã ứng dụng phần mềm AutoAgri (Nông nghiệp thông minh) cho bơ, sầu riêng, vải thiều, ca-cao... Phương pháp tưới nước tiết kiệm được điều khiển qua điện thoại di động như tưới phun mưa tại gốc, tưới nhỏ giọt, tưới thấm... cũng được vận dụng.

Với một vài con số, thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông cho thấy, dù còn ở giai đoạn đầu nhưng tỉnh này đã hỗ trợ đưa 19 sản phẩm được chứng nhận OCOP lên sàn thương mại điện tử như hạt mắc ca, bơ sáp, gạo ST 24, trà mãng cầu, ca-cao bột... “Đề án thí điểm Chuyển đổi số ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2022-2025” đang được xây dựng theo định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh với mục tiêu “Thông minh hóa quá trình sản xuất” và thực hiện thương mại điện tử trong nông nghiệp, tập trung vào các sản phẩm chủ lực của tỉnh như cà-phê, điều, hồ tiêu, mắc ca, bơ...

Chuyển đổi số nông nghiệp Tây Nguyên cần thêm lực đẩy -0 Tham quan mô hình trồng trọt hiện đại tại Sunfood DaLat Co.op.

Cần tiếp sức nhân lực, dữ liệu chính sách...

Tại cuộc tọa đàm “Chuyển đổi số để phát triển bền vững vùng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên” do Báo Nhân Dân và tỉnh Lâm Đồng phối hợp tổ chức vừa diễn ra, các chuyên gia nông nghiệp nhấn mạnh: Chuyển đổi số trong nông nghiệp không chỉ là phát triển nông nghiệp thông minh mà còn ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng sản phẩm và tiêu thụ sản phẩm qua hình thức thương mại điện tử…

Từ cách nhìn rộng mở đó, đánh giá trên địa bàn Tây Nguyên, các ý kiến chuyên môn cho rằng: hiệu quả chuyển đổi số chưa cao, mới dừng lại ở một số mặt, số khâu của chuyển đổi số như chỉ dẫn địa lý, theo dõi sức khỏe môi trường và cây con qua điện tử, lập các khu nông nghiệp công nghệ cao. Có thực trạng đáng băn khoăn là việc ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp ở Tây Nguyên còn nhiều khó khăn; chưa có các quy hoạch chiến lược cho nông nghiệp công nghệ số; đầu tư cho nông nghiệp còn thấp và dàn trải, kém hiệu quả, chưa xứng với tiềm năng và lợi thế của vùng.

Những hạn chế đó thể hiện ở hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin dùng chung từ Trung ương đến địa phương, giữa các sở, ngành liên quan, giữa tỉnh với huyện, xã... còn nhỏ lẻ, chưa đồng bộ, không thể kết nối và chia sẻ trên toàn hệ thống, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhất là khi, chuyển đổi số được đánh giá vẫn còn là vấn đề mới mẻ với nhận thức của xã hội, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Nguyễn Hoài Dương nhận xét, các địa phương còn thiếu những lao động được đào tạo, có chất lượng cao. Đồng bào chưa đáp ứng được các yêu cầu chuyển đổi số nói chung và trong nông nghiệp hiện nay. Bên cạnh đó, nhiều thể chế mới chưa được nghiên cứu và quy định nhằm tạo hành lang pháp lý cho ứng dụng chuyển đổi số. Kinh phí đầu tư cho chuyển đổi số đòi hỏi lớn, nhưng nguồn vốn đầu tư còn rất hạn chế.

Nhiều giải pháp đã được đề ra cho sự bứt phá của nông nghiệp vùng Tây Nguyên trên cơ sở chuyển đổi số. Đặc biệt trong và sau quãng thời gian dài nông nghiệp cả nước, trong đó có Tây Nguyên chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19, thì tiến trình số hóa, tích cực đưa công nghệ vào sản xuất và bắt nhịp xu thế thương mại điện tử đang ngày càng được xã hội đề cao.

TS Nguyễn Duy Thụy, Viện trưởng Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đề xuất một hệ thống giải pháp với tính bao quát khá đồng bộ đến mọi thành phần liên quan. Thứ nhất, tăng cường tuyên truyền làm thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số của chính quyền, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế và người dân. Thứ hai, xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách về phát triển kinh tế số trong lĩnh vực nông nghiệp.

Thứ ba, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng cơ sở dữ liệu. Trong đó, theo TS Thụy, phải bảo đảm sự liên kết giữa người dân, doanh nghiệp và thị trường; giữa người dân, doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước với thị trường. Từ đó, xây dựng chuỗi cung ứng gồm: nông dân trồng trọt, các nhà cung cấp dịch vụ thiết bị, công ty chế biến, các tổ chức chứng nhận, các tổ chức tín dụng, các nhà xuất khẩu, các nhà nhập khẩu.

Thứ tư, tăng cường xây dựng hạ tầng, ứng dụng chuyển đổi số cho ngành nông nghiệp.

Và thứ năm, chuẩn bị đầy đủ về phương diện nguồn nhân lực. Đặc biệt, theo TS Thụy, ngành nông nghiệp địa phương cần thành lập đội ngũ chuyên gia công nghệ thông tin để làm nòng cốt chuyển đổi số. Từ đó, sẽ thúc đẩy việc đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho cán bộ, công chức, viên chức, các hợp tác xã, người làm nông nghiệp để sẵn sàng làm việc trên môi trường số.

Thực tế, các giải pháp đã được đề xuất đa dạng, sát thực. Sự chuyển đổi của nông nghiệp các địa phương vùng Tây Nguyên trên hành trình số đang mong đợi rất nhiều vào những chuyển động mới từ hệ thống chính trị và các đơn vị chức năng, cơ quan chuyên môn trong cuộc đồng hành, hợp tác với người dân, doanh nghiệp.

Theo Ths Nguyễn Đức Huy, Giám đốc Hợp tác xã Thủy canh Việt, TP Đà Lạt, từ những năm 2010, nông dân Đà Lạt đã đầu tư các hệ thống tự động trong việc tưới, châm dinh dưỡng, gieo hạt, máy đóng bầu đất… Từ khoảng 2018, đã xuất hiện các mô hình trang trại thông minh với nền tảng là các hệ thống tự động hóa có gắn thêm các thành phần phân tích dữ liệu và đưa ra các quyết định giống con người. Nông nghiệp thông minh đã góp phần làm thay đổi ngành nông nghiệp của Đà Lạt theo hướng hiện đại hơn, thông minh hơn, tạo ra sản phẩm có phẩm chất cao hơn, góp phần nâng cao thương hiệu rau, hoa Đà Lạt.