Cần “cú huých” cho chuyển đổi số trong nông nghiệp ở Tây Nguyên

NDO -

Các chuyên gia, nhà quản lý và các tổ chức, nông dân tiêu biểu nêu thực trạng và những giải pháp, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp vùng Tây Nguyên.

Quang cảnh buổi Tọa đàm với chủ đề Chuyển đổi số để phát triển bền vững vùng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Quang cảnh buổi Tọa đàm với chủ đề Chuyển đổi số để phát triển bền vững vùng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Sáng 7/4, tại thành phố Đà Lạt, Báo Nhân Dân và tỉnh Lâm Đồng tổ chức tọa đàm “Chuyển đổi số để phát triển bền vững vùng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên”. Trong đó, tập trung đánh giá toàn diện, khách quan việc thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp và đề xuất những định hướng, giải pháp thúc đẩy hoạt động này tại vùng Tây Nguyên.

Chủ trì tọa đàm có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Trần Đức Quận, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng; Điểu K’Ré, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Đắk Nông.

Tham dự có TS Nguyễn Duy Thụy, Viện trưởng Viện Khoa học-Xã hội vùng Tây Nguyên, Viện Hàn lâm Khoa học-Xã hội Việt Nam; các ban liên quan của Báo Nhân Dân; cùng đại diện các sở, ngành liên quan, trường đại học và nhiều địa phương, doanh nghiệp, nhà nông tiêu biểu tại các tỉnh Tây Nguyên.

Cần “cú huých” cho chuyển đổi số trong nông nghiệp ở Tây Nguyên -0
 Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh phát biểu tại buổi tọa đàm. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Phát biểu khai mạc, đồng chí Lê Quốc Minh nhấn mạnh, trong đại dịch Covid-19, ngành nông nghiệp đã thể hiện được vai trò làm bệ đỡ của nền kinh tế và bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Để đạt được kết quả thuyết phục đó, phải kể đến yếu tố chuyển đổi số. Đây được đánh giá là xu thế tất yếu, là “chìa khóa” để ngành nông nghiệp và các địa phương vừa tận dụng được những cơ hội mới sau đại dịch, vừa hướng đến sự phát triển một cách bền vững.

Đồng chí thông tin, trong số 34 nền tảng số quốc gia vừa được Chính phủ giao phát triển trong năm 2022 để hoàn thiện hạ tầng xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, có tới 9 nền tảng phục vụ cho ngành nông nghiệp như: nền tảng dữ liệu số nông nghiệp, truy xuất nguồn gốc nông sản, sàn thương mại điện tử nông nghiệp, nền tảng tối ưu hóa chuỗi cung ứng… Điều này cho thấy quyết tâm lớn từ Chính phủ, cũng như các bộ ngành và địa phương trong việc thúc đẩy chuyển đổi số một cách mạnh mẽ hơn nữa.

Tuy nhiên, theo Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh, thực hiện chuyển đổi số thành công, tạo nên sự liên thông kết nối kinh tế nông nghiệp số, nông thôn số, nông dân số đòi hỏi không chỉ có sự vào cuộc của một bộ, ngành hay địa phương, mà cần sự đồng hành của nhiều chủ thể. Báo chí cũng đóng góp không nhỏ vào quá trình chuyển đổi số của quốc gia và của từng ngành nghề, lĩnh vực.

Cần “cú huých” cho chuyển đổi số trong nông nghiệp ở Tây Nguyên -0
Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận phát biểu tại buổi tọa đàm. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)  

Phát biểu ý kiến tại tọa đàm, đồng chí Trần Đức Quận cho rằng, chuyển đổi số là chủ trương lớn, năm 2020, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình chuyển đổi số Việt Nam. Trên cơ sở đó, Lâm Đồng đã tập trung nguồn lực để triển khai hoạt động này. Hiện địa phương có 21 doanh nghiệp và nhiều nhà nông ứng dụng nông nghiệp thông minh, nhưng mới chỉ một phần. Tỉnh đang nghiên cứu để ban hành nghị quyết về chuyển đổi số trong nông nghiệp tại địa bàn; trong đó, tập trung phân tích, nghiên cứu để đưa ra lộ trình phù hợp. Đồng chí mong muốn, các chuyên gia, nhà khoa học và đại biểu tại tọa đàm sẽ có những phân tích, làm rõ thực trạng và đưa ra các giải pháp, giúp các địa phương tại Tây Nguyên triển khai tốt hoạt động chuyển đổi số trong nông nghiệp, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tại tọa đàm, các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, những năm gần đây, hoạt động chuyển đổi số trong nông nghiệp được các tỉnh tại Tây Nguyên rất chú trọng, với quyết tâm chính trị cao. Và trên thực tế, đã có rất nhiều chương trình, đề án khoa học-công nghệ trong sản xuất nông nghiệp đã được các địa phương triển khai. Từ những mô hình hiệu quả ban đầu, việc số hóa trong nông nghiệp đang dần lan tỏa đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong khu vực.

Đây được xem là thời điểm “vàng” cho việc tái cấu trúc, chuyển đổi số trong nông nghiệp, khi nhiều địa phương đang vào cuộc quyết liệt; nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và nhà nông đã có những tiếp cận phù hợp với khoa học-công nghệ, nông nghiệp 4.0, tạo sự đột phá để đưa nền nông nghiệp phát triển nhanh, hiện đại và bền vững.

Năm 2020, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình chuyển đổi số Việt Nam, trong đó xác định, chuyển đổi số Việt Nam gồm các trụ cột Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Giai đoạn 2020 định hướng đến năm 2030, Việt Nam chú trọng chuyển đổi số trên một số lĩnh vực quan trọng, như y tế, giáo dục, tài chính-ngân hàng, nông nghiệp, giao thông vận tải-logistic, năng lượng, tài nguyên môi trường và sản xuất công nghiệp. Nông nghiệp là lĩnh vực đứng thứ 4 trong 8 lĩnh vực quan trọng.

Trên cơ sở đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số, để chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số theo 3 trụ cột: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn số, kinh tế nông nghiệp số và nông dân số; lấy ngày 19/8 là “Ngày chuyển đổi số trong nông nghiệp”. Cùng với đó, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị tập trung xây dựng đề án chuyển đổi số nông nghiệp và phát triển nông thôn, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, làm căn cứ triển khai ở Trung ương và địa phương. 

Cần “cú huých” cho chuyển đổi số trong nông nghiệp ở Tây Nguyên -0
TS Nguyễn Duy Thụy, Viện trưởng Khoa học Xã hội vùng Tây Nguyên phát biểu tham luận. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)  

TS Nguyễn Duy Thụy, Viện trưởng Khoa học Xã hội vùng Tây Nguyên, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, cho rằng: Các tỉnh vùng Tây Nguyên có sự chuẩn bị để chuyển đổi số, một số tỉnh đã quyết tâm chính trị cao, với tâm thế vào cuộc trên các phương diện chuẩn bị các đề án, hướng dẫn chỉ đạo thực hiện, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu số về nông nghiệp, thực hiện giao dịch thương mại điện tử... 

Theo nhiều chuyên gia, tại Việt Nam nói chung và tại Tây Nguyên hiện chưa có mô hình nông nghiệp thông minh 4.0 hoàn chỉnh. TS Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, thời gian gần đây, nhiều trang trại sản xuất nông nghiệp tại vùng Tây Nguyên đã ứng dụng một phần nông nghiệp 4.0, như cảm biến vạn vật (IoT), công nghệ đèn LED để tối ưu hóa quá trình sinh trưởng của cây, công nghệ thủy canh, khí canh, tế bào quang điện; sử dụng robot trong chăm sóc cây trồng, vật nuôi; sử dụng các thiết bị bay không người lái, công nghệ tài chính thông minh... và đã mang lại hiệu quả rõ rệt. 

Tại tỉnh Lâm Đồng, vùng đất phía nam Tây Nguyên, có hơn 25,7% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trong tổng dân số hơn 1,3 triệu người, được đánh giá là địa phương nhóm đầu cả nước về nông nghiệp thông minh 4.0. 

TS Phạm S thông tin, hiện nhiều doanh nghiệp, nông dân Lâm Đồng đã tiếp cận ứng dụng công nghệ IoT, Big data, Blockchain, camera theo dõi sự sinh trưởng của cây, các loại thiết bị cảm biến môi trường, nhà kính có hệ thống tự động điều chỉnh; hệ thống cảm biến kết nối máy tính, điện thoại thông minh quản lý đồng bộ, điều khiển tự động về độ ẩm, nhiệt độ, nước tưới, dinh dưỡng; công nghệ đèn LED, công nghệ GIS thông minh quản lý và dự báo sâu bệnh, truy xuất nguồn gốc điện tử, sử dụng tinh phân biệt giới tính để phối giống bò sữa... nhằm tận dụng tối đa lợi thế, phát triển nền nông nghiệp hiện đại, có thương hiệu và chất lượng cao ở các trang trại trồng rau, hoa, dâu tây, cà chua và bò sữa. Nhiều trang trại đã cho doanh thu từ 5 đến 8 tỷ đồng/ha/năm; hoa cao cấp cho doanh thu 24 tỷ đồng/ha/năm.

Cần “cú huých” cho chuyển đổi số trong nông nghiệp ở Tây Nguyên -0
 Phó Giám đốc sở Công thương Lâm Đồng Nguyễn Văn Khánh phát biểu tham luận. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Về thương mại điện tử và sàn giao dịch nông sản, Phó Giám đốc Sở Công thương Lâm Đồng Nguyễn Văn Khánh thông tin, hiện có 12 sàn giao dịch thương mại điện tử tại Lâm Đồng đã được Bộ Công Thương xác nhận. Tuy nhiên, chỉ có một sàn thương mại điện tử là https://dalatproducts.com/ hoạt động trong lĩnh vực nông sản. Từ 2016 đến nay, Sở Công thương đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các sàn thương mại điện tử quốc tế như: alibaba, amazon để tăng khả năng xuất khẩu trực tuyến và các sàn thương mại điện tử nổi tiếng trong nước, như Shopee, Lazada, Sendo, Ecvn… để tiếp cận người tiêu dùng toàn quốc. Thời gian tới, địa phương tiếp tục hoàn thiện hệ thống logistics phục vụ nông sản, triển khai các chương trình đào tạo kỹ năng về thương mại điện tử và chương trình đưa nông sản lên 2 sàn thương mại điện tử voso.vn và postmart.vn.

Thông tin về thực trạng chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk thời gian qua, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho rằng: Chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện đã gặp những khó khăn, vướng mắc, như hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng bộ, không thể kết nối và chia sẻ trên toàn hệ thống; nhận thức chuyển đổi số của đồng bào dân tộc còn hạn chế; lực lượng lao động được đào tạo, chất lượng cao có khả năng thực còn chiếm tỷ lệ thấp; nhiều thể chế mới chưa được nghiên cứu và quy định, tạo hành lang pháp lý cho ứng dụng chuyển đổi số...

Thời gian qua, tại trang trại các thành viên của Hợp tác xã Thủy canh Việt-Đà Lạt đã áp dụng hiệu quả một số giải pháp nông nghiệp thông minh. Tuy nhiên, để phát triển nông nghiệp hiện đại, thông minh bền vững, ThS Nguyễn Đức Huy, Giám đốc hợp tác xã cho rằng: Nông nghiệp thông minh đòi hỏi đội ngũ vận hành phải có kiến thức chuyên môn nhất định để xử lý được những sự cố phát sinh trong quá trình vận hành máy móc, thiết bị. Người nông dân trực tiếp sản xuất cũng phải có sự thay đổi về tư duy, máy móc chỉ đóng vai trò hỗ trợ con người chứ không thể thay thế con người trong hoạt động sản xuất nông nghiệp được. 

Là trường đại học đa ngành đóng trên địa bàn Tây Nguyên, trong những năm qua, các nhà khoa học của Trường đại học Đà Lạt đã triển khai nhiều đề tài nghiên cứu liên quan đến vấn đề phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó có vấn đề chuyển đổi số trong sản xuất và đời sống. Mới đây, trường hợp tác triển khai chuyển đổi số trong nông nghiệp với huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. 

Cần “cú huých” cho chuyển đổi số trong nông nghiệp ở Tây Nguyên -0
Phó Hiệu trưởng Đại học Đà Lạt Mai Minh Nhật phát biểu tham luận về Liên kết chuyển đổi số giữa Đại học Đà Lạt và huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng). (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

TS Mai Minh Nhật, Phó hiệu trưởng Trường đại học Đà Lạt cho biết, quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp, ngoài việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật, cần thiết phải quan tâm đến các việc xây dựng các nguồn cơ sở dữ liệu lớn (big data), các giải pháp khoa học công nghệ, phần mềm ứng dụng và công tác đào tạo, nâng cao năng lực số cho đội ngũ cán bộ quản lý và người dân. Trường Đại học Đà Lạt với thế mạnh nghiên cứu về lĩnh vực nông lâm sinh, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, cũng như thế mạnh về công nghệ thông tin, khoa học dữ liệu… có khả năng đáp ứng tốt cho việc thực hiện những nhiệm vụ trên đây.

Cùng với những kết quả khả quan ban đầu trong triển khai nông nghiệp thông minh, chuyển đổi số trong nông nghiệp tại vùng Tây Nguyên, các chuyên gia, nhà quản lý và nhà nông tiêu biểu cũng đã nêu những khó khăn, bất cập và đưa ra những giải pháp để chuyển đổi số thành công. 

Theo TS Nguyễn Duy Thụy, Viện trưởng Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên, hiệu quả chuyển đổi số chưa cao, mới ở một số mặt, khâu của chuyển đổi số, như chỉ dẫn địa lí, theo dõi sức khỏe môi trường và cây con qua điện tử; lập các khu nông nghiệp công nghệ cao. “Việc ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp ở Tây Nguyên gặp nhiều khó khăn, chưa có các quy hoạch chiến lược cho nông nghiệp công nghệ số, đầu tư cho nông nghiệp còn thấp và dàn trải, kém hiệu quả, chưa xứng với tiềm năng và lợi thế nông nghiệp của vùng”, TS Nguyễn Duy Thụy nêu vấn đề.  

Trước những “điểm nghẽn” trong ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp ở Tây Nguyên, Viện trưởng Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên nêu giải pháp: Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; tiếp đến, cần xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách về phát triển kinh tế số trong nông nghiệp; tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng cơ sở dữ liệu; tăng cường xây dựng hạ tầng, ứng dụng chuyển đổi số cho ngành nông nghiệp và chuẩn bị đầy đủ về phương diện nguồn nhân lực.

TS Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, cần tăng cường năng lực tiếp cận nông nghiệp thông minh 4.0; tiếp tục triển khai sát điều kiện cụ thể của địạ phương, doanh nghiệp và trạng trại của mình để chọn lựa các giải pháp công nghệ phù hợp. Cùng với đó, mở rộng hợp tác quốc tế, tạo cơ chế thông thoáng, thuận lợi, tập trung thu hút doanh nghiệp FDI và dự án ODA về nông nghiệp thông minh để tiếp cận trình độ khoa học công nghệ và cách quản trị của họ để tiếp thu trình độ công nghệ thế giới nhằm rút ngắn thời gian; tăng cường khả năng dự báo thị trường làm cơ sở định hướng sản xuất nông sản hàng hóa, phục vụ thị trường xuất khẩu theo cam kết các Hiệp định thương mại tự do.

Theo nhiều chuyên gia, tại Việt Nam nói chung và tại Tây Nguyên hiện chưa có mô hình nông nghiệp thông minh 4.0 hoàn chỉnh. Cùng với đó là những bài toán về nền tảng số, dữ liệu số; các chính sách phù hợp thực tiễn nhằm huy động các nguồn lực để phát triển đồng bộ, toàn diện nông nghiệp thông minh, từ đó, chủ động đầu tư công nghệ phù hợp với từng vùng sinh thái và quy mô sản xuất để tạo ra một luồng sinh khí mới. Và quan trọng hơn cả là cần sự kết hợp của cả chính sách và trình độ dân trí để chuyển đổi số thành công trong nông nghiệp.

Cần “cú huých” cho chuyển đổi số trong nông nghiệp ở Tây Nguyên -0
 Các đồng chí lãnh đạo Báo Nhân Dân, tỉnh Lâm Đông và tỉnh Đắk Nông cùng các đại biểu tại buổi tọa đàm. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Kết luận tọa đàm, đồng chí Lê Quốc Minh nhấn mạnh, tọa đàm đã cung cấp nhiều thông tin từ lý luận đến thực tiễn, nhiều góc nhìn cận cảnh và gợi mở nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn để thực hiện thành công chuyển đối số, nhất là chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp vùng Tây Nguyên.

Đồng chí cho rằng, thay đổi tư duy chính là điểm mấu chốt của chuyển đổi số, để chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số trong nông nghiệp thành công, cần có chiến lược phù hợp với từng địa phương, chuẩn bị về kỹ năng, nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường nhân rộng các mô hình điểm. Đồng chí nhấn mạnh, bất kỳ chiến lược nào cũng cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; cơ quan truyền thông phải đồng hành cùng Chính phủ, địa phương, doanh nghiệp và người dân trong quá trình chuyển đổi số. 

Đồng chí Lê Quốc Minh thông tin, đối với hệ sinh thái của Báo Nhân Dân gồm cả báo in, báo nói, báo hình và báo điện tử, chủ đề nông nghiệp công nghệ cao luôn được chú trọng truyền thông. Chúng tôi tin tưởng, phụ trương Dân tộc và Tôn giáo trên ấn phẩm Nhân Dân cuối tuần sẽ còn trở lại với miền đất Tây Nguyên thông qua những tuyến bài dài kỳ, phân tích một cách sâu sắc hơn nữa những thách thức và cơ hội đặt ra đối với chiến lược phát triển bền vững từ nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh.