Chuyển đổi số hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp

Chuyển đổi số sẽ là đòn bẩy quan trọng giúp hợp tác xã phát triển trên nền tảng ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất nhằm tối ưu hóa nguồn lực, cắt giảm chi phí, phát triển sản xuất, kinh doanh và tạo ra sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường.

Sơ chế rau an toàn tại Hợp tác xã nông nghiệp Văn Đức (Hà Nội).
Sơ chế rau an toàn tại Hợp tác xã nông nghiệp Văn Đức (Hà Nội).

Theo khảo sát của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) cho thấy, có hơn 90% số hợp tác xã được hỏi đều đã từng được nghe và biết đến cụm từ “chuyển đổi số” và hiệu quả mang lại của chuyển đổi số. Hầu hết các hợp tác xã đều mong muốn thực hiện chuyển đổi số trong một số khâu của hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thế nhưng, do hạn chế về kỹ năng sử dụng máy tính, nguồn lực về tài chính và chưa có được nguồn nhân lực chất lượng cao, tất cả số hợp tác xã ứng dụng chuyển đổi số mới chỉ dừng lại ở phần mềm kế toán, khai báo thuế online hoặc sử dụng phần mềm quản lý hợp tác xã.

Tăng cường ứng dụng công nghệ

Ghi nhận tại hợp tác xã nông nghiệp Văn Đức, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội, đơn vị được biết đến là vùng rau an toàn lớn nhất Thủ đô với diện tích hơn 250 ha, trong đó có 15 ha trồng rau theo quy trình VietGAP. Tất cả các khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch rau đều có nhật ký ghi chép về thời điểm bón phân, loại phân bón, diện tích bao nhiêu hay công đoạn tưới nước đều được tự động hóa dưới sự giám sát của các tổ trưởng do hợp tác xã bầu ra và cán bộ của Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội. Vì vậy, rau của Văn Đức có tem kiểm định và mã truy xuất nguồn gốc, được người tiêu dùng đón nhận ngay cả trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhờ tham gia sàn thương mại điện tử, qua đó giữ được thị trường tiêu thụ ổn định. Theo chia sẻ của Giám đốc hợp tác xã nông nghiệp Văn Đức Nguyễn Văn Minh, mỗi ngày đơn vị cung cấp ra thị trường khoảng 30 tấn rau, doanh thu khoảng 8 tỷ đồng (năm 2021).

Tuy nhiên, để mở rộng diện tích, tăng cường ứng dụng công nghệ và đặc biệt là chuyển đổi số trong tiêu thụ sản phẩm, với hợp tác xã vẫn còn là bài toán khó. Cái khó không chỉ ở nguồn lao động chất lượng cao mà còn là nguồn vốn đầu tư cho máy móc, thiết kế và vận hành website. Khó khăn của hợp tác xã nông nghiệp Văn Đức trong chuyển đổi số, cũng là cái khó chung của hầu hết các hợp tác xã nông nghiệp hiện nay. Theo số liệu của IPSARD, năm 2020, chỉ có 1,29% số hợp tác xã nông nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo, trong khi tỷ lệ trích lập các quỹ đầu tư, nghiên cứu và phát triển còn thấp.

Để tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội, Chính phủ đã ban hành các chủ trương, định hướng chính sách phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2030. Trong đó, chuyển đổi số cho các hợp tác xã được coi là vấn đề then chốt quyết định được sự phát triển bền vững của các mô hình hợp tác xã. Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức diễn đàn nông dân hợp tác liên kết trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp để có thể nghe các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, khoa học-công nghệ, hiến kế nhằm thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong các hợp tác xã, từ đó thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển, nâng tầm vị thế nông sản Việt.

Những sáng kiến thiết thực

Ngay sau Nghị quyết 134/NQ-CP của Chính phủ, 100 hợp tác xã nông nghiệp điển hình đã được tập hợp thành một nhóm, lấy tên là nhóm “Coop.66”. Nhóm Coop.66 đã nhanh chóng triển khai ứng dụng chuyển đổi số cũng mang tên Coop.66 giúp các hợp tác xã gắn kết, tương tác trao đổi, thảo luận và nhận được sự hỗ trợ tốt nhất từ các đơn vị quản lý địa phương, tiếp cận các giá trị tiện ích công nghệ, khoa học kỹ thuật và phát triển giá trị kinh tế số hiệu quả trong môi trường kinh tế tập thể.

Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, đơn vị đang tiếp tục nâng cấp ứng dụng chuyển đổi số “Coop.66”, ứng dụng như một diễn đàn dạng mở dành riêng cho cộng đồng hợp tác xã, cho phép các hợp tác xã có thể dễ dàng tiếp cận, xây dựng mạng lưới đối tác rộng mở, tiếp cận kho tài nguyên tri thức nông nghiệp hoàn toàn miễn phí. Ngoài ra, ứng dụng còn cung cấp các tiện ích hỗ trợ các hoạt động truyền thông quảng bá, tiếp nhận các thông tin cảnh báo bất lợi về nông nghiệp cũng như giúp cập nhật thị trường, giá cả, chính sách hỗ trợ, văn bản, công văn mới... đến các tài khoản thành viên thông qua ứng dụng. Hệ thống được thực hiện tuân thủ các bước an toàn bảo mật thông tin, dữ liệu cá nhân, phân quyền tiếp cận dữ liệu, quản lý tài khoản, lưu vết, truy xuất thông tin hoạt động của tài khoản người dùng minh bạch bằng công nghệ chuỗi khối. Được biết, ứng dụng đang được phát triển và mở rộng để sớm nhân rộng với mục tiêu đạt ít nhất là 10.000 tài khoản hợp tác xã tham gia ứng dụng Coop.66 đến tháng 6/2023.

Để hỗ trợ cho các hợp tác xã tiếp cận nền tảng số, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cũng đẩy mạnh phối hợp các sở nông nghiệp và phát triển nông thôn triển khai nhiều hoạt động tập huấn, hướng dẫn, hội thảo, truyền thông đến các hợp tác xã và cán bộ phụ trách sử dụng để từng bước vận hành ứng dụng Coop.66. Theo Cục trưởng Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn Lê Đức Thịnh, thời gian tới Cục sẽ tổng hợp ý kiến của người dùng nhằm đánh giá để tiến hành nâng cấp ứng dụng, đồng thời mở rộng các tính năng, tiện ích hỗ trợ hoạt động canh tác sản xuất và phát triển kinh tế số hợp tác xã một cách chủ động.

Chuyển đổi số đã và đang tham dự vào mọi công đoạn của sản xuất nông nghiệp và qua thực tiễn cho thấy sự cần thiết của các giải pháp số, góp phần đem lại nguồn lợi kinh tế, nâng cao đời sống vật chất cho người nông dân. Ngoài Coop.66 hiện còn rất nhiều công ty và các tập đoàn lớn bắt đầu cung cấp các sản phẩm công nghệ dành riêng cho lĩnh vực nông nghiệp, với chi phí thuê, mua phần mềm quản lý chỉ khoảng 3,7 triệu đồng.

Nhờ đó, nhiều hợp tác xã nông nghiệp đã chủ động sử dụng internet và sử dụng các dịch vụ trên internet để cải thiện hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Tính đến hết năm 2021, cả nước có 44,5% số hợp tác xã nông nghiệp sử dụng internet và 26,1% số hợp tác xã sử dụng internet để tham gia bán hàng trên các trang thương mại điện tử. Hiện nay có 18,3% số hợp tác xã có sử dụng phần mềm quản lý. Đây là những con số còn thấp, nhưng đã phần nào cho thấy nỗ lực vươn lên tiếp cận và bước đầu làm chủ nền công nghiệp 4.0 của nông dân Việt Nam. Những nỗ lực ấy không chỉ có đích đến là nâng tầm thương hiệu cho nông sản Việt mà còn là khát vọng vươn tới sự thịnh vượng của người nông dân Việt Nam.