Chuyển đổi số - “nền tảng” nâng cao chất lượng và bảo đảm quyền lợi an sinh xã hội cho người dân

Năm 2021 tiếp tục là một năm nhiều khó khăn, thách thức và bất ổn đối với cả thế giới do những tác động tiêu cực, nặng nề của đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, với vai trò nòng cốt của hệ thống an sinh xã hội, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đã thật sự phát huy hiệu quả tích cực giúp hàng triệu người dân, người lao động và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định đời sống và góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Chuyển đổi số - “nền tảng” nâng cao chất lượng và bảo đảm quyền lợi an sinh xã hội cho người dân

Với những kết quả quan trọng mà ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đạt được trong một năm nhiều biến động, tại buổi làm việc với BHXH Việt Nam ngày 8/12/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đánh giá Bảo hiểm xã hội Việt Nam là một trong những cơ quan đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin.

Nhân dịp năm mới Nhâm Dần, nhìn lại một năm đầy thách thức trong thực hiện các chính sách an sinh, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh có những trao đổi, chia sẻ với Báo Nhân Dân về vai trò của công tác chuyển đổi số của ngành trong việc bảo đảm an sinh cho người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Phóng viên: Xin đồng chí chia sẻ về vai trò công tác chuyển đổi số của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam thời gian qua trong công tác bảo đảm an sinh cho người tham gia?

Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh:

Có thể khẳng định, chuyển đổi số được xác định là yêu cầu tất yếu, bắt buộc để đổi mới căn bản phương thức hoạt động của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam, góp phần xây dựng thành công Chính phủ điện tử mà Quốc hội, Chính phủ đặt ra. Với phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, trong những năm qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tập trung mọi nguồn lực, quyết liệt, triển khai mạnh mẽ việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số từng bước hoàn thiện “hệ sinh thái bảo hiểm xã hội 4.0”, với mục tiêu cuối cùng là phục vụ tốt nhất quyền lợi của doanh nghiệp, người dân và người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Chính vì vậy, giai đoạn 2016-2020, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có những bước đột phá trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để phục vụ công tác của ngành và phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Hiện nay, toàn ngành có gần 30 hệ thống ứng dụng, quản lý cơ sở dữ liệu với sáu trường thông tin cơ bản của hơn 98 triệu người dân, tương ứng với gần 28 triệu hộ gia đình trên toàn quốc; kết nối liên thông với gần 13.000 cơ sở khám, chữa bệnh và hơn 500 nghìn tổ chức, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trên toàn quốc và các bộ, ngành. Hơn 20 nghìn tài khoản công chức, viên chức và người lao động trong ngành phải thường xuyên truy cập, khai thác và sử dụng để thực hiện các hoạt động nghiệp vụ. Mỗi năm, Cổng Giao dịch điện tử tiếp nhận và xử lý gần 100 triệu lượt hồ sơ, nếu tính bình quân mỗi cán bộ bảo hiểm xã hội sẽ phải giải quyết khoảng bốn nghìn hồ sơ/năm...

Đặc biệt, sau hơn một năm công bố và triển khai ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số” trên thiết bị di động thông minh, cả nước đã có gần 30 triệu tài khoản cài đặt và sử dụng ứng dụng. Với ứng dụng này, người dùng có thể quản lý, kiểm soát các thông tin về quá trình thực hiện các dịch vụ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thực hiện các dịch vụ công về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế một cách tiện lợi, nhanh chóng, dễ dàng, tiết kiệm được thời gian và chi phí đi lại; từ 1/6/2021, người dân còn có thể sử dụng hình ảnh thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID để đi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên toàn quốc...

Bên cạnh đó, với vai trò, trách nhiệm được Chính phủ giao là đơn vị chủ quản của Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm-một trong sáu cơ sở dữ liệu quốc gia quan trọng, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã và đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện quy chuẩn kỹ thuật, tập trung cơ sở dữ liệu chuyên ngành, danh mục dữ liệu mở để sẵn sàng kết nối và chia sẻ. Hiện nay, chúng tôi đã kết nối, trao đổi, đối soát dữ liệu tự động hai chiều với Tổng cục Thuế; kết nối liên thông với Bộ Tư pháp dữ liệu khai sinh, khai tử để phục vụ cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi và giải quyết, chi trả chế độ tử tuất, mai táng phí; kết nối chia sẻ dữ liệu đăng ký kinh doanh với Bộ Kế hoạch và Đầu tư; bàn giao toàn bộ cơ sở dữ liệu hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế cho Bộ Y tế xây dựng hồ sơ sức khỏe, bệnh án điện tử; liên thông dữ liệu với gần 13 nghìn cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên toàn quốc; nhất là kết nối, đồng bộ hóa dữ liệu, thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đã có hơn 32 triệu dữ liệu thông tin công dân được chia sẻ để xác thực...

Phóng viên: Đại dịch Covid-19 hai năm qua diễn ra phức tạp, nhất là khi đợt dịch lần thứ tư bùng phát, có thể thấy, hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã góp phần quan trọng và hỗ trợ hiệu quả trong các hoạt động phòng, chống dịch bệnh?

Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh:

Năm 2021, ngay khi các nghị quyết, quyết định về chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp được ban hành, chúng tôi đã tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả, kịp thời các chính sách hỗ trợ, với phương châm đưa chính sách đến doanh nghiệp và người lao động nhanh nhất, thuận tiện nhất.

Các thủ tục hành chính, hồ sơ được rút ngắn tối đa. Chính vì vậy, chỉ sau bảy ngày thực hiện Nghị quyết số 68, Quyết định số 23, cơ quan Bảo hiểm xã hội đã hoàn thành việc điều chỉnh giảm mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 375 nghìn đơn vị, tương ứng với 11,238 triệu lao động với số tiền khoảng 4.322 tỷ đồng; rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ từ 05 ngày còn 01 ngày làm việc...

Thực hiện Nghị quyết số 116, chỉ trong vòng 05 ngày (từ ngày 1-5/10/2021), cả nước đã hoàn thành việc gửi thông báo giảm mức đóng (từ 1% xuống 0%) vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đến 363,6 nghìn đơn vị sử dụng lao động, với số tiền điều chỉnh giảm hơn 7.595 tỷ đồng; và chỉ sau một tháng triển khai (sau một phần ba thời gian quy định theo tinh thần Nghị quyết) cơ bản đã có hơn 80% số người lao động được nhận gói hỗ trợ này, với các thủ tục hành chính được cải cách tối đa, đối với người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp hầu như không phải tương tác một thủ tục nào cả, chỉ cần đơn vị sử dụng lao động xác nhận với cơ quan Bảo hiểm xã hội, khoản tiền hỗ trợ sẽ được chuyển trực tiếp vào tài khoản cá nhân của người lao động. Đến ngày 20/12, theo thời hạn cuối của việc thực hiện Nghị quyết số 116, chúng tôi đã cơ bản hoàn thành 100% việc xác nhận các thủ tục cho người lao động, và đến nay cơ bản hoàn thành 100% việc chi trả cho gần 13 triệu người lao động...

Phóng viên: Trước những tác động của dịch bệnh cũng đặt ra những đòi hỏi, yêu cầu phải đổi mới phương thức hoạt động của ngành, đồng chí có thể cho biết những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Bảo hiểm xã hội Việt Nam để “thích ứng” trong giai đoạn mới?

Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh:

Năm 2021, là một năm khó khăn của cả nước, trước tác động nặng nề của dịch bệnh, Bảo hiểm xã hội Việt Nam luôn chủ động bám sát các Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ để có chương trình kế hoạch hành động linh hoạt phù hợp thích ứng, để làm sao triển khai tốt nhất trong mọi tình huống. Kết quả năm 2021, đã hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Đặc biệt, dù trong hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh, nhưng độ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vẫn đạt mục tiêu đề ra với hơn 16,5 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội (tăng 2,1% so năm 2020) chiếm 33,75% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó ấn tượng hơn cả là số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện với hơn 1,4 triệu người tham gia, tăng 28% so cùng kỳ năm 2020, đạt 2,94% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức, cao hơn 1,94% so chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết số 28-NQ/TW (năm 2021 là 1%); hơn 88,8 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (tăng 0,9% so năm 2020), đạt tỷ lệ bao phủ 91,01% dân số. Giao dịch điện tử được đẩy mạnh, 100% số đầu mục dịch vụ công của ngành được thực hiện ở mức độ 4; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia đạt 80%...

Tuy nhiên, tác động của dịch bệnh cũng đặt ra đòi hỏi, yêu cầu Bảo hiểm xã hội Việt Nam phải tiếp tục đổi mới phương thức, cách thức hoạt động của hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Đặc biệt, là việc ứng dụng, sử dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong tình hình mới.

Để làm tốt nhiệm vụ này, thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, phát huy tối đa nền tảng, nguồn lực về cán bộ, cơ sở vật chất, công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý, nghiệp vụ của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam để phục vụ doanh nghiệp, người dân. Tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, bảo đảm sự đơn giản, dễ dàng, thuận tiện nhất cho doanh nghiệp, người dân; đa dạng hóa các hình thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính; tiếp tục đổi mới phương thức phục vụ, đẩy mạnh chi trả qua các tổ chức dịch vụ công, chi trả không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Chính phủ...

Hoàn thiện cơ sở hạ tầng, kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, bảo đảm thông suốt, chính xác, nhanh chóng, an ninh an toàn, tạo thuận lợi cho việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng. Đặc biệt, sẽ nghiên cứu, triển khai các nền tảng, giải pháp kỹ thuật mới phục vụ chuyển đổi số cho ngành, như việc xây dựng hệ thống phân tích xử lý dữ liệu lớn (big data), áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong các hoạt động của ngành nhằm phục vụ tốt nhất quyền lợi cho đơn vị, doanh nghiệp và người dân.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của đồng chí!

Nhật Anh (ghi)