Chung tay vun đắp giá trị gia đình Việt và chăm sóc trẻ mồ côi

NDO - Thông qua Ngày hội “Vun đắp giá trị gia đình Việt Nam” và chương trình gặp mặt, biểu dương các “Mẹ đỡ đầu” tiêu biểu về nhận đỡ đầu, chia sẻ, hỗ trợ, nuôi dưỡng các trẻ mồ côi lần này, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đắk Lắk mong muốn tạo điều kiện cho cán bộ, hội viên phụ nữ, mẹ đỡ đầu, trẻ mồ côi, người thân của trẻ mồ côi giao lưu, học hỏi, chia sẻ, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong chăm sóc trẻ mồ côi và xây dựng gia đình bình đẳng, hạnh phúc.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đắk Lắk và Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Đắk Lắk tặng quà cho các cháu mồ côi.
Lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đắk Lắk và Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Đắk Lắk tặng quà cho các cháu mồ côi.

Hướng đến chào mừng kỷ niệm 78 năm cách mạng tháng Tám và Quốc khánh (2/9/1945-2/9/2023), chào mừng năm học mới 2023-2024, ngày 11/8, tại thành phố Buôn Ma Thuột Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đắk Lắk tổ chức Ngày hội “Vun đắp giá trị gia đình Việt Nam” năm 2023 và biểu dương các “Mẹ đỡ đầu tiêu biểu” cùng các hoạt động tiếp sức trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đến trường…

Vun đắp giá trị gia đình Việt

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đắk Lắk Tô Thị Tâm cho biết, Nghị quyết Đại hội Phụ nữ các cấp và Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra nội dung “Vun đắp giá trị gia đình Việt Nam” thực hiện các tiêu chí liên quan đến gia đình và bình đẳng giới trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Đây là yêu cầu nhiệm vụ mới, đồng thời là cơ sở để các cấp Hội phát huy vai trò đồng hành, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc trong tình hình mới.

Chung tay vun đắp giá trị gia đình Việt và chăm sóc trẻ mồ côi ảnh 1

Các cháu mồ côi được vui chơi trong vòng tay thương yêu của người lớn.

Cùng với việc đề ra yêu cầu nhiệm vụ tổ chức các hoạt động “Vun đắp giá trị gia đình Việt Nam” với định hướng 4 giá trị gia đình cần vun đắp, đó là: An toàn, trách nhiệm, thịnh vượng và bình đẳng.

Nội hàm các giá trị gia đình được hiểu trên nhiều khía cạnh khác nhau, trong đó, trước hết và quan trọng nhất là môi trường sống an toàn để cá nhân được sinh ra, nuôi dưỡng và trưởng thành, không có bạo lực, xâm hại, xao lãng. Gia đình cũng là nơi mang đến an toàn về cảm xúc, giúp cân bằng tâm lý-tình cảm cho cá nhân trước áp lực cuộc sống bằng tình yêu thương, chia sẻ, tôn trọng và gắn kết. Gia đình đồng thời phải an toàn về khả năng phòng vệ, có khả năng chống chịu rủi ro và thách thức từ môi trường bên ngoài như: dịch bệnh, thiên tai, thảm họa cũng như các tình huống bất ngờ.

Thế nhưng thiên tai, tai nạn giao thông, rủi ro và dịch bệnh Covid-19 đã khiến cho không ít trẻ em phải chịu đựng những nỗi đau to lớn, không thể bù đắp được khi mất đi cả cha và mẹ hoặc mất cha, mất mẹ, rơi vào hoàn cảnh khó khăn, phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức.

Chung tay vun đắp giá trị gia đình Việt và chăm sóc trẻ mồ côi ảnh 2

Các mạnh thường quân trao tặng kinh phí xây dựng nhà tình thương cho các cháu mồ côi.

Để chung tay góp sức chia sẻ với những khó khăn, mất mát to lớn đó, hưởng ứng chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ ở Đắk Lắk đã tích cực thực hiện với nhiều hoạt động thiết thực, sự chung tay của toàn xã hội nhằm xoa dịu phần nào nỗi đau, ổn định tâm sinh lý cho trẻ trong quá trình trưởng thành để cùng mang hạnh phúc, yêu thương đến với các em nhỏ thiệt thòi, giúp các em phát triển toàn diện về văn hóa, sức khỏe, tâm lý, tình cảm và có tương lai tươi sáng.

Thân thương 3 chữ: “Mẹ đỡ đầu”

Nhân dịp này, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đắk Lắk cũng tổ chức chương trình gặp mặt, biểu dương 31 “Mẹ đỡ đầu” tiêu biểu về nhận đỡ đầu, chia sẻ, hỗ trợ, nuôi dưỡng các trẻ mồ trong tỉnh.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đắk Lắk Tô Thị Tâm cho biết, trong thời gian qua, các đợt bùng phát của dịch Covid-19 tại địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã có 18 trẻ mồ côi cha, mẹ do Covid-19 và 2.279 trẻ em mồ côi vì các nguyên nhân khác; trong đó có 679 trẻ em mồ côi cả cha và mẹ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Các em đều đang ở độ tuổi cần vòng tay yêu thương, sự chăm sóc, nuôi dưỡng của cha mẹ, người thân đã rơi vào hoàn cảnh bơ vơ không nơi nương tựa, thiếu sự chăm sóc, ảnh hưởng đến cuộc sống và việc học tập của các em…

Chung tay vun đắp giá trị gia đình Việt và chăm sóc trẻ mồ côi ảnh 3

Các cháu mồ côi vui chơi trong ngày hội.

Vì vậy, Chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động, mang ý nghĩa nhân văn hết sức thiết thực và sâu sắc. Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đắk Lắk đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các cấp Hội trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện; đồng thời xây dựng kế hoạch, phát động tới toàn thể cán bộ, hội viên và kết nối với các tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân, nhà hảo tâm chung tay cùng toàn xã hội thực hiện chương trình này.

Chương trình với ý nghĩa nhân văn vừa xoa dịu nỗi đau, vừa trở thành điểm tựa vững chắc để các em mạnh mẽ vượt qua hoàn cảnh khó khăn, bước tiếp trên con đường tương lai phía trước.

Bằng nhiều phương pháp, cách làm khác nhau, cán bộ, hội viên phụ nữ đã có những việc làm ý nghĩa, thiết thực để giúp đỡ các em mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được quan tâm, hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng.

Chung tay vun đắp giá trị gia đình Việt và chăm sóc trẻ mồ côi ảnh 4
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đắk Lắk Tô Thị Tâm tặng quà cho các cháu mồ côi.

Sau 2 năm triển khai, đến nay có 685 trẻ em mồ côi trên địa bàn tỉnh đã được các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, các mạnh thường quân, các cấp Hội phụ nữ nhận đỡ đầu, với tổng số tiền hỗ trợ hơn 7,8 tỷ đồng.

Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm Ngày gia đình Việt Nam năm 2022, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tổ chức Chương trình “Mẹ đỡ đầu - Kết nối vòng tay yêu thương”, đã kết nối 13 đơn vị, công ty, doanh nghiệp, các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm làm “Mẹ đỡ đầu” cho 26 trẻ em mồ côi trên địa bàn tỉnh, với mức hỗ trợ hằng tháng, hằng quý, hằng năm, 5 năm, đến năm 18 tuổi, góp phần cùng toàn xã hội mang hạnh phúc, yêu thương đến với các em nhỏ thiệt thòi, giúp các em dần lấp đầy những khoảng trống thiếu thốn về tình cảm, yêu thương của trẻ em mồ côi bởi “Mẹ đỡ đầu”.

Tại Ngày hội “Vun đắp giá trị gia đình Việt Nam” và chương trình gặp mặt, biểu dương các “Mẹ đỡ đầu” tiêu biểu về nhận đỡ đầu, chia sẻ, hỗ trợ, nuôi dưỡng các trẻ mồ trong tỉnh lần này, được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, đơn vị, đặc biệt là Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh với nhiều hoạt động thiết thực tổ chức cho 120 thiếu nhi là trẻ mồ côi đã được trải nghiệm kỹ năng hoạt động tập thể, gắn kết tình cảm với các mẹ đỡ đầu thông qua hoạt động Teambuilding sôi nổi, hấp dẫn.

Đồng thời tổ chức chương trình gặp gỡ, giao lưu và cùng chia sẻ những tình cảm quý báu của 31 mẹ đỡ đầu dành cho những người con của mình và sự biết ơn, hạnh phúc vô bờ bến của những người con đã được những người mẹ giang rộng vòng tay để đón lấy những cuộc đời, những người con không nơi nương tựa, thiếu thốn về tình cảm, vật chất... và cùng thắp lên những hy vọng, tương lai tươi sáng của các em.

Chung tay vun đắp giá trị gia đình Việt và chăm sóc trẻ mồ côi ảnh 5

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đắk Lắk tuyên dương các "Mẹ đỡ đầu" tiêu biểu.

Nhìn các em hồn nhiên vui chơi với bạn bè, bà Tô Thị Tâm xúc động cho biết, 120 trẻ mồ côi và 31 mẹ đỡ đầu ở Đắk Lắk tham gia Ngày hội “Vun đắp giá trị gia đình Việt Nam” và chương trình gặp mặt, biểu dương các “Mẹ đỡ đầu” tiêu biểu lần này dù chưa phản ánh đầy đủ những việc làm ý nghĩa, hành động cao đẹp của các cấp Hội Phụ nữ, các mạnh thường quân, song Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh mong muốn và hy vọng rằng từ chương trình này sẽ tiếp tục lan tỏa các giá trị tốt đẹp trong cộng đồng, quy tụ ngày càng nhiều hơn nữa các tổ chức, cá nhân cùng đồng hành với các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ trong tỉnh để cùng chăm sóc, nuôi dưỡng, đỡ đầu giúp các con bước tiếp cuộc đời, cùng mang hạnh phúc, yêu thương đến với các em nhỏ thiệt thòi, giúp các em phát triển toàn diện về văn hóa, sức khỏe, tâm lý, tình cảm và có tương lai tươi sáng.

Bên cạnh sự hỗ trợ về vật chất, động viên tinh thần cho các cháu mồ côi, một trong những điều mà các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ ở Đắk Lắk quan tâm đối với “Mẹ đỡ đầu” và các con đó chính là bồi đắp tình cảm gắn kết yêu thương, rèn luyện các kỹ năng sống, kỹ năng thực hành xã hội.

Trên cơ sở đó, để tiếp nối các hoạt động hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc; bảo vệ, giáo dục, chăm sóc trẻ em. Thông qua Ngày hội này còn tạo cơ hội cho cán bộ, hội viên phụ nữ, mẹ đỡ đầu, trẻ mồ côi, người thân của trẻ mồ côi giao lưu, học hỏi, chia sẻ; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, góp phần tạo lập môi trường an toàn, chăm sóc và xây dựng gia đình bình đẳng, phát triển cho các thành viên trong gia đình cũng như trẻ mồ côi, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội đối với công tác xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh…