Khi “Mẹ công an” đỡ đầu con mồ côi

Hưởng ứng chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khởi xướng, Hội Phụ nữ Bộ Công an phát động, triển khai đến từng đơn vị, địa phương, gắn liền thực hiện Đề án 938 về “tuyên truyền, giáo dục, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết các vấn đề xã hội”.
0:00 / 0:00
0:00
Công an thành phố Cần Thơ thăm hỏi, tặng quà các con đỡ đầu.
Công an thành phố Cần Thơ thăm hỏi, tặng quà các con đỡ đầu.

Đây là hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thiết thực giúp trẻ em mồ côi do dịch Covid-19 nói riêng, trẻ em mồ côi nói chung, là cầu nối để các mẹ đỡ đầu gặp gỡ, trở thành những điểm tựa đầy yêu thương, trách nhiệm với trẻ mồ côi trên khắp mọi miền đất nước.

Thiếu tướng Ngô Hoài Thu, Phó Cục trưởng Cục Công tác đảng và Công tác chính trị, Phó Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ, công tác gia đình và trẻ em Công an nhân dân, Trưởng ban Phụ nữ Công an nhân dân cho biết: Để giúp trẻ mồ côi vẫn có một mái ấm và phát triển toàn diện bên người thân, các cấp hội phụ nữ trong Công an nhân dân lựa chọn hình thức đỡ đầu gián tiếp.

Với hình thức này, các cấp hội thường xuyên thăm hỏi động viên, nắm bắt thông tin, tình hình sức khỏe, học tập của các cháu. Kịp thời phát hiện, giải quyết những vấn đề liên quan đến trẻ, trên nguyên tắc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các con. Hội phụ nữ các đơn vị, địa phương nhận đỡ đầu các cháu bị khuyết tật không có khả năng phục vụ bản thân, các cháu có bố mẹ, người thân chết do dịch Covid-19.

Thời gian đỡ đầu từ 5 năm, hoặc đến khi các con 18 tuổi. Một số hội có phương án đồng hành, hỗ trợ việc làm sau khi các con học xong lớp 12, đồng hành, hỗ trợ tìm việc làm khi các con tốt nghiệp đại học.

Với trẻ có hoàn cảnh đặc biệt như: nạn nhân của vụ hiếp dâm do hội phụ nữ Công an các tỉnh Gia Lai, Tiền Giang, Nghệ An đỡ đầu, trẻ mắc bệnh HIV từ mẹ, con đỡ đầu thuộc Hội Phụ nữ Công an tỉnh An Giang, trẻ là con phạm nhân đang thi hành án phạt tù, trẻ khuyết tật bẩm sinh không thể đi học, các mẹ đỡ đầu không chỉ quan tâm đời sống của trẻ, mà còn thường xuyên tâm tình, giải tỏa tâm lý, tạo niềm tin vào tương lai cho trẻ.

Hằng tháng các mẹ hỗ trợ kinh phí sinh hoạt, học tập với mức trung bình từ 300 nghìn đồng đến 1,5 triệu đồng/cháu/tháng, tùy theo điều kiện từng đơn vị; ngoài ra còn tặng đồ dùng học tập, quần áo, đồ dùng thiết yếu; hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, tư vấn học tập. Hội Phụ nữ Công an tỉnh Bình Phước thường xuyên cử cán bộ đến kèm con học tập.

Một số hội xây dựng “Mái ấm tình thương” để giúp con đỡ đầu và gia đình có một căn nhà nhỏ sinh hoạt như Công an TP Cần Thơ, Công an tỉnh Thái Bình, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Long An... hoặc hỗ trợ mô hình sinh kế cho thân nhân con đỡ đầu; hỗ trợ các con về bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể hằng năm. Các mẹ ở Công an tỉnh Hải Dương còn đưa các con đi học, đi chơi khi có điều kiện.

Đã có 101 Hội Phụ nữ Công an đơn vị, địa phương triển khai nhận nuôi trẻ theo chương trình, trong đó có 30 hội đơn vị, địa phương nhận nuôi từ 20 cháu trở lên.

Tổng số trẻ được các cấp hội phụ nữ nhận đỡ đầu trong toàn lực lượng là 1.656 cháu, trong đó có 18 cháu là con liệt sĩ công an nhân dân, bốn cháu là con cán bộ công an xã bị mất trong khi làm nhiệm vụ. Hội Phụ nữ các đơn vị tại vùng có nhiều dân tộc ít người, vùng có đông người theo đạo Thiên Chúa đã nhận đỡ đầu con em người dân tộc thiểu số, người theo đạo.

Điển hình, Hội Phụ nữ Công an tỉnh Đắk Nông nhận nuôi 34 cháu đều là người dân tộc thiểu số. Một số hội phụ nữ nhận nuôi trẻ mồ côi có bố hoặc mẹ đang thi hành án phạt tù, hoặc bản thân con bị nhiễm HIV hoặc là nạn nhân của tội phạm hiếp dâm.

Tính đến thời điểm hiện tại, các cấp hội trong phụ nữ Công an nhân dân đã đóng góp, vận động được hơn 9,5 tỷ đồng để nuôi dưỡng, chăm sóc các con. Quá trình triển khai xuất hiện một số điển hình sáng tạo trong gây quỹ tạo nguồn vốn thực hiện như:

mô hình “Tủ vé số gây quỹ giúp đỡ trẻ mồ côi” đã tạo nguồn vốn không nhỏ để hỗ trợ các con của Công an tỉnh Đồng Tháp. Cùng với triển khai chương trình, một số công an đơn vị, địa phương triển khai mô hình nhận nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em mồ côi như Công an tỉnh Sơn La nhận nuôi 23 trẻ mồ côi tại công an tỉnh, Học viện Cảnh sát nhân dân nhận đỡ đầu 55 trẻ mồ côi.

Ngày 12/10/2021, Công an TP Cần Thơ triển khai chương trình “Tình thương cho em hậu Covid-19”, nhận nuôi 11 trẻ mồ côi.

Việc làm này đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Công an ghi nhận, biểu dương cách làm chủ động, sáng tạo thể hiện tinh thần trách nhiệm, tình yêu thương của người chiến sĩ Công an nhân dân đối với cộng đồng và công tác chăm sóc trẻ em. Mô hình này đã được chỉ đạo nhân rộng trong toàn quốc nói chung, lực lượng công an nói riêng.

Thượng tá Nguyễn Ngọc Thúy, Chủ tịch Hội Phụ nữ Công an Cần Thơ cho biết: Tiếp nối mô hình “Tình thương cho em hậu Covid-19”, hưởng ứng chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động, Hội Phụ nữ Công an TP Cần Thơ đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi.

Các con mồ côi do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; các con mồ côi chưa được nhận đỡ đầu hoặc ít nhận được sự hỗ trợ trên địa bàn toàn thành phố là đối tượng được ưu tiên.

Ngay trong tháng đầu, các cấp hội đã thăm hỏi, động viên, tặng quà 25 cháu, trong đó nhận đỡ đầu 13 cháu, với tổng số tiền hàng chục triệu đồng. Chương trình do Hội Phụ nữ Cần thơ triển khai đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ghi nhận là công trình, phần việc tiêu biểu chào mừng Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII.

Đến nay, đã đỡ đầu 62 trẻ, duy trì mức hỗ trợ tối thiểu 3 triệu đồng/trẻ/năm mua sách vở, đồng phục, đồ dùng học tập, bảo hiểm y tế…

Toàn tỉnh Đồng Nai có hơn 1.900 người mất vì dịch Covid-19, khiến 176 trẻ mồ côi cha, mẹ, thậm chí cả cha lẫn mẹ. Thấu hiểu những mất mát mà các em đang phải gánh chịu, Hội Phụ nữ Công an tỉnh là một trong những đơn vị hưởng ứng nhiệt tình. Một trong những đơn vị tham gia nuôi dưỡng nhiều trẻ mồ côi nhất trong tỉnh.

Ban đầu, triển khai theo kế hoạch hướng dẫn, mẹ đỡ đầu sẽ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi do dịch Covid-19. Tuy nhiên, tùy tình hình thực tế của mỗi đơn vị, địa phương, hội phụ nữ quyết định mở rộng nhận đỡ đầu những trẻ em mồ côi do nhiều hoàn cảnh khác nhau như: cha mẹ bị mất do tai nạn, trẻ em không nơi nương tựa. Tất cả tiền chăm lo và vật chất hỗ trợ trẻ mồ côi đều do hội viên Hội Phụ nữ Công an tỉnh đóng góp.

Trong căn nhà gắn biển nhà tình thương tại xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc) có ba con người đang sống nương tựa nhau, Trần Thị Quỳnh Như và đứa em trai bị thiểu năng trí tuệ hằng ngày được người cha chăm sóc do mẹ bỏ đi biệt xứ...

Hằng tháng đều đặn, những ngôi nhà tưởng chừng sẽ thiếu hơi ấm tình thương cha, mẹ ở trên mọi miền Tổ quốc lại được sưởi ấm bằng tình thương yêu của những người “mẹ” mang sắc phục Công an nhân dân. Và, những ước mơ tưởng chừng vụt tắt của những đứa trẻ mồ côi cha mẹ lại được thắp lên bởi những người mẹ như thế.