Chương trình "Mẹ đỡ đầu" trong Công an nhân dân: Yêu thương và chia sẻ

NDO - Toàn quốc có 141.256 trẻ mồ côi, trong đó 21.883 trẻ mồ côi cả cha và mẹ. Thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ và hội viên trong toàn quốc nhận đỡ đầu 19.826 trẻ mồ côi, nhưng vẫn còn rất nhiều trẻ mồ côi bất hạnh, ngày ngày đang mong chờ sự giúp đỡ của cộng đồng và mỗi chúng ta.
0:00 / 0:00
0:00
Giao lưu tại chương trình.
Giao lưu tại chương trình.

Chiều 10/7, tại Hà Nội, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ, công tác gia đình và trẻ em công an nhân dân, Bộ Công an tổ chức Chương trình Mẹ đỡ đầu - yêu thương và chia sẻ.

Dự chương trình có Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Công an, Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ, công tác gia đình và trẻ em công an nhân dân; đại diện lãnh đạo Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và xã hội); 75 cặp mẹ con tiêu biểu trong chương trình “Mẹ đỡ đầu” trong lực lượng Công an nhân dân.

Báo cáo sơ kết một năm triển khai chương trình cho thấy, thời điểm hiện tại 100% Hội Phụ nữ các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu” trong các cấp hội. 6/6 cụm thi đua Hội Phụ nữ khối trực thuộc Bộ đều có kế hoạch triển khai Chương trình “Mẹ đỡ đầu”. Tùy theo điều kiện của từng đơn vị và tình hình của địa phương, các cháu được Hội Phụ nữ các đơn vị nhận nuôi có số lượng khác nhau.

Chương trình "Mẹ đỡ đầu" trong Công an nhân dân: Yêu thương và chia sẻ ảnh 1

Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ và Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh trao giấy khen và học bổng cho 75 cặp mẹ con tiêu biểu.

Đến nay, có 101 Hội Phụ nữ Công an đơn vị, địa phương triển khai nhận nuôi trẻ theo chương trình “Mẹ đỡ đầu”, trong đó có 30 Hội Phụ nữ Công an đơn vị địa phương nhận nuôi từ 20 cháu trở lên. Tổng số trẻ được các cấp Hội Phụ nữ nhận đỡ đầu trong toàn lực lượng là 1.656 cháu.

Hằng tháng các “Mẹ đỡ đầu” hỗ trợ kinh phí sinh hoạt học tập với mức trung bình từ 300.000 - 1.500.000 đồng/ 1 tháng/ 1 cháu tùy theo điều kiện từng đơn vị; tặng quà là đồ dùng học tập, quần áo, đồ dùng thiết yếu; hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, tư vấn học tập. Các cấp hội trong Phụ nữ Công an nhân dân đã đóng góp và vận động hơn 9,5 tỷ đồng nuôi dưỡng các con được đỡ đầu.

Dù mới triển khai được 1 năm, nhưng Chương trình “Mẹ đỡ đầu” đã đạt được kết quả đáng ghi nhận, có sức lan tỏa lớn trong cộng đồng và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Hình ảnh của người cán bộ chiến sĩ công an ngày càng đẹp trong lòng nhân dân và chương trình góp phần trực tiếp ngăn ngừa tội phạm vị thành niên trong xã hội.

Thời gian tới, Hội phụ nữ tiếp tục duy trì và triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu” trong các cấp hội Phụ nữ Công an nhân dân, từng bước lan tỏa nhân rộng chương trình trong toàn lực lượng Công an nhân dân.

Tiếp tục triển khai nhận đỡ đầu các trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, song song với việc hỗ trợ về mặt kinh phí nuôi dưỡng, Hội Phụ nữ công an các đơn vị địa phương nghiên cứu hỗ trợ gia đình gặp gỡ, chăm sóc, dạy dỗ các cháu nếu có điều kiện.

Chương trình "Mẹ đỡ đầu" trong Công an nhân dân: Yêu thương và chia sẻ ảnh 2

Thượng tướng Trần Quốc Tỏ phát biểu chỉ đạo.

Phát biểu tại chương trình, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ mong muốn trong thời gian tới cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng công an các đơn vị, địa phương tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức đoàn thể quần chúng và công an cơ sở, nòng cốt là tổ chức Hội phụ nữ các cấp và công an cấp xã với vai trò nòng cốt thực hiện Chương trình “Mẹ đỡ đầu” trẻ mồ côi.

Đồng chí Thứ trưởng yêu cầu cần tiếp tục đánh giá sát hơn nữa, sâu hơn nữa, chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong ứng dụng, vận dụng một cách hợp lý, uyển chuyển, mang đậm nét về tính dân vận của Đảng, chính quyền, đoàn thể và của cả hệ thống chính trị. Việc đỡ đầu trẻ mồ côi dù theo hình thức trực tiếp hay gián tiếp đều phải trên tinh thần tự nguyện, tự giác, tự cảm thông và nhiệt tình đồng hành chia sẻ mang đậm nét về tính nhân văn cao cả.

Nhấn mạnh về đối tượng áp dụng không nhất thiết chỉ là đối với các trẻ mồ côi do hậu quả Covid-19 gây ra, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ yêu cầu, đối tượng cần phải được mở rộng hơn, đa dạng hơn, không phân biệt thành phần, giới tính, độ tuổi; trong đó tập trung hơn đối với những trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, trẻ mồ côi có bố mẹ nguyên trong lực lượng công an nhân dân; trẻ mồ côi không nơi nương tựa, không được học hành, lang thang cơ nhỡ có biểu hiện hư; trẻ mồ côi là người dân tộc thiểu số hoặc bị mắc bệnh hiểm nghèo hoặc ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Trong khi đó, theo số liệu thống kê cho biết, hiện nay toàn quốc có 141.256 trẻ mồ côi, trong đó có 21.883 trẻ mồ côi cả cha và mẹ.

Thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ và hội viên trong toàn quốc đã nhận đỡ đầu được 19.826 trẻ mồ côi (14,03%). Số còn lại có rất nhiều trẻ mồ côi bất hạnh, ngày ngày đang ngóng chờ có sự giúp đỡ của cộng đồng, trong đó có mỗi chúng ta, với tinh thần “không cháu mồ côi nào bị bỏ lại phía sau”, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ nhấn mạnh.

Đồng chí đồng thời mong muốn, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tiếp tục chỉ đạo sâu rộng và mạnh mẽ hơn nữa; kết nối, lan tỏa để cả hệ thống chính trị cùng đồng hành vào cuộc thực hiện Chương trình này.

Bên cạnh đó, Bộ Lao động-Thương binh và xã hội phối hợp Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam quan tâm triển khai thực hiện Chương trình, đưa thành nội dung quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về trẻ em; nghiên cứu đề xuất Chính phủ ban hành thêm một số chính sách an sinh xã hội hỗ trợ trẻ mồ côi.