Ở đâu có trẻ mồ côi, ở đó có Mẹ đỡ đầu

Hưởng ứng Phong trào thi đua đặc biệt "Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19"; chung tay cùng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi do Covid 19, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam triển khai Chương trình "Mẹ đỡ đầu" chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi do tác động của dịch Covid-19 trên phạm vi toàn quốc.
0:00 / 0:00
0:00
Chương trình "Mẹ đỡ đầu" thu hút nhiều Bộ, ban, ngành và doanh nghiệp. (Ảnh: Minh Duy)
Chương trình "Mẹ đỡ đầu" thu hút nhiều Bộ, ban, ngành và doanh nghiệp. (Ảnh: Minh Duy)

Mục tiêu của chương trình là vận động, kết nối các cá nhân, đơn vị, tổ chức hỗ trợ đỡ đầu trẻ em mồ côi do Covid-19. Trong đó, chú trọng vận động, kết nối phụ nữ tại địa bàn trẻ mồ côi sinh sống nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ tại gia đình, quan tâm chăm sóc trẻ hằng ngày với tinh thần tự nguyện.

Sau hơn 8 tháng triển khai, chương trình đã vận động, kết nối, hỗ trợ, cam kết đỡ đầu cho 10.775 trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó có hơn 2.000 trẻ mồ côi do Covid-19 có nhu cầu hỗ trợ. Riêng trong đợt cao điểm hưởng ứng Ngày gia đình Việt Nam năm 2022, Hội phụ nữ các tỉnh, thành phố trong cả nước, các đơn vị đã đăng ký nhận đỡ đầu 5.330 em nhỏ. Tổng số tiền vận động được hơn 41 tỷ đồng.

Với ý nghĩa nhân văn đó, chương trình nhanh chóng tạo sự lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng. Bên cạnh việc tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà, tặng học bổng, nhu yếu phẩm cũng như chăm sóc thường xuyên về tình cảm, tâm lý, sức khỏe cho trẻ em mồ côi do Covid-19, các cấp Hội địa phương chú trọng đẩy mạnh vận động nguồn lực, kết nối "Mẹ đỡ đầu" với trẻ mồ côi. Từ đó, thành lập các tổ/nhóm, đơn vị, tập thể "Mẹ đỡ đầu" tự nguyện, trực tiếp chăm sóc trẻ hằng ngày ngay tại gia đình của trẻ, hạn chế tối đa sự thay đổi về môi trường sống của trẻ.

Với phương châm "Ở đâu có trẻ mồ côi, ở đó có Mẹ đỡ đầu", nhiều tỉnh, thành Hội đã chủ động phối hợp Ðài Phát thanh-Truyền hình tỉnh tổ chức các chương trình truyền hình trực tiếp "Mẹ đỡ đầu - kết nối yêu thương" vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm nhận đỡ đầu và hỗ trợ nguồn lực cho trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn.

Sau gần sáu tháng triển khai, Chương trình được hầu hết các Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, thành phố, đơn vị hưởng ứng và lan tỏa rộng rãi tới các ngành, các cấp. Chương trình nhận được sự đánh giá cao của lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, thu hút sự quan tâm của các cấp, các ngành, các đơn vị, tổ chức và các cá nhân đồng hành.

Ðến cuối tháng 4, theo báo cáo 30 tỉnh, thành phố, các cấp Hội đã vận động, kết nối, hỗ trợ, đỡ đầu cho 5.444 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn; trong đó có 1.653 trẻ mồ côi do Covid-19 và 3.791 trẻ mồ côi do các nguyên nhân khác.

Bên cạnh những kết quả bước đầu khả quan còn tình trạng hiểu chưa đúng về tinh thần, tính chất của Chương trình. Một số đơn vị quan tâm huy động nguồn lực vật chất nhưng chưa chú trọng tìm kiếm, kết nối "Mẹ đỡ đầu" nhận chăm sóc, nuôi dưỡng, hỗ trợ tư vấn tâm lý... trực tiếp tại gia đình cho trẻ. Một số trường hợp "Mẹ đỡ đầu" chưa tạo được dấu ấn, khác biệt trong thực hiện vai trò đỡ đầu.

Tiến độ đề xuất hỗ trợ cho trẻ mồ côi còn chậm do việc rà soát, đánh giá, xác minh thông tin của trẻ/người giám hộ gặp nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian. Nguyên nhân do tình trạng thay đổi chỗ ở, thay đổi người nuôi dưỡng của trẻ, việc cung cấp thông tin không chính xác, không đồng nhất. Tính pháp lý trong thẩm định, xác minh thông tin của trẻ và người giám hộ còn vướng mắc.

Thời gian tới, để chương trình được triển khai rộng khắp, thiết thực hơn nữa, mạng lưới Ban chấp hành Trung ương Hội, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội cần quan tâm vận động nữ cán bộ, công chức trong hệ thống của ngành mình đăng ký nhận con đỡ đầu. Gắn kết chặt chẽ với Hội phụ nữ cơ sở, mẹ đỡ đầu tại chỗ để chăm lo hỗ trợ, hướng tới mở rộng hỗ trợ, chăm sóc các con mồ côi vì các nguyên nhân khác.

Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp, nhất là cấp tỉnh và cơ sở quan tâm nghiên cứu kỹ nội dung, cách thức đỡ đầu, lựa chọn đối tượng, kết nối, quản lý thông tin, vận động nguồn lực, giám sát thực hiện chính sách, theo dõi, hỗ trợ..., vận dụng sáng tạo trong triển khai thực hiện ở địa phương. Báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương, lãnh đạo bộ, ngành về việc triển khai thực hiện Chương trình, tranh thủ sự ủng hộ của lãnh đạo. Ðối với địa bàn có trẻ mồ côi, Hội phụ nữ cơ sở có thể nghiên cứu đăng ký với cấp ủy, chính quyền đảm nhận công trình/phần việc tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh là thực hiện Chương trình "Mẹ đỡ đầu".

Vấn đề cần được quan tâm là tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, lan tỏa ý nghĩa nhân văn của chương trình, giúp hội viên, phụ nữ, cộng đồng, nhất là các "Mẹ đỡ đầu" hiểu rõ tính chất "đỡ đầu" của Chương trình không chỉ là vận động nguồn lực vật chất mà quan trọng hơn, các con nhận được tình yêu thương, sự chăm sóc của những người mẹ đỡ đầu.

Tiếp tục rà soát, khảo sát đối tượng bảo đảm tiêu chí "đỡ đầu", giúp đỡ kịp thời đúng người, đúng đối tượng, tránh tình trạng bỏ sót các trường hợp trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn không được giúp đỡ. Phối hợp các ngành chức năng xác minh thông tin của trẻ mồ côi và người nuôi dưỡng bảo đảm đúng yêu cầu của pháp luật và quy định của nhà tài trợ.

Chủ động giám sát việc thực hiện các nội dung của Luật Trẻ em năm 2016, các chính sách liên quan trẻ mồ côi và tham mưu kiến nghị, đề xuất chính sách phù hợp, nhằm tạo điều kiện cho trẻ mồ côi nhận được sự nuôi dưỡng, chăm sóc thay thế phù hợp để phát triển toàn diện.