Chung tay thay đổi hành vi tiêu thụ thịt thú rừng

NDO - Sáng 21/10, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) phối hợp Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Họp báo Phát động chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi tiêu thụ thịt thú rừng của nhóm người tiêu dùng thành thị.
0:00 / 0:00
0:00
Chung tay thay đổi hành vi tiêu thụ thịt thú rừng.
Chung tay thay đổi hành vi tiêu thụ thịt thú rừng.

Sự kiện nằm trong chiến dịch giảm cầu tiêu thụ thịt thú rừng, với cách tiếp cận đổi mới, tại 3 quốc gia: Việt Nam, Lào và Campuchia. Nội dung của chiến dịch nhằm nhấn mạnh tới hai mối đe dọa nghiêm trọng mà con người đang đối mặt: Rủi ro về sức khỏe cộng đồng và rủi ro về thiên nhiên.

Lào, Việt Nam, Campuchia là ba quốc gia sử dụng nhiều thịt động vật hoang dã, đặc biệt các loài thú và chim được bày bán nhiều ngoài chợ và tiêu thụ tại các nhà hàng. Đây là nguy cơ có thể lây truyền những bệnh có nguồn gốc từ động vật. Ngoài ra, việc sử dụng thịt thú rừng còn dẫn đến tình trạng buôn bán động vật hoang dã, góp phần gây ra các thảm hoạ, đe dọa nghiêm trọng.

Tại Việt Nam, WWF phối hợp Báo Nông nghiệp Việt Nam, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phát động và thực hiện chiến dịch này.

Phát biểu khai mạc, ông Văn Ngọc Thịnh, CEO của WWF-Việt Nam cho biết, những dịch bệnh nguy hiểm vừa qua, phần lớn đều xuất phát từ động vật hoang dã. Mỗi mắt xích trong quá trình tiếp xúc với động vật hoang dã đều có nguy cơ phát sinh và lây truyền các tác nhân gây bệnh.

Chung tay thay đổi hành vi tiêu thụ thịt thú rừng ảnh 1

Họp báo Phát động chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi tiêu thụ thịt thú rừng của nhóm người tiêu dùng thành thị.

"Qua đại dịch Covid-19, chúng ta có cơ hội nhìn lại mối quan hệ của con người với thiên nhiên, để chúng ta nhìn thấy rõ hơn vai trò của mỗi cá nhân trước một cuộc khủng hoảng kép: khủng hoảng với sức khỏe con người và khủng hoảng với thiên nhiên", ông Thịnh chia sẻ.

Theo lãnh đạo WWF-Việt Nam, ngay từ lúc này, con người phải chung tay hành động. Trong đó có việc nói không với tiêu thụ động vật hoang dã. Đây cũng là một cách để bảo vệ những nguồn gene quý và bảo tồn đa dạng sinh học.

Do phạm vi của chiến dịch khá rộng, nên WWF thống nhất với các đơn vị khoanh vùng đối tượng mục tiêu là người tiêu dùng thành thị. Tổ chức này cho rằng, động cơ chính khiến người dân ăn thịt thú rừng là bởi tin đây là món ăn tươi, ngon, giúp chứng tỏ đẳng cấp trong xã hội, hoặc bồi bổ sức khỏe. Trong đó, đối tượng có nhu cầu cao nhất thường nằm ở các đô thị lớn.

Chung quan điểm, bà Nguyễn Đào Ngọc Vân, cố vấn của WWF-Việt Nam cho biết, đối tượng tiêu thụ thịt thú rừng nhiều nhất nằm ở Hà Nội và TP.HCM, có thu nhập từ 20 triệu đồng/tháng, và thường sử dụng thịt thú rừng trong các dịp liên hoan tại các nhà hàng.

Vào dịp cuối năm, nhu cầu này có xu hướng gia tăng. Do đó, WWF phát động chiến dịch từ nay đến tháng 1/2023 và chia ra làm 2 giai đoạn chính. Từ ngày phát động (hôm nay 21/10) đến đầu tháng 11/2022, là cung cấp thông tin và tổ chức các hội thảo kỹ thuật, lấy ý kiến chuyên gia. Giai đoạn kế tiếp là tăng cường lan toả thông tin trên các nền tảng Internet.