Gần 50 cơ sở kinh doanh ăn uống ký cam kết bảo tồn các loài động vật hoang dã

NDO - Ngày 26/8, tại thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học(VFBC) do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ phối hợp Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên Việt Nam (WWF-Việt Nam) và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị tổ chức hội nghị "Phổ biến pháp luật về động vật hoang dã và ký cam kết với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống" trên địa bàn.
0:00 / 0:00
0:00
Đại diện các cơ quan và chính quyền địa phương chứng kiến ký cam kết của các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Đại diện các cơ quan và chính quyền địa phương chứng kiến ký cam kết của các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Theo đó, gần 50 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và kinh doanh chim hoang dã trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã tự nguyện ký cam kết chung tay bảo tồn các loài động vật hoang dã sau khi nhận thức được tầm quan trọng của chúng đối với việc giữ gìn hệ sinh thái, bảo vệ sự phát triển bền vững của nhân loại và tuân thủ các quy định của pháp luật.

Kết quả khảo sát về tiêu thụ thịt động vật hoang dã do WWF Việt Nam thực hiện trong năm 2021-2022 cho thấy, các quán ăn/nhà hàng là mắt xích chính trong chuỗi cung ứng thịt động vật hoang dã. “Khoảng 50% sản lượng thịt động vật hoang dã được đưa đến người tiêu dùng tại các địa bàn khảo sát thông qua kênh nhà hàng. Do đó, việc các nhà hàng ký cam kết chung tay hành động sẽ góp phần đáng kể trong hoạt động bảo tồn các loài động vật hoang dã", ông Trần Văn Tiềm, Điều phối viên hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học, Dự án VFBC tỉnh Quảng Trị, chia sẻ. Dự án này là một trong những chương trình quan trọng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Việt Nam là một trong những quốc gia có tính đa dạng sinh học cao nhất thế giới. Tuy nhiên, các hoạt động khai thác tài nguyên rừng quá mức, chuyển đổi mục đích rừng và đất thiếu quy hoạch trong nhiều thập kỷ qua, đã khiến diện tích rừng tự nhiên bị thu hẹp. Các nguyên nhân này cùng với các hoạt động săn, bắt và buôn bán trái phép các loài hoang dã đã dẫn đến nhiều loài động, thực vật bị đe dọa nghiêm trọng, một số loài có nguy cơ bị tuyệt chủng.

Riêng đối với các loài chim hoang dã, hiện nay, tình trạng săn bắt, tiêu thụ các loài chim hoang dã, đặc biệt là các loài chim di cư vẫn đang diễn ra nghiêm trọng tại nhiều địa phương, ảnh hưởng tiêu cực đến đa dạng sinh học, môi trường, tiềm ẩn nguy cơ về dịch bệnh cho con người và sinh vật.

Mới đây, ngày 17/5, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 04/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam.

Theo đó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và các cơ quan liên quan ở cấp quốc gia và địa phương tăng cường kiểm soát, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi săn, bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ, tiêu thụ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư, đặc biệt vào mùa chim di cư. Các hoạt động truyền thông cũng được nhắc tới với vai trò là một giải pháp quan trọng nhằm ngăn chặn tình trạng buôn bán trái phép các loài chim hoang dã.