Xuất phát từ quan niệm nêu trên, thời gian qua, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum đã lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án, chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nguồn vốn đóng góp của các doanh nghiệp, vận động các tầng lớp nhân dân đóng góp công sức, tiền của để xây dựng mới, sửa chữa các nhà rông bị hư hỏng, thực hiện tốt công tác bảo tồn nhà rông truyền thống.
Huyện Kon Rẫy có 7 xã, thị trấn với dân số hơn 30 nghìn người, có 15 dân tộc cùng sinh sống tại 49 thôn, làng, tổ dân phố, trong đó có 41 thôn đồng bào dân tộc thiểu số. Tất cả các thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số đều làm nhà rông theo kiến trúc truyền thống, với nguyên vật liệu hoàn toàn bằng gỗ, tranh, tre, nứa, lá. Toàn huyện có 140 bộ cồng chiêng, 43 đội cồng chiêng với hơn 500 nghệ nhân, trong đó có 2 đội cồng chiêng thiếu niên độ tuổi từ 12-16.
Mặc dù đời sống còn gặp nhiều khó khăn, nhưng người dân xã Đăk Pne, huyện Kon Rẫy vẫn chắt chiu bỏ ra nhiều công sức để xây dựng, bảo tồn nhà rông truyền thống. Các nhà rông được nhân dân tự đóng góp tiền của để xây dựng, Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần. Theo tính toán, kinh phí để làm một nhà rông truyền thống từ 100 triệu-300 triệu đồng, tùy kích thước lớn hay nhỏ. Thời điểm hiện nay, để xây dựng nhà rông theo cấu trúc truyền thống rất khó, nhất là tìm kiếm cột gỗ, tranh, tre, song mây và nghệ nhân giỏi.
"Biết là khó nhưng phải làm, vì giá trị trường tồn của nhà rông truyền thống, nơi gìn giữ, bảo tồn hầu hết các giá trị truyền thống nguyên bản của dân tộc. Để bảo tồn và phát huy nhà rông truyền thống, trong quy hoạch quỹ đất của các làng đồng bào dân tộc thiểu số thường đã bố trí những khu đất đủ rộng, ở vị trí đẹp, nổi trội nhất ở giữa làng để xây dựng nhà rông", Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Kon Rẫy Phạm Viết Thạch, chia sẻ.
Do ngân sách eo hẹp nên chính quyền các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kon Rẫy thường hỗ trợ các thôn từ 2 triệu đến 5 triệu đồng để mua đinh, dây thép, kẽm, nước uống cho bà con khi làm mới hoặc sửa chữa nhà rông bị hư hỏng. Công sức làm nhà rông chủ yếu là do bà con tự nguyện, bởi người dân đã ý thức được việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Tại xã Đăk Tơ Lung, các thôn, làng đồng bào dân tộc Xơ Đăng ở đây đều có nhà rông và được xây dựng theo nguyên mẫu truyền thống. Chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, trong đó có văn hóa cồng chiêng, các lễ hội.
Ngoài ra, xã còn quan tâm hỗ trợ bà con xây dựng và sửa chữa các nhà rông theo kiến trúc truyền thống với định mức xây mới 70 triệu đồng mỗi nhà và sửa chữa là 20 triệu đồng, từ nguồn kinh phí chương trình xây dựng nông thôn mới.
Theo đồng chí Phạm Viết Thạch, thời gian qua, ngành văn hóa thường xuyên phối hợp với chính quyền các xã tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt việc duy trì và khôi phục nhà rông truyền thống vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Qua đó, đã nâng cao ý thức người dân trong công tác gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nhất là bảo tồn nhà rông truyền thống phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tâm linh, lễ hội, thể thao cho cộng đồng dân cư.