Nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác xã hội

NDO -

Ngày Công tác xã hội Việt Nam, 25/3, nhằm tôn vinh giá trị cao quý, ý nghĩa nhân văn của nghề công tác xã hội. Sự kiện cũng đồng thời ghi nhận những đóng góp của những người làm công tác xã hội trong sự nghiệp tham gia bảo vệ sức khỏe, giải quyết những vấn đề của cộng đồng và xã hội, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 kéo dài thời gian vừa qua.

Đại diện Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trao 50 suất quà cho đối tượng có hoàn cảnh khó khăn ở Bệnh viện Bạch Mai (Ảnh: Molisa).
Đại diện Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trao 50 suất quà cho đối tượng có hoàn cảnh khó khăn ở Bệnh viện Bạch Mai (Ảnh: Molisa).

Ngành y tế đi đầu về phát triển công tác xã hội

Ngày 25/3, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị triển khai Quyết định số 112/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021-2030 và kỷ niệm Ngày Công tác xã hội Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, GS,TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Y tế cho biết, ngành y tế là một trong những ngành đi đầu về phát triển ngành công tác xã hội. Hiện nay, 100% các bệnh viện tuyến Trung ương, hơn 90% các bệnh viện tuyến tỉnh, hơn 80% các bệnh viện tuyến huyện đã có các phòng và tổ công tác xã hội, hoạt động trợ giúp bệnh nhân, người nhà bệnh nhân trong các việc thăm, khám, chữa bệnh, các hoạt động từ thiện,... Bên cạnh đó, tỷ lệ chuyên viên, các mạng lưới cộng tác viên công tác xã hội cũng không ngừng gia tăng và ngày càng chuyên nghiệp đóng góp vào sự phát triển chung của lĩnh vực y tế.

“Đặc biệt từ cuối năm 2019 đến nay, trong thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát, bên cạnh những đóng góp của lực lượng các y, bác sĩ, còn có sự hy sinh thầm lặng của các nhân viên công tác xã hội, đã phối hợp tích cực với các đơn vị liên quan trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, góp phần vào sự thành công phòng, chống đại dịch", Thứ trưởng Trần Văn Thuấn chia sẻ.

TS Nguyễn Văn Hồi, Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội chia sẻ, trong hai năm 2020-2021, lực lượng tuyến đầu là đội ngũ cán bộ nhân viên y tế đã không quản ngại khó khăn, hiểm nguy, sẵn sàng xông pha vào 24 tỉnh trọng điểm phía nam khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát từ tháng 4 đến tháng 9/2021. Cùng đồng hành với họ không thể không nhắc đến lực lượng đội ngũ cán bộ công tác xã hội của đã nỗ lực hết mình cùng với lực lượng y tế để tăng cường công tác khám, điều trị, phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Thời gian tới, để ngành y tế phát triển công tác xã hội hơn nữa, theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi, Bộ Y tế cần tập chung vào 6 vấn đề đáng quan tâm. Trong đó, tập trung hướng dẫn các bệnh viện, cơ sở y tế từ Trung ương đến địa phương làm rõ về cơ cấu, tổ chức bộ máy và tiêu chuẩn cán bộ, nhân viên công tác xã hội. Song hành với đó, tăng cường đào tạo, hoàn thiện nguồn nhân lực về công tác xã hội trong ngành y tế. Đồng thời, hoàn thiện chế độ chính sách, hỗ trợ cho cán bộ nhân viên, tiếp tục động viên để họ yên tâm công tác.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi cũng khẳng định, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tăng cường phối hợp Bộ Y tế để tăng cường đào tạo cho đội ngũ cán bộ, nhân viên công tác xã hội trong hệ thống y tế.

Hoàn thiện khung pháp lý về công tác xã hội

Bà Lesley Miller, Phó Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam, nhấn mạnh, để đạt được những mục tiêu đã đặt ra cho Chương trình phát triển công tác xã hội trong giai đoạn 2021-2030, Việt Nam cần có một khung pháp lý mạnh mẽ hơn, quy định rõ hơn về nhiệm vụ chức năng của nhân viên công tác xã hội, các nguyên tắc và giá trị của nghề nghiệp. Theo đó, Việt Nam cần xây dựng luật về công tác xã hội, từ đó công nhận vai trò và chức năng của nhân viên công tác xã hội trong từng lĩnh vực khác nhau như y tế, phúc lợi, tư pháp và giáo dục,…

Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010- 2020 với mục tiêu: “Phát triển công tác xã hội trở thành một nghề ở Việt Nam; nâng cao nhận thức toàn xã hội về nghề công tác xã hội; xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội đủ về số lượng, đạt về yêu cầu chất lượng, gắn phát triển hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội ở các cấp, góp phần xây dựng hệ thống an sinh xã hội tiên tiến”.

Từ năm 2010, công tác xã hội đã chính thức được coi là một nghề chuyên môn với việc ban hành mã ngành đào tạo và mã ngạch viên chức. Trước đó, vào thời điểm 2004, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt chương trình giảng dạy công tác xã hội bậc cử nhân.

Tới ngày 15/9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 25/3 hằng năm là Ngày Công tác xã hội Việt Nam.

Sự kiện này chính thức diễn ra từ năm 2017, hướng tới tôn vinh giá trị cao quý, ý nghĩa nhân văn của nghề công tác xã hội; ghi nhận những đóng góp của những con người làm công tác xã hội, góp phần bảo đảm thực hiện quyền con người, công bằng, tiến bộ xã hội và hạnh phúc của nhân dân.

Tháng 1/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021-2030. Mục tiêu chung của chương trình là tiếp tục đẩy mạnh phát triển công tác xã hội tại các ngành, các cấp, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của đất nước theo từng giai đoạn. Cùng với đó, bảo đảm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về công tác xã hội; đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ công tác xã hội trên các lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ công tác xã hội của người dân, hướng tới mục tiêu phát triển xã hội công bằng và hiệu quả.

Một số mục tiêu cụ thể
a) Từ 2021 đến năm 2025
- Đạt 60% số cơ quan, tổ chức, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy, trại giam, trường giáo dưỡng, các cơ quan tư pháp, trường học, bệnh viện, xã, phường, thị trấn và đơn vị liên quan thực hiện phân công, bố trí nhân sự làm công tác xã hội...
- Ít nhất có 30% số cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội đang làm việc tại các xã, phường, thị trấn, các cơ sở có cung cấp dịch vụ công tác xã hội, trại giam, trường giáo dưỡng, hệ thống tư pháp, ngành lao động-thương binh và xã hội, đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội các cấp được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tập huấn kỹ năng công tác xã hội.
- Đạt cơ cấu tối thiểu 50% số cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục và cơ sở liên quan khác trong quy hoạch có cung cấp dịch vụ công tác xã hội; tỷ lệ người có hoàn cảnh khó khăn được tư vấn, hỗ trợ công tác xã hội năm 2025 tăng 20% so năm 2020.
- Bảo đảm ít nhất 85% trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em nhiễm HIV/AIDS, trẻ em là nạn nhân chất độc hóa học, trẻ em khuyết tật nặng và trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh được trợ giúp xã hội và được cung cấp dịch vụ công tác xã hội phù hợp từ nguồn lực xã hội hóa.
b) Từ năm 2026 đến năm 2030
- Đạt 90% số cơ quan, tổ chức, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy, trại giam, trường giáo dưỡng, các cơ quan tư pháp, trường học, bệnh viện, xã, phường, thị trấn và đơn vị liên quan thực hiện phân công, bố trí nhân sự làm công tác xã hội...
- Đạt cơ cấu tối thiểu 60% số cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục và cơ sở khác trong quy hoạch có cung cấp dịch vụ công tác xã hội; tỷ lệ người có hoàn cảnh khó khăn được tư vấn, hỗ trợ công tác xã hội và quản lý ca tăng tối thiểu 30% so năm 2025.
- Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tập huấn kỹ năng cho 40% số cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội đang làm việc tại các xã, phường, thị trấn, các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội, ngành lao động-thương binh và xã hội và các ngành liên quan.
- Bảo đảm ít nhất 90% trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em nhiễm HIV/AIDS, trẻ em là nạn nhân chất độc hóa học, trẻ em khuyết tật nặng và trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh được trợ giúp xã hội và được cung cấp dịch vụ công tác xã hội phù hợp từ nguồn lực xã hội hóa.

(Chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021-2030)