Các cán bộ công tác xã hội có đóng góp quan trọng trong đại dịch

NDO -

Ngày 25/3 năm nay ghi dấu mốc kỷ niệm lần thứ sáu của Ngày Công tác xã hội Việt Nam. Đây là dịp ghi nhận sự đóng góp quan trọng của những người làm công tác xã hội cả nước, đặc biệt trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thời gian vừa qua.

Học sinh tại Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An, Hà Nội. (Ảnh: Molisa).
Học sinh tại Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An, Hà Nội. (Ảnh: Molisa).

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Công tác xã hội Việt Nam 25/3 năm nay, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã có thư chúc mừng gửi cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội cả nước.

Ngày 15/9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 25/3 hằng năm là Ngày Công tác xã hội Việt Nam. Như vậy, từ năm 2017, Ngày Công tác xã hội được tổ chức kỷ niệm trên toàn quốc. Chương trình nhằm tôn vinh giá trị cao quý, ý nghĩa nhân văn của nghề công tác xã hội; ghi nhận những đóng góp của những con người làm công tác xã hội, góp phần bảo đảm thực hiện quyền con người, công bằng, tiến bộ xã hội và hạnh phúc của nhân dân,

Bộ trưởng nhấn mạnh, trong năm 2021, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát đã tác động nghiêm trọng đến các lĩnh vực phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Với tinh thần chủ động, sáng tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã tham mưu với lãnh đạo Đảng, Nhà nước ban hành các chính sách an sinh, bảo trợ xã hội kịp thời, góp phần cùng cả nước khống chế, đẩy lùi đại dịch, bảo đảm an sinh xã hội toàn dân; trình Chính phủ ban hành Nghị định số 20/2021/NĐ-CP về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, nâng mức trợ cấp xã hội và mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách xã hội; trợ giúp xã hội khẩn cấp, chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng yếu thế tại các cơ sở trợ giúp xã hội. Đây là các chính sách kịp thời, hiệu quả để an sinh, an dân.

Trong thành công chung đó, có sự đóng góp quan trọng của những người làm công tác xã hội cả nước, đặc biệt là đội ngũ nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội tại các bệnh viện, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở điều dưỡng người có công với cách mạng.

Thời điểm cả nước thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch bệnh, nhân viên công tác xã hội đã không quản gian khổ, hiểm nguy tận tụy chăm sóc, trị liệu tâm lý cho các bệnh nhân Covid-19 và các đối tượng cần trợ giúp xã hội.

Người đứng đầu ngành lao động-thương binh và xã hội ghi nhận và biểu dương những thành tích và đóng góp của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực công tác xã hội, đã cùng đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế hỗ trợ có hiệu quả cho các đối tượng xã hội cần trợ giúp vượt qua hoàn cảnh khó khăn.

Dịp kỷ niệm Ngày Công tác xã hội Việt Nam năm nay được triển khai trong bối cảnh “Thích ứng an toàn, linh hoạt và sáng tạo”. Dù vậy, nhân viên công tác xã hội tại các cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở điều dưỡng người có công với cách mạng và cơ sở cai nghiện ma túy vẫn phải bám trụ tại cơ sở phục vụ các đối tượng luân phiên 1 tuần, 2 tuần mới về nhà một lần.

Trước sự cống hiến của các cán bộ làm công tác xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung mong muốn, những người công tác trong lĩnh vực này tiếp tục đoàn kết, vượt qua khó khăn, nâng cao năng lực chuyên môn, góp phần bảo đảm an sinh xã hội để đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, hiện nay, mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội đã được hình thành và phát triển trên phạm vi cả nước. Đó là khoảng 600 cơ sở bao gồm cả cơ sở công lập và ngoài công lập, chăm sóc cho hơn 62 nghìn đối tượng và 120 cơ sở cai nghiện ma túy đang cai nghiện cho hơn 37 nghìn đối tượng...

Cũng theo cơ quan này, trong năm 2021, các chương trình, đề án, chính sách trợ giúp xã hội tiếp tục được triển khai; nhất là chính sách hỗ trợ, chăm lo đời sống người cao tuổi, người khuyết tật; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Triển khai Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ, mức chuẩn trợ giúp xã hội được điều chỉnh tăng lên 360 nghìn đồng/tháng, áp dụng chính thức từ ngày 1/7/2021. Qua đó, chính sách đã giải quyết trợ cấp xã hội hằng tháng cho hơn 3,5 triệu đối tượng. Nguồn kinh phí ước tính hơn 21 nghìn tỷ đồng trong năm.

Chính sách trợ giúp xã hội đã bao phủ hầu hết các nhóm đối tượng ở mọi lứa tuổi. 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên hằng tháng; 86% người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, phụng dưỡng, chăm sóc kịp thời; 86% người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, chăm sóc và phục hồi chức năng kịp thời.

Hiện nay, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang tập trung xây dựng, hoàn thiện dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. 

Dự thảo Quy hoạch hướng tới phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp xã hội tiếp cận các nước tiên tiến trong khu vực, đáp ứng nhu cầu cần trợ giúp của người dân, hướng tới mục tiêu phát triển xã hội công bằng và hiệu quả.

Cùng với đó, dự thảo cần đáp ứng nhu cầu tiếp cận và thụ hưởng dịch vụ trợ giúp xã hội; góp phần phòng ngừa người dân rơi vào hoàn cảnh nghèo, đặc biệt khó khăn.

Chương trình xây dựng định hướng cho tới các mục tiêu dự kiến cụ thể theo từng giai đoạn.

Củng cố, phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập, trong đó các cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập đạt tối thiểu 49% số cơ sở vào năm 2025, 55% vào năm 2030 và 60% vào năm 2050.

Số người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không có người chăm sóc được tư vấn, trợ giúp và quản lý trường hợp từ các cơ sở trợ giúp xã hội đạt 75% vào năm 2025, tối thiểu 80% vào năm 2030 và tối thiểu 90% vào năm 2050.

Đến năm 2025 hình thành, phát triển 607 cơ sở trợ giúp xã hội. Trong đó, có 310 cơ sở công lập và tối thiểu 297 cơ sở ngoài công lập.
Đến năm 2030, hình thành, phát triển 706 cơ sở trợ giúp xã hội; trong đó có 317 cơ sở công lập và tối thiểu 389 cơ sở ngoài công lập.
Đến năm 2050, hình thành, phát triển 825 cơ sở trợ giúp xã hội; trong đó có 330 cơ sở công lập và tối thiểu 495 cơ sở ngoài công lập.
Sẽ nâng công suất phục vụ tại các cơ sở trợ giúp xã hội lên 70.000 đối tượng vào năm 2030 và 150.000 đối tượng vào năm 2050.
(Nguồn: Dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050)