Chú trọng đầu tư lĩnh vực logistics

Thành phố Hồ Chí Minh đã, đang nỗ lực đầu tư cho lĩnh vực logistics nhằm tạo ra được sự hỗ trợ tốt nhất để nền kinh tế thành phố phát triển mạnh hơn nữa, trong đó, chú trọng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực theo hướng hiện đại, đạt chuẩn quốc tế.
0:00 / 0:00
0:00
Vận chuyển hàng hóa tại cảng Tân Cảng Cát Lái (thành phố Thủ Ðức).
Vận chuyển hàng hóa tại cảng Tân Cảng Cát Lái (thành phố Thủ Ðức).

Thành phố Hồ Chí Minh xác định logistics là một ngành rất quan trọng, có tác động đến sự phát triển bền vững, lâu dài cho tăng trưởng kinh tế. Vai trò quan trọng đó đã được Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ thành phố lần thứ 11 (nhiệm kỳ 2020-2025) xác định: "Ðề án Phát triển ngành logistics Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" là một trong 49 chương trình, đề án trọng tâm phát triển kinh tế thành phố.

Tiềm năng và lực cản đều lớn

Theo Sở Công thương thành phố, trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của các doanh nghiệp ở thành phố tăng trưởng bình quân 14%. Tỷ trọng đóng góp của logistics vào GRDP của thành phố ước đạt 8,3% (năm 2018), năm 2019 xấp xỉ 8,7%. Theo bà Ðặng Minh Phương, Chủ tịch Hiệp hội Logistics thành phố, ngành logistics chiếm khoảng 8,9% GRDP của thành phố (doanh thu xấp xỉ 117.000 tỷ đồng, năm 2021). Sản lượng hàng hóa qua cảng biển tăng bình quân 7,34%/năm trong giai đoạn 2015-2020, dự kiến tăng trung bình 5%/năm trong giai đoạn 2021-2025. Phó Giám đốc Sở Công thương Lê Huỳnh Minh Tú cho biết: Hiện cả nước có hơn 699.560 doanh nghiệp logistics; trong đó, có gần 4.000 doanh nghiệp logistics chuyên nghiệp. Thành phố chiếm 31% doanh nghiệp logistics cả nước và chiếm 54% số doanh nghiệp logistics chuyên nghiệp. Báo cáo logistics Việt Nam năm 2021 của Bộ Công thương cho thấy, trong giai đoạn 2021-2025, nhu cầu nhân sự ở lĩnh vực logistics của cả nước tăng bình quân khoảng 7,5%/năm. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh cần khoảng 63.000 lao động logistics/năm, trong đó cần hơn 8.400 lao động logistics chuyên nghiệp hằng năm. Từ năm 2022 đến 2030, mỗi năm thành phố cần thêm khoảng 10.000 người cho ngành logistics.

Theo nhiều doanh nghiệp logistics, phần lớn đường giao thông ở thành phố còn nhỏ hẹp, tải trọng hạn chế, quá nhiều giao lộ; vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn do thiếu cầu đủ trọng tải phù hợp; kết nối các cảng với các khu công nghiệp, khu chế xuất chưa thuận lợi... Tình trạng quá tải, ùn ứ hàng hóa cũng thường xuyên xảy ra tại cảng biển. Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Bùi Hòa An cho biết: Thành phố có thế mạnh về vị trí địa lý khi nằm giữa các trục giao thông bắc-nam, đông-tây nên trở thành trung tâm lưu chuyển hàng hóa trong nước và xuất, nhập khẩu cho khu vực phía nam. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông của thành phố như đã nêu ở trên chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Các tuyến đường vành đai kết nối các tỉnh, thành phố khác triển khai còn chậm, chưa tương xứng tiềm năng phát triển. Bên cạnh đó, thành phố cũng đang rất thiếu trung tâm logistics. Trong số bảy trung tâm logistics đã quy hoạch hiện chỉ có trung tâm logistics (rộng 6ha) tại Khu Công nghệ cao thành phố đang lựa chọn nhà đầu tư để xây dựng; sáu trung tâm logistics còn lại (Hóc Môn, Củ Chi, Long Bình, Cát Lái-Phú Hữu, Hiệp Phước...) mới dừng ở giai đoạn lập quy hoạch. Một số doanh nghiệp đang xây dựng các cơ sở logistics với tầm hoạt động, công năng hẹp.

Tăng tốc gỡ điểm nghẽn

Theo các chuyên gia kinh tế, công tác đào tạo hiện nay chỉ đáp ứng 30% nhu cầu nhân lực thực tế của doanh nghiệp logistics. Hơn nữa, mối liên kết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp logistics chưa chặt chẽ, thiếu sự tương tác, kết nối để nắm bắt nhu cầu từ đào tạo đến đầu ra. Chất lượng nguồn nhân lực logistics cũng chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của thành phố. Phó Giám đốc Sở Công thương Lê Huỳnh Minh Tú cho biết: Ðể đáp ứng nhu cầu nhân lực cho ngành logistics, thành phố xác định hai nhiệm vụ chiến lược là đẩy nhanh việc đào tạo ngắn hạn cho doanh nghiệp logistics nhỏ và vừa để bổ sung lượng lao động đang thiếu hụt; tập trung đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu đạt trình độ quốc tế. Ðể có thể hoàn thành những nhiệm vụ này, cần nâng cao chất lượng đào tạo đại học, sau đại học; thu hút mạnh mẽ sự tham gia của doanh nghiệp, theo mô hình "Nhà trường-Nhà nước-Doanh nghiệp"; chú trọng kỹ năng nghề, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin; nâng cao trình độ cho đội ngũ giảng viên ngành logistics, đồng thời, liên kết với các địa phương khác về đào tạo, chia sẻ nguồn nhân lực và tăng cường hợp tác quốc tế về đào tạo, nghiên cứu. Theo Chủ tịch Hiệp hội Logistics thành phố Ðặng Minh Phương, các trường đào tạo logistics cần xây dựng giáo trình tương thích với trình độ chung của ASEAN và quốc tế; ký kết hợp tác chiến lược với các doanh nghiệp logistics để phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm chất lượng đầu ra đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp…

Về cơ sở hạ tầng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Bùi Hòa An cho biết: Từ nay đến năm 2030, thành phố cần khoảng 970.000 tỷ đồng để đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông. Trước mắt, thành phố tập trung, ưu tiên triển khai các dự án như vành đai (2, 3 và 4), đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài, nút giao An Phú, quốc lộ 50, đường nối Trần Quốc Hoàn-Cộng Hòa, tuyến đường sắt đô thị (số 1, 2). Cùng với đó, thành phố tập trung triển khai dự án các cảng tại Khu Công nghệ cao thành phố, Củ Chi, Khu công nghiệp Cát Lái... Ngoài ra, thành phố sẽ phối hợp Bộ Giao thông vận tải và các đơn vị liên quan đẩy nhanh thực hiện các dự án cao tốc như Thành phố Hồ Chí Minh-Chơn Thành, Bến Lức-Long Thành; mở rộng cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây và Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương. Phó Chủ tịch UBND thành phố Phan Thị Thắng cho biết: Thành phố đặt mục tiêu phải phát triển logistics trở thành một ngành dịch vụ mũi nhọn, đóng góp tích cực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; phấn đấu tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp thành phố đạt 15% vào năm 2025 và đạt 20% vào năm 2030; tỷ trọng đóng góp của logistics vào GRDP thành phố đến năm 2025 đạt 10% và đến năm 2030 đạt 12%; góp phần kéo giảm chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia đến năm 2025 còn khoảng 10%-15%. Ðến nay, sau thời gian khẩn trương chuẩn bị, thành phố đã định hình được hướng đi và đang tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong chuỗi kế hoạch tổng thể phát triển ngành logistics đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, tập trung hình thành các trung tâm logistics, phát triển nguồn nhân lực là các nhiệm vụ then chốt.