Chính thức vận hành thương mại đoạn trên cao đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội

Sáng 9/11, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã tổ chức vận hành thương mại đoạn trên cao Dự án đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn-ga Hà Nội. Tới dự có đồng chí Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu bấm nút chính thức vận hành thương mại đoạn trên cao đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội.
Các đại biểu bấm nút chính thức vận hành thương mại đoạn trên cao đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội.

Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn-ga Hà Nội là dự án tuyến đường sắt đô thị đầu tiên do thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư.
Đây là tuyến đường sắt đô thị chạy trên đường dành riêng với tổng chiều dài toàn tuyến là 13,035km,12 ga; trong đó có 12,575km tuyến chính và 0,46km đường dẫn và Depot.

Đoạn đi trên cao gồm tám ga từ ga S1 đến S8 dài khoảng 8,5km. Đoạn đi ngầm gồm 4 ga từ ga S9 đến ga S12 dài khoảng 4km.

Dự án được tài trợ bởi: Ngân hàng Phát triển châu Á, Cơ quan Phát triển Pháp tại Việt Nam, Tổng cục Kho bạc Pháp, Ngân hàng Đầu tư châu Âu, được triển khai với các công nghệ và kinh nghiệm của các công ty hàng đầu của Pháp.

Chính thức vận hành thương mại đoạn trên cao đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội ảnh 1
Các đại biểu thực hiện nghi lễ gắn biển công trình kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn đánh giá: “Dự án đã trải qua nhiều giai đoạn, phải đối mặt với nhiều khó khăn, từ việc giải phóng mặt bằng, thi công trong điều kiện đô thị đông đến những tác động của dịch bệnh giai đoạn 2020-2021. Nhưng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các đơn vị thi công và sự ủng hộ, đồng thuận của nhân dân, chúng ta đã vượt qua tất cả để hoàn thành đoạn tuyến trên cao và đưa vào khai thác vận hành thương mại vào 8 giờ ngày 8/8/2024, để phục vụ nhân dân, từng bước hình thành thói quen mới trong giao thông công cộng của Thủ đô, đánh dấu một cột mốc quan trọng biểu trưng cho quan hệ hợp tác giữa hai nước Cộng hòa Pháp và Việt Nam trong lĩnh vực giao thông đô thị bền vững”.

Sau ba tháng khai thác thương mại, dự án đã cho thấy sức hút của phương tiện vận tải công cộng mới.

Tính đến thời điểm hiện tại, đoạn trên cao của tuyến đã phục vụ hơn 2 triệu lượt hành khách, trở thành phương tiện di chuyển hằng ngày thuận tiện của một bộ phận nhân dân Thủ đô.

Chính thức vận hành thương mại đoạn trên cao đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội ảnh 2
Tàu điện Nhổn-ga Hà Nội được đông đảo nhân dân đón nhận, tham gia.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Dương Đức Tuấn, việc đưa vào vận hành đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội là động lực để thành phố tiếp tục đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đô thị khác, nhằm hình thành mạng lưới giao thông công cộng hiện đại, đồng bộ, phục vụ tốt nhất nhu cầu di chuyển của nhân dân.

Lãnh đạo thành phố cũng đề nghị các cơ quan quản lý, đơn vị vận hành, khai thác tuyến đường sắt đô thị đoạn trên cao luôn bảo đảm hoạt động thuận tiện, an toàn. Đồng thời, thành phố yêu cầu Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, các nhà thầu, đơn vị thi công tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công gói thầu CP-03 (thi công xây dựng đoạn tuyến đi ngầm) để sớm hoàn thiện toàn tuyến; đề nghị các nhà tài trợ phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư, các bên liên quan bảo đảm sự thuận tiện trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng, thúc đẩy tiến độ thi công xây dựng phần còn lại của dự án.

Cũng tại buổi lễ, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet cho biết, đường sắt đô thị có vai trò đặc biệt trong việc phát triển hệ thống giao thông đô thị bền vững. Đây là dự án phức tạp, Chính phủ Pháp và các nhà tài trợ đã đem đến Việt Nam những công nghệ tiên tiến nhất cùng đội ngũ chuyên gia, kỹ sư nhiều kinh nghiệm.

Tuyến đường sắt đô thị thí điểm, đoạn Nhổn-ga Hà Nội là dự án tiêu biểu cho sự hợp tác giữa Pháp và Việt Nam. Dự án sẽ nối dài danh sách các dự án hợp tác với Việt Nam trên toàn bộ các lĩnh vực.

Với cam kết cùng Hà Nội thực hiện phần đi ngầm để sớm hoàn thành dự án, Pháp mong muốn được hợp tác với Việt Nam trong việc phát triển đường sắt đô thị và các dự án phát triển hạ tầng giao thông khác.