Chia sẻ trách nhiệm vì hành tinh xanh

Chủ tịch Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) Sultan Al Jaber tiếp tục hối thúc các quốc gia đẩy mạnh hỗ trợ tài chính cho các nền kinh tế đang phát triển trước tình trạng ấm lên toàn cầu. Chia sẻ gánh nặng tài chính được xem là chìa khóa giúp thế giới sớm hiện thực hóa các mục tiêu bảo vệ hành tinh xanh.
0:00 / 0:00
0:00
Chia sẻ trách nhiệm vì hành tinh xanh

Trả lời phỏng vấn báo chí, Chủ tịch COP28 Al Jaber khẳng định, đã đến lúc mang đến một thỏa thuận công bằng hơn cho phần nam bán cầu, nhất là trong vấn đề tài chính khí hậu. Ông nhất trí với việc đề ra những kế hoạch và chương trình tham vọng hơn để ngăn chặn tình trạng ấm lên toàn cầu, song cũng nhấn mạnh, thế giới cần có kế hoạch hành động thực tế đi kèm những điều kiện hỗ trợ tài chính dễ tiếp cận cho các nước nghèo.

Chủ tịch COP28 kêu gọi thế giới đến năm 2030 tăng gấp ba lần số tiền đầu tư cho công nghệ sạch, tài chính thích ứng và chuyển đổi năng lượng tại các nước đang phát triển.

Hiện có tới 600 triệu người dân châu Phi không có điện và việc không thể tiếp cận nguồn điện giá rẻ đang là vấn đề cấp bách nhất lúc này với nhiều nước châu Phi.

Trong nhiều năm qua, tài chính luôn là vấn đề được quan tâm và cũng là "điểm nghẽn" ở không ít cuộc đàm phán khí hậu ở tầm khu vực cũng như toàn cầu. Bởi lẽ, việc tăng tốc hành động vì khí hậu chỉ có thể xảy ra nếu các nước có đủ tiềm lực tài chính. Một chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, chương trình nghị sự về khí hậu là điều thiết thực và quan trọng với các nước châu Phi, nhưng châu lục này không muốn đánh đổi giữa chương trình nghị sự về khí hậu với chương trình nghị sự về phát triển. Hiện có tới 600 triệu người dân châu Phi không có điện và việc không thể tiếp cận nguồn điện giá rẻ đang là vấn đề cấp bách nhất lúc này với nhiều nước châu Phi.

Một bước tiến lớn đã được ghi nhận tại Hội nghị COP27 diễn ra ở Ai Cập vào tháng 11/2022, khi các bên nhất trí thành lập Quỹ tổn thất và thiệt hại để hỗ trợ chi phí mà các nước đang phát triển phải hứng chịu do các thảm họa tự nhiên. Đây là điều đáng hoan nghênh, cho thấy vấn đề san sẻ gánh nặng tài chính ngày càng được các quốc gia dành ưu tiên cao, song để đi từ cam kết đến thực tế còn cần nhiều nỗ lực. Chủ tịch Al Jaber nêu rõ, COP28 cần đạt được một thỏa thuận bảo đảm cân bằng giữa mong mỏi và thực tế, tức là một thỏa thuận có tính khả thi, có khả năng tiến triển và phù hợp với thực tế.

Là khu vực chỉ chiếm khoảng 2-3% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu nhưng châu Phi phải gánh chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu. Theo Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB), biến đổi khí hậu tác động trực tiếp và tiêu cực đến cuộc sống hằng ngày của 88% dân số châu Phi. Những tổn thất này thường là do hạn hán nghiêm trọng, mực nước biển dâng cao, xói mòn bờ biển, bão lụt... Chuyện giúp châu Phi nâng cao năng lực tự bảo vệ trước tác động của biến đổi khí hậu ngày càng được quan tâm trong các chương trình nghị sự của các cuộc họp quốc tế. Giới chuyên gia cho rằng, Lục địa đen cần hơn 100 tỷ USD mỗi năm đến năm 2030 để đạt được tiến bộ trong giảm lượng khí thải và thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB), tỷ trọng tài chính dành cho châu Phi trong tổng nguồn tài chính khí hậu toàn cầu chỉ tăng trung bình 3 điểm phần trăm giai đoạn 2010-2019, từ 23% lên 26%.

Trong khi đó, cái giá phải trả cho biến đổi khí hậu lại tăng lên từng ngày. Theo một nghiên cứu, một nửa số sông băng trên Trái đất, đặc biệt là những sông băng nhỏ, sẽ biến mất vào cuối thế kỷ này do biến đổi khí hậu. Từ miền nam Ethiopia đến miền bắc Kenya và Somalia, có khoảng 22 triệu người bị mất an ninh lương thực trầm trọng do nạn hạn hán nghiêm trọng nhất trong bốn mươi năm qua xảy ra ở vùng Sừng châu Phi - vốn là khu vực dễ bị tổn thương bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Khẩn cấp bảo vệ Trái đất cũng như tương lai nhân loại là trách nhiệm không của riêng ai.

Nỗ lực chia sẻ gánh nặng tài chính về khí hậu đang trở nên khó khăn hơn khi các quốc gia đều cùng lúc đối mặt hàng loạt thách thức đan xen, như triển vọng tăng trưởng kinh tế bấp bênh, xung đột, dịch bệnh... Dù vậy, việc hành động công bằng để cùng tháo gỡ "quả bom hẹn giờ" khí hậu, khẩn cấp bảo vệ Trái đất cũng như tương lai nhân loại là trách nhiệm không của riêng ai.