Theo báo cáo của tổ chức nghiên cứu, tư vấn toàn cầu về lĩnh vực năng lượng sạch Bloomberg NEF, thế giới lần đầu chứng kiến mức đầu tư vào phát triển các nguồn năng lượng sạch, nhiên liệu thay thế, ở mức tương đương đầu tư cho khai thác các nguồn năng lượng hóa thạch như dầu mỏ, khí đốt và than đá… Trong năm 2022, thế giới đầu tư tổng cộng 1.100 tỷ USD cho các dự án phát triển năng lượng sạch, tăng 31% so với năm 2021 và gần bằng mức đầu tư cho nhiên liệu hóa thạch. Ðầu tư cho năng lượng mặt trời và gió chiếm tỷ trọng nhiều nhất trong các khoản đầu tư cho năng lượng sạch trong năm 2022, với 495 tỷ USD, tăng 17% so với năm 2021. Các khoản đầu tư toàn cầu vào xe điện cũng tăng nhanh, ở mức 54%.
Tuy nhiên, Bloomberg NEF cho biết, các khoản đầu tư vào năng lượng sạch tăng tỷ lệ thuận với các khoản đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch, khi các khoản đầu tư vào các nguồn năng lượng gây ô nhiễm cũng tăng đáng kể trong năm 2022. Các nhà phân tích cho rằng, tổng mức đầu tư toàn cầu cho năng lượng sạch vẫn quá ít để có thể cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và ngăn chặn tình trạng ấm lên trên toàn cầu. Ðến cuối thập niên này, các khoản đầu tư hằng năm vào quá trình chuyển đổi phải tăng gấp ba lần mới có thể đạt được mục tiêu đưa mức phát thải ròng về bằng 0 vào năm 2050.
Trong khi đó, tổ chức tư vấn về khí hậu Viện NewClimate công bố báo cáo mang tên "Giám sát trách nhiệm đối với khí hậu của doanh nghiệp năm 2023", trong đó phân tích mức độ hoàn thành các cam kết hành động vì khí hậu của 24 công ty đa quốc gia hàng đầu thế giới trong các ngành sản xuất ô-tô, đóng tàu, hàng không, bán lẻ thời trang, công nghệ cao, thực phẩm, thép và xi-măng…
Theo tiêu chí đánh giá của các chuyên gia, sự minh bạch trong kế hoạch khí hậu của mỗi doanh nghiệp phụ thuộc vào độ chính xác về lượng khí thải mà các doanh nghiệp tự báo cáo, các mục tiêu đề ra để giảm lượng khí thải này, cũng như tiến bộ đạt được và các kế hoạch bồi thường.
Toàn bộ các doanh nghiệp được khảo sát đều cam kết tuân thủ các chiến dịch do Liên hợp quốc thúc đẩy nhằm nêu cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc khử carbon toàn cầu và chấp thuận mục tiêu khống chế tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,50C theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2015.
Báo cáo chỉ ra rằng, hầu hết các chiến lược về khí hậu của các công ty này đang bị "sa lầy" bởi các cam kết không rõ ràng, thiếu độ tin cậy. Tự nhận vai trò đi đầu trong các hành động vì khí hậu, song 15 trong số 24 công ty được khảo sát chỉ nhận được mức đánh giá thấp hoặc rất thấp về độ minh bạch trong chiến lược khí hậu.
Ðể khống chế mức tăng nhiệt độ của Trái đất, các doanh nghiệp cam kết cắt giảm 45% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 và đưa mức phát thải ròng về bằng 0 vào giữa thế kỷ này.
Song, theo tính toán của các chuyên gia, 22 trong tổng số 24 công ty chỉ có thể cắt giảm khoảng 15% lượng khí thải, hoặc trong kịch bản lạc quan nhất là 21% lượng khí thải vào năm 2030. Với tổng doanh thu hơn 3.000 tỷ USD, 24 công ty nêu trên góp tới 4% tổng lượng khí thải toàn cầu mỗi năm.
Tổ chức Carbon Market Watch cho rằng, vào thời điểm thế giới tập trung làm rõ về các tác động đối với khí hậu và nỗ lực giảm khí thải, thì nhiều doanh nghiệp lại lợi dụng các cam kết mơ hồ và gây hiểu lầm để "làm xanh" thương hiệu.
Tình trạng này xuất hiện ngày càng nhiều khi các doanh nghiệp gắn sản phẩm với những hình ảnh hoặc thông tin gây hiểu lầm ở mức độ nào đó rằng, sản phẩm, dịch vụ hoặc hoạt động của doanh nghiệp là thân thiện với môi trường.
Rõ ràng, để bảo vệ hành tinh xanh, người tiêu dùng cần những sản phẩm xanh thật sự, chứ không cần những lời hứa suông với môi trường và tương lai của nhân loại.