Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 27) do Ai Cập đăng cai tổ chức tại thành phố Sharm El-Sheikh đã thông qua thỏa thuận khí hậu cuối cùng với điều khoản đáng chú ý, nhất là việc các nước nhất trí thành lập quỹ "tổn thất và thiệt hại" để bù đắp cho các nước đang phát triển chịu ảnh hưởng nặng nề của các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra.
Theo thỏa thuận, các nước giàu có lượng phát thải lớn phải bồi thường cho những tổn thất và thiệt hại mà các đang phát triển phải gánh chịu do các hình thái thời tiết cực đoan. Nội dung này không nằm trong chương trình nghị sự chính thức ban đầu, tuy nhiên nỗ lực của các nước đang phát triển đã biến đây thành chủ đề được quan tâm nhất tại hội nghị.
Việc hội nghị thông qua thỏa thuận thành lập quỹ bồi thường được các nhà chuyên môn đánh giá là bước tiến lịch sử.
Thỏa thuận cuối cùng của COP 27 bao quát một loạt nỗ lực lớn của thế giới nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ của Trái đất ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Ngoài ra, thỏa thuận cũng lần đầu tiên đề cập tới năng lượng tái tạo trong khi nhắc lại những kêu gọi trước đây về tăng cường nỗ lực hướng tới giảm dần điện than và loại bỏ trợ cấp nhiên liệu hóa thạch.
Thông điệp của Việt Nam tại COP 27 là "Cam kết đi đôi với hành động" trong cuộc chiến chống biển đổi khí hậu. Tại COP 27, đoàn Việt Nam đã có nhiều hoạt động thiết thực và được cộng đồng quốc tế đánh giá là quốc gia tích cực và có trách nhiệm trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi Khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phó Trưởng đoàn Việt Nam tham dự COP 27 cho biết, khủng hoảng năng lượng và đà suy giảm kinh tế toàn cầu sau đại dịch Covid-19 khiến nhiều quốc gia đã không thể triển khai thực hiện các cam kết đã nêu ra tại COP 26 ở Glasgow về giảm phát thải khí nhà kính và mức đóng góp tài chính cho ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.
Với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ và của cả hệ thống chính trị, Việt Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện cam kết COP 26, phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, cập nhật đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), phê duyệt kế hoạch giảm phát thải khí methane, đồng thời cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ để thực hiện các cam kết về khí hậu. Trong NDC 2022, Việt Nam đã nâng cam kết lên cao hơn phù hợp với lộ trình đưa phát thải ròng về "0" vào năm 2050.
Theo ông Phạm Văn Tấn, nhiều đối tác quốc tế, đặc biệt là Anh, Mỹ và Liên minh châu Âu nói riêng, cũng như Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) nói chung, đều đánh giá Việt Nam đã nhanh chóng triển khai các biện pháp và kế hoạch để biến cam kết thành hành động.
Đoàn đại biểu Việt Nam do Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà dẫn đầu làm việc với Chủ tịch COP26 Alok Sharma về chuyển đổi năng lượng của Việt Nam. (Ảnh: Nguyễn Trường/TTXVN) |
Tại COP 27, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã có nhiều buổi làm việc với các tổ chức quốc tế và định chế tài chính quốc tế để trao đổi về nỗ lực của Việt Nam và cơ hội hợp tác tại Việt Nam.
Tại một số sự kiện lớn trong khuôn khổ Hội nghị COP27, như "Thúc đẩy Đóng góp do quốc gia tự quyết định: Tín hiệu đáng ghi nhận" do Tổng Giám đốc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) chủ trì ngày 15/11; cuộc họp hằng năm các nước tham gia cam kết methane do Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu John Kery chủ trì ngày 16/11 với sự tham gia của trên 40 bộ trưởng; cuộc họp cấp bộ trưởng của hơn 100 nước tham gia Tuyên bố methane ngày 17/11 do Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về biến đổi hậu John Kery và Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu (EC) Frans Timmermans chủ trì, Việt Nam vinh dự được xướng tên và đã dành thời lượng đáng kể để phát biểu, chia sẻ.
Tại các sự kiện này, Việt Nam khẳng định Chính phủ Việt Nam đã xây dựng kế hoạch, phê duyệt chiến lược để thực hiện các cam kết đưa ra tại COP 26; nhấn mạnh việc Việt Nam có thể tiến xa như thế nào trong thực hiện các cam kết của mình phụ thuộc vào việc thực hiện cam kết của các quốc gia khác cũng như sự hỗ trợ mà Việt Nam nhận được từ cộng đồng quốc tế.
Ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), thành viên Đoàn Việt Nam tham gia COP 27 cho biết, một trong những nội dung quan trọng nhất mà COP 27 hướng tới là công lý và công bằng cho việc chuyển đổi năng lượng cũng như giảm phát thải ròng bằng "0" trong thời gian tới.
Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang rất tập trung vào nội dung thỏa thuận với các nước G7 trong cam kết tự chuyển đổi năng lượng công bằng. Bởi lẽ là các nước phát triển trên thế giới chiếm tới 44% lượng phát thải khí nhà kính, chiếm 14 % dân số thế giới, trong khi yêu cầu đối với các nước đang phát triển và các nước kém phát triển thực hiện giảm phát thải tương đương là một yêu cầu rất lớn.
Các nội dung thảo luận tại COP 27 được các nước đưa ra nhằm đạt được 3 nội dung cơ bản gồm thứ nhất là công lý công bằng trong cách thích ứng biến đổi khí hậu. Thứ hai là công lý công bằng trong giảm phát thải khí nhà kính. Thứ ba là công lý công bằng trong trách nhiệm của các nước đối với hỗ trợ các nước chịu thiệt hại của biến đổi khí hậu, cũng như là thảm họa về thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu mà ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của người dân.
"Nội dung chính mà Việt Nam thảo luận cũng như cam kết tại COP 27 là chúng ta mong muốn rằng, với việc Việt Nam thực hiện các cam kết mạnh mẽ như chúng ta đã thực hiện tại COP 26, đang tổ chức triển khai và sắp tới chúng ta sẽ có những cam kết mạnh mẽ hơn đã được cụ thể hóa trong chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, các nước phát triển và các nước khác trên thế giới cần thực hiện đúng những cam kết đã đặt ra", ông Nguyễn Đình Thọ cho biết.
Tại hội nghị COP 27, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng đã nêu ra sáng kiến về sử dụng phần lớn nguồn lực huy động thông qua các cơ chế của Thỏa thuận Paris nhằm hỗ trợ chuyển giao công nghệ và thực hiện các dự án thí điểm tại các nước đang phát triển để làm tiền đề, khơi thông nguồn vốn toàn xã hội đầu tư vào lĩnh vực giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu. Sáng kiến này đã được sử dụng để lồng ghép vào các nội dung thảo luận của COP 27.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định chuyển đổi năng lượng là yếu tố then chốt để Việt Nam thực hiện mục tiêu đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết tại COP 26.
Bộ trưởng nhấn mạnh phát triển năng lượng tái tạo phải đi đôi với đảm bảo an ninh năng lượng, đồng thời đề nghị Vương quốc Anh, EU và G7 hỗ trợ chuyển giao cho Việt Nam các công nghệ tiên tiến như: công nghệ điện gió, điện Mặt trời, lưu trữ điện năng để giúp Việt Nam thực hiện thành công quá trình chuyển đổi năng lượng, bảo đảm giá thành hợp lý cho tất cả mọi người có thể tiếp cận được.
Đoàn đại biểu Việt Nam tham gia Hội nghị COP 27 với mong muốn tiếp tục chung tay cùng cộng đồng quốc tế xây dựng các cơ chế, chính sách, cơ sở pháp lý để thực hiện mục tiêu chung chống biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội để huy động sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế nhằm giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết tại COP 26.