Tại Hội thảo, ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn cho biết, dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn trên thế giới cũng như tại Việt Nam đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn là đầu vào của các ngành, lĩnh vực trong phòng, chống thiên tai, nông nghiệp, thủy điện.... Đặc biệt là thông tin về dự báo dựa trên tác động, cảnh báo thiên tai có vai trò rất quan trọng, góp phần giảm thiểu thiệt hại thiên tai, phát triển kinh tế-xã hội.
Hội thảo này sẽ góp phần cung cấp những kinh nghiệm quốc tế về công tác dự báo, cảnh báo dựa trên tác động thực tiễn tại quốc tế và Việt Nam. Từ đó, hình thành các quy trình, cách làm để triển khai việc dự báo tác động thiên tai tại Việt Nam trong hiện tại và tương lai một cách hiệu quả.
Theo Tiến sĩ Senaka Basnayake, Giám đốc Ban Ứng phó với khí hậu, Trung tâm phòng, chống thiên tai châu Á, để tăng cường khả năng chống chịu với các hiện tượng cực đoan ở khu vực đô thị cần phải hiểu các rủi ro hiện tại và trong tương lai, xây dựng năng lực phòng, chống, quản lý khẩn cấp, phát triển ngành cũng như cơ chế quản trị rủi ro và học hỏi để quản trị rủi ro bền vững cho tương lai. Do đó, Trung tâm phòng, chống thiên tai châu Á đã áp dụng cách tiếp cận đa ngành với sự tham gia của các bên liên quan từ nhiều lĩnh vực khác nhau.
Tại Hội thảo, Trung tâm phòng, chống thiên tai châu Á hướng dẫn cho các thành viên tham dự bài thực hành về xây dựng ma trận tác động của bão, lũ lụt.
Các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về vai trò của công tác dự báo, cảnh báo thiên tai và đặc biệt nhấn mạnh các thông tin về dự báo dựa trên tác động trong việc giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra...