Tiến sĩ Al Jaber khẳng định, các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực năng lượng có đủ kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng chuyên môn và nguồn lực cần thiết để giải quyết thách thức kép của việc vừa thúc đẩy lộ trình phát triển bền vững vừa cắt giảm lượng khí thải toàn cầu.
Ông kêu gọi ngành dầu khí cần tăng cường giảm khí thải, thích nghi với thách thức tương lai sớm hơn và xây dựng hệ thống năng lượng cho tương lai ngay từ hôm nay.
“Cùng với tất cả các ngành công nghiệp khác, ngành dầu khí cần phải tự nâng cấp, hành động nhanh hơn và quyết liệt hơn”, ông Al Jaber nói.
Chủ tịch COP28 cho biết, đến năm 2030 dân số thế giới dự kiến sẽ tăng thêm nửa tỷ người, kéo theo sự gia tăng về nhu cầu năng lượng. Điều này có nghĩa, thế giới sẽ phải giảm 7% lượng khí thải mỗi năm để giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5°C, tức là phải giảm khoảng 43% lượng khí thải trong vòng chưa đầy 7 năm.
Cựu Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi hành động tại COP28
Đây là một thách thức chung, yêu cầu một giải pháp mang tính toàn cầu đến từ sự đoàn kết và chung tay từ toàn bộ các bên liên quan.
“Mỗi chính phủ, mỗi ngành công nghiệp, mỗi doanh nghiệp và mỗi cá nhân đều có vai trò của riêng mình. Không ai được phép đứng ngoài cuộc. Và ngành công nghiệp dầu khí đóng vai trò cốt lõi trong việc phát triển các giải pháp. Trên thực tế, ngành công nghiệp này phải tiên phong và gánh vác trách nhiệm to lớn”, ông Al Jaber nhấn mạnh.
Theo đó, ngành dầu khí cần giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình vận hành của chính mình, cũng như giúp đỡ các đối tác. “Với một động lực đúng đắn, công nghệ, tư duy và mô hình đối tác phù hợp, ngành dầu khí có đủ khả năng và nguồn lực để giúp mọi người quản lý phát thải carbon trong phạm vi 3”.
Cũng theo Tiến sĩ Al Jaber, ngành sản xuất năng lượng có thể mang lại thay đổi có ảnh hưởng lớn nhất trong thời gian ngắn nhất. Đến năm 2030, các hoạt động sản xuất năng lượng tái tạo cần phải tăng gấp ba lần.
Tuy nhiên, đối với các ngành sản xuất gây nhiều ô nhiễm như nhôm, thép, xi măng…, năng lượng tái tạo là không đủ. Quá trình phi carbon hóa nền kinh tế trên quy mô lớn sẽ đòi hỏi một “hệ sinh thái” phù hợp, với sự kết nối giữa chính sách, con người, công nghệ và điều kiện tài chính.
Chủ tịch COP28 UAE Sultan Al Jaber (bên phải) nhấn mạnh vai trò của ngành dầu khí trong việc giải quyết các thách thức khí hậu. (Ảnh: Xinhua) |
“Các nhà hoạch định chính sách phải tạo ra động lực phù hợp để thúc đẩy thị trường. Các ngành công nghiệp cần có chính sách rõ ràng để định hướng những quyết định đầu tư dài hạn. Những luật lệ và quy định sẽ thúc đẩy sự đột phá trong công nghệ như tăng hiệu suất pin, giảm chi phí quá trình hấp thụ carbon, phát triển và thương mại hóa chuỗi giá trị kinh tế hydrogen. Mỗi cá nhân cần được khuyến khích để cùng hợp tác, phá vỡ những chia rẽ và hướng đến một mục tiêu chung”, Chủ tịch COP28 nêu rõ.
Ông Al Jaber cũng lưu ý ảnh hưởng của khoảng cách tài chính đến mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu và những điều kiện cần thiết để đạt được mục tiêu chung của toàn thế giới.
“Toàn bộ cộng đồng tài chính cần phải thể hiện nhiều hơn vai trò của mình. Năm 2022, thế giới đã đầu tư 1,4 nghìn tỷ USD vào công cuộc chuyển đổi năng lượng. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), chúng ta cần đầu tư nhiều hơn gấp 3 lần giá trị trên. Sự đầu tư phải đến từ tất cả các nguồn: chính phủ, tư nhân, các tổ chức đầu tư, vốn tư nhân, ngành công nghiệp và tổ chức tài chính quốc tế”.
Ông nhấn mạnh, khi đề cập đến vấn đề tài chính cho mục tiêu chuyển đổi năng lượng, cần phải bảo đảm “không ai bị bỏ lại phía sau”.
“Các nền kinh tế đang phát triển chiếm 80% dân số toàn cầu, nhưng chỉ tiếp cận được 15% tổng số vốn đầu tư vào công nghệ sạch. Đó là lý do tại sao chúng ta cần suy nghĩ nghiêm túc về việc cải cách căn bản các tổ chức tài chính quốc tế (IFIs) và các ngân hàng phát triển đa phương để khai thác tiềm năng của nguồn vay ưu đãi, giảm thiểu rủi ro và thu hút đầu tư nhiều hơn từ khu vực tư nhân”.
Tiến sĩ Al Jaber chỉ ra một số ưu tiên chính cho nhóm ngành năng lượng. Theo đó, những công nghệ mới, tinh thần khởi nghiệp, quan hệ đối tác và sự hợp tác sẽ là yếu tố quan trọng để xây dựng toàn bộ chuỗi giá trị kinh tế hydrogen.
“Con đường nhanh nhất để đạt được mục tiêu sẽ đến từ việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, đồng thời tăng cường sử dụng năng lượng sạch và tập trung hướng tới mục tiêu chung là giảm lượng khí thải” - ông nói.
Khi được hỏi về những kỳ vọng đạt được tại COP28, Tiến sĩ Al Jaber chia sẻ một số ưu tiên chính về giảm thiểu, thích ứng, tổn thất và thiệt hại, tài chính khí hậu và đổi mới quy trình.
Ông nhấn mạnh, COP28 sẽ là “COP của những hành động” với các kết quả thực tiễn. Thế giới phải chuyển từ các hiệp định trên giấy sang những hành động cụ thể. “Cần phải có những giải pháp ở cả bên trong và bên ngoài các cuộc đàm phán chính thức. Đây cũng sẽ là một COP dành cho tất cả, gồm nhiều bên liên quan, chịu trách nhiệm với cam kết, và các giải pháp mang tính hành động”.
COP28 UAE sẽ diễn ra tại thành phố Expo Dubai từ ngày 30/11 đến 12/12/2023. Hội nghị dự kiến thu hút hơn 70 nghìn người tham dự, bao gồm các nhà lãnh đạo, quan chức chính phủ, lãnh đạo các doanh nghiệp quốc tế, đại diện khu vực tư nhân, học giả, chuyên gia, thanh niên và các tổ chức phi chính phủ.
Được ủy quyền bởi Hiệp định Khí hậu Paris, COP28 UAE dự kiến sẽ đưa ra bản đánh giá toàn cầu (Global Stocktake) đầu tiên về các thành tựu đã đạt được trong thực hiện các mục tiêu khí hậu.