Theo báo cáo thường niên của tổ chức WindEurope, 2023 là năm kỷ lục về số lượng trang trại điện gió được xây dựng mới ở châu Âu, đồng thời là năm chứng kiến sự phục hồi các khoản đầu tư vào lĩnh vực này.
Đây được xem là tín hiệu tích cực cho những nỗ lực của Liên minh châu Âu (EU) nhằm hiện thực hóa các mục tiêu về năng lượng sạch của khối.
“Năm vừa qua, đã có những cải thiện đáng kể trong các lĩnh vực quan trọng của ngành điện gió châu Âu, vốn rất chật vật trong năm 2022 với lạm phát, lãi suất tăng vọt và thị trường năng lượng biến động do ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine” - Reuters dẫn báo cáo của WindEurope cho biết.
Theo đó, đầu tư của EU vào điện gió ngoài khơi đạt mức 30 tỷ euro, tăng vọt so với con số khiêm tốn 0,4 tỷ euro năm 2022. Công suất điện gió lắp đặt mới của các quốc gia trong khối cũng chạm mức cao kỷ lục 16,2 gigawatt vào năm ngoái, khoảng 80% trong số đó là các trang trại điện gió trên bờ.
Nguyên nhân thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành này là việc ban hành các chính sách nhằm đẩy nhanh tốc độ cấp phép các dự án điện gió, cũng như các đề xuất của EU giúp các dự án tiếp cận được nguồn hỗ trợ về mặt tài chính, WindEurope lý giải.
Số liệu từ tổ chức này cho thấy, Đức và Tây Ban Nha đã cấp phép thêm 70% công suất điện gió trên bờ trong năm 2023 so với năm trước đó.
Dự kiến trong 6 năm tới, châu Âu sẽ lắp đặt trung bình 29 gigawatt điện gió mỗi năm, với tổng công suất dự báo đạt 393 gigawatt vào năm 2030 - tiến gần đến mức 425 gigawatt cần thiết để tuân thủ các mục tiêu năng lượng tái tạo năm 2030 của EU.
WindEurope cho biết, rủi ro lớn nhất đối với việc mở rộng công suất điện gió của châu Âu hiện nay là sự chậm chạp trong đầu tư nâng cấp hệ thống lưới điện để xử lý tỷ trọng năng lượng tái tạo đang ngày càng tăng nhanh.