Châu Âu đẩy mạnh nỗ lực chống lãng phí thực phẩm

NDO - Đạo luật mới của Liên minh châu Âu (EU) sẽ yêu cầu các nước thành viên triển khai các biện pháp hạn chế lãng phí thực phẩm trong thập kỷ này nhằm giải quyết tình trạng 10% thực phẩm ở châu Âu đang bị bỏ đi do không sử dụng đến hiện nay.
0:00 / 0:00
0:00
Theo số liệu thống kê, mỗi người dân châu Âu đang lãng phí trung bình 131kg thực phẩm mỗi năm. (Ảnh minh họa: Reuters)
Theo số liệu thống kê, mỗi người dân châu Âu đang lãng phí trung bình 131kg thực phẩm mỗi năm. (Ảnh minh họa: Reuters)

Số liệu thống kê cho thấy, khoảng 131kg thực phẩm bị lãng phí theo bình quân đầu người ở châu Âu mỗi năm, gây tốn kém tiền bạc của người tiêu dùng, thải ra lượng khí CO2 dư thừa, đồng thời làm lãng phí năng lượng, nhiên liệu và nước được sử dụng trong sản xuất thực phẩm.

Để giải quyết vấn nạn trên, Ủy ban châu Âu dự kiến sẽ đề xuất một đạo luật trong vài ngày tới, theo đó đặt mục tiêu ràng buộc với tất cả các quốc gia EU là cắt giảm 30% chất thải thực phẩm/người trong các cửa hàng, nhà hàng và hộ gia đình vào cuối năm 2030, so với mức năm 2020.

Đồng thời, các nước thành viên của khối sẽ phải cắt giảm 10% lượng chất thải thực phẩm trong quá trình chế biến, chế tạo vào cuối thập kỷ. Tuy nhiên, con số này có thể được điều chỉnh trước thời điểm chính thức giới thiệu đạo luật.

Theo quy định, các quốc gia EU sẽ phải đàm phán với Nghị viện châu Âu (EP) về đạo luật cuối cùng, trong đó phải đưa ra được các biện pháp hiệu quả để thúc đẩy các công ty và người tiêu dùng đạt được các mục tiêu.

Những biện pháp này có thể bao gồm các quy tắc hạn chế các chương trình khuyến mãi dẫn đến việc mua quá nhiều thực phẩm gây lãng phí; các ưu đãi khuyến khích người nông dân và cửa hàng quyên góp sản phẩm không dùng đến cho các bếp ăn cộng đồng; cũng như những phúc lợi khi mang trái cây và rau quả “xấu xí” hoặc bị sứt sẹo ra thị trường.

EU hiện cũng đang nghiên cứu một hệ thống ghi nhãn rõ ràng hơn về hạn sử dụng để tránh việc người tiêu dùng vứt bỏ thực phẩm vẫn có thể ăn được.