Theo luật mới này, chính phủ trung ương sẽ xây dựng một chính sách cơ bản cắt giảm thực phẩm lãng phí. Từ đó các chính quyền địa phương sẽ xây dựng các kế hoạch hành động cụ thể riêng để chấm dứt tình trạng thực phẩm vẫn sử dụng được bị bỏ phí.
Luật này cũng kêu gọi một “phong trào toàn quốc” để thực hiện việc giảm số lượng thực phẩm bị bỏ phí bằng cách phối hợp giữa các chính quyền địa phương, cũng như doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Năm ngoái, những hình ảnh cho thấy một lượng lớn cơm cuộn sushi bị bỏ lan truyền trên mạng xã hội đã khiến Bộ Nông nghiệp Nhật Bản hồi tháng giêng năm nay ra lời kêu gọi các cửa hàng tiện lợi và siêu thị hạn chế nguồn cung các sản phẩm so với nhu cầu tiêu thụ thực tế.
Hưởng ứng lời kêu gọi của chính phủ, nhà điều hành chuỗi cửa hàng tiện lợi Seven-Eleven, công ty Japan and Lawson Inc tuần trước thông báo họ sẽ giảm giá mặt hàng cơm nắm và hộp cơm gần hết hạn sử dụng cho khách hàng.
Vấn đề lãng phí thực phẩm vẫn có thể sử dụng được hiện là vấn đề toàn cầu. Các bộ trưởng nông nghiệp từ các nền kinh tế G20 hồi đầu tháng này nhóm họp tại Niigata đã cam kết vai trò dẫn dắt trong việc giảm lãng phí thực phẩm.
Theo Tổ chức Nông Lương của Liên hợp quốc, mỗi năm thế giới bỏ phí 1,3 tỷ tấn lương thực. Riêng tại Nhật Bản, số liệu của chính phủ cho biết trong năm tài khóa 2016, nước này đã lãng phí 6,43 triệu tấn lương thực và hơn nửa số đó ở khu vực thương mại. Trong khi đó, số liệu thống kê của Bộ Y tế Nhật Bản năm 2015, ước tính ba triệu trẻ em, ứng với 13,9% trẻ em Nhật Bản sống dưới mức nghèo khổ.