Chăn nuôi phải đúng nơi, đúng chỗ, đúng quy hoạch và bảo đảm môi trường

Xử lý nguồn thải đạt tiêu chuẩn môi trường trong chăn nuôi là vấn đề không mới, nhưng giải quyết triệt để việc này lại không hề đơn giản, nhất là đối với tỉnh có quy mô chăn nuôi gia súc, gia cầm thuộc loại lớn nhất nước ta như Ðồng Nai. Với quyết tâm chính trị cao, địa phương này đang tổng kiểm tra công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi trên toàn tỉnh để bảo đảm mục tiêu phát triển nhanh, bền vững.
0:00 / 0:00
0:00

Ðồng Nai được xem là trung tâm chăn nuôi gia súc, gia cầm của cả nước. Hiện, trên địa bàn có 1.457 cơ sở chăn nuôi tập trung và hơn 22.200 cơ sở chăn nuôi nông hộ với hai loại chính là lợn và gà với tổng đàn lợn khoảng 2,5 triệu con, tổng đàn gà khoảng 26 triệu con. Thời gian qua, chăn nuôi đã góp phần giúp người dân ở nông thôn có việc làm, vươn lên làm giàu, đóng góp quan trọng cho kinh tế-xã hội và xây dựng nông thôn mới.

Thế nhưng, bên cạnh một số cơ sở chấp hành tốt công tác bảo vệ môi trường, vẫn còn rất nhiều cơ sở chăn nuôi chưa tuân thủ tốt công tác bảo vệ môi trường, nhất là xử lý các nguồn thải đạt tiêu chuẩn trước khi xả thải. Ðây là một trong các nguyên nhân chính làm ô nhiễm nguồn nước sông, suối và gây mùi hôi, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân chung quanh.

Theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, từ ngày 15/4 đến ngày 15/7, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan và ủy ban nhân dân 11 huyện, thành phố sẽ kiểm tra định kỳ và đột xuất việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với 9.832 cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn.

Cũng để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, vào cuối tháng 2/2023, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ký Quyết định 296/QÐ-UBND phê duyệt di dời 3.006 cơ sở chăn nuôi (chủ yếu là lợn và gà) ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi. Các cơ sở chăn nuôi có tên trong quyết định phải di dời hoặc ngưng chăn nuôi theo đúng lộ trình cụ thể, trong đó, chậm nhất là trước ngày 31/12/2024. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh được giao chủ trì, phối hợp các đơn vị, địa phương hướng dẫn, kiểm tra việc di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi theo quyết định trên; chính quyền các địa phương xây dựng kế hoạch, lộ trình và tổ chức thực hiện di dời các cơ sở chăn nuôi theo địa bàn quản lý.

Hai quyết định trên thể hiện quyết tâm của Ðồng Nai trong việc xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, vốn diễn ra trong thời gian dài, gây ra nhiều hệ lụy cho sự phát triển của địa phương.

Trong một số chuyến thị sát, làm việc tại các huyện và hội nghị gần đây, Bí thư Tỉnh ủy Ðồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh đã nhiều lần nhấn mạnh, tỉnh không cấm chăn nuôi nhưng phải đúng quy hoạch và bảo đảm môi trường. Chăn nuôi phải đúng nơi, đúng chỗ; không thể để tồn tại cơ sở chăn nuôi xen kẽ trong khu dân cư, khu đô thị, gần sông, hồ vì sẽ gây mùi hôi và đe dọa ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt của cả cộng đồng hiện tại cũng như về lâu dài. Ðây là vấn đề rất đáng lo ngại, nếu không kịp thời chấn chỉnh sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển nhanh, bền vững mà tỉnh đang quyết tâm thực hiện. Cơ sở nào chưa đúng quy hoạch phải dứt khoát di dời theo lộ trình. Ðể làm được điều này, đòi hỏi sự quyết tâm cả hệ thống chính trị, đồng lòng cao của người dân. Lãnh đạo tỉnh từng được các nhà khoa học, bác sĩ đầu ngành tại Thành phố Hồ Chí Minh cảnh báo chất lượng sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng do quá trình phát triển không bền vững, trong đó có hệ lụy ô nhiễm môi trường từ việc chăn nuôi gây ra.

Tỉnh Ðồng Nai đang thực hiện đợt tổng kiểm tra gần 10 nghìn cơ sở và ra "tối hậu thư" cho hơn 3.000 cơ sở di dời thể hiện quyết tâm cao bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi và thực hiện nhất quán phương châm, không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, giữ gìn chất lượng cuộc sống theo tiêu chí phát triển nhanh, bền vững.