NSND Trịnh Thịnh - người tận tâm cống hiến trong từng vai diễn

Sáng 12-4, NSND Trịnh Thịnh đã trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Bạch Mai ở tuổi 88. Bộ phim Tết này ai đến xông nhà của đạo diễn Trần Lực sản xuất năm 2002 là phim cuối cùng mà NSND Trịnh Thịnh tham gia. Ông đã không nhận vai diễn nào kể từ ngày đó bởi bệnh tật khiến sức khỏe suy giảm. Nhắc đến ông là nhắc đến thế hệ diễn viên đầu tiên của nền Ðiện ảnh Cách mạng Việt Nam đã lao động hết mình vì nghệ thuật, hết mình trong từng vai diễn dù nhỏ nhất, dù chính hay phụ, bi hay hài.

NSND Trịnh Thịnh (bên trái) trong phim Vợ chồng A Phủ.
NSND Trịnh Thịnh (bên trái) trong phim Vợ chồng A Phủ.

NSND Trịnh Thịnh sinh năm 1927 tại Hà Nội, đam mê điện ảnh từ nhỏ. Các rạp Hàng Quạt, Hàng Da là nơi ông và một số bạn bè hay lui tới mỗi lần có phim. Trước khi đến với nghệ thuật thứ bảy - năm 1954, Trịnh Thịnh là một cán bộ của Ngân hàng Ðông Dương, khi ngân hàng này đóng cửa, ông đã trải qua nhiều công việc khác nhau để kiếm sống. Năm 1956, Trịnh Thịnh trúng tuyển diễn viên lồng tiếng cho một hãng xuất khẩu phim của Liên Xô. Cũng năm 1956, đạo diễn Phạm Hiếu Dân (tức Phạm Kỳ Nam) và Nguyễn Hồng Nghi tuyển diễn viên cho bộ phim Chung một dòng sông, phim truyện đầu tiên của Ðiện ảnh Cách mạng Việt Nam, Trịnh Thịnh là một trong những người được "chọn mặt gửi vàng". Mặc dù không được đào tạo bài bản, nhưng Trịnh Thịnh đã chứng minh việc đạo diễn không chọn nhầm người. Chung một dòng sông đã đoạt giải Bông Sen Vàng Liên hoan phim Việt Nam lần thứ hai năm 1973. Năm 1961, với gương mặt mộc mạc, hồn hậu, diễn xuất tự nhiên không gượng ép, Trịnh Thịnh đã được mời tham gia nhiều bộ phim với hàng loạt vai diễn đáng nhớ. Hai năm sau khi hoàn thành phim Chung một dòng sông, ông vào vai chiến sĩ cộng sản vùng Tây Bắc trong Vợ chồng A Phủ. Mặc dù không phải nhân vật chính của phim, nhưng cùng với các diễn viên khác, ông đã dành nhiều thời gian nghiền ngẫm kịch bản, thâm nhập thực tế cuộc sống của bà con dân tộc miền núi để vào vai một cách nhuần nhuyễn nhất. Cho đến nay, phim Vợ chồng A Phủ vẫn có sức sống mãnh liệt trong lòng khán giả. Cùng với Trần Phương và Ðức Hoàn, Trịnh Thịnh đã góp phần không nhỏ vào thành công của tác phẩm điện ảnh này. Hàng loạt phim mà Trịnh Thịnh tham gia sau này như Thị trấn yên tĩnh, Vợ chồng anh Lực, Chị Dậu, Không nơi ẩn nấp, Lá ngọc cành vàng, Thằng Bờm... dù vai chính hay phụ thì cách diễn xuất của ông đều đem đến cho người xem sự hài lòng bởi đó là kết quả của sự yêu nghề, đầu tư nhiều thời gian và công sức cho nhân vật của mình. Với tính cách mộc mạc và vẻ bề ngoài chất phác, Trịnh Thịnh thường được các đạo diễn mời vào những vai mang đậm dấu ấn của những vùng quê Việt Nam. Tuy nhiên, ông cũng để lại nhiều ấn tượng đối với người xem qua những vai hài. Như nhận xét của đạo diễn Trần Lực, tác giả của bộ phim Tết này ai đến xông nhà thì NSND Trịnh Thịnh diễn hài rất nghiêm túc, nhẹ nhàng nhưng lại khiến người xem phải phì cười. Năm 1988, tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ tám, Trịnh Thịnh đã được trao giải nam diễn viên xuất sắc với vai diễn ông chủ tịch huyện trong Thị trấn yên tĩnh và vai Bờm trong phim Thằng Bờm.

Năm 1990, vai ông già vạn chài trong bộ phim Lời nguyền của dòng sông do đạo diễn Khải Hưng thực hiện, chuyển thể từ truyện ngắn Mùa hoa cải trên sông của nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã ám ảnh người xem. Người đàn ông trên chiếc thuyền giữa sông ôm mối thù từ quá khứ đã trở thành người cha độc đoán cay nghiệt với cả chính con cái mình. Vì một lời tuyệt giao với những người trên bờ đã không cho ông cải táng người vợ xấu số vì thế ông đã ngăn cấm con gái không được đặt chân lên bờ. Khi cô con gái chạy theo tiếng gọi của tình yêu, quyết định ở lại trên bờ sinh sống với một chàng trai xóm chài ông đã tự kết thúc cuộc đời nhiều uẩn khúc của mình. Bộ phim đã đoạt giải xuất sắc tại LHP Brúc-xen (Bỉ) năm 1992. NSND Trịnh Thịnh còn tham gia dự án phim của các đạo diễn Việt kiều và nước ngoài như Xích-lô của Trần Anh Hùng, Ðông Dương của Rê-ghít Oác-nê (Régis Wargner). Năm 1989, nghệ sĩ Trịnh Thịnh về hưu và năm 1997 ông vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.

Mặc dù đã hơn 10 năm ông không tham gia diễn xuất vì sức khỏe không cho phép, nhưng tinh thần làm việc, cống hiến hết mình vì nghệ thuật thứ bảy và diễn xuất của ông luôn là tấm gương để nhiều thế hệ diễn viên học hỏi. Lễ tang của NSND Trịnh Thịnh được tổ chức chiều nay, 15-4 tại Nhà Tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.