Theo phản ánh của người dân và tìm hiểu của phóng viên, tình trạng khai thác đất, khoáng sản và san lấp đất ruộng tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã đến mức báo động. Nhiều quả đồi bị đào bới nham nhở, nhiều thửa ruộng bị san lấp khiến người dân bức xúc; tình trạng lợi dụng san, hạ cốt nền để “rút ruột” tài nguyên trái phép đã diễn ra phổ biến. Hậu quả là nhiều nơi, những khoảnh rừng ngập mầu xanh cây cối đã bị mất trắng, trở thành những hố sâu “khổng lồ,” gây ô nhiễm môi trường, thất thu ngân sách. Đã có nhiều văn bản đôn đốc các địa phương nhưng tình trạng khai thác đất, khoáng sản và san lấp đất ruộng vẫn diễn ra trong một thời gian dài nhưng chưa được chấn chỉnh kịp thời như tại TP Việt Trì, các huyện Tam Nông, Hạ Hòa, Đoan Hùng, Phù Ninh...
Thời gian qua, tại nhiều địa phương của huyện Hạ Hòa, tình trạng người dân tự ý san lấp đất ruộng để làm nhà xưởng sản xuất gỗ ép diễn ra tràn lan. Điển hình tại các xã như Ấm Hạ, Hà Lương, Gia Điền và dọc đường tỉnh 311 và đường 314 mọc lên nhiều nhà xưởng chế biến gỗ không biển bảng nằm trên đất nông nghiệp chưa được chính quyền địa phương cho phép. Theo ghi nhận của phóng viên, tại xã Ấm Hạ có khoảng năm, sáu điểm san lấp đất ruộng làm nhà xưởng và san hạ đất đồi xây dựng trạm trộn bê-tông không phép; tại xã Gia Điền, Hà Lương tình trạng người dân san lấp đất ruộng cũng diễn ra tràn lan. Mỗi xã có từ sáu đến bảy điểm người dân lấp ruộng làm nhà xưởng và xả đồi bán đất hoặc khai thác khoáng sản. Được biết, hầu hết các xưởng đều là mọc lên tự phát, chính quyền chưa cấp phép cho trường hợp nào.
Bí thư Huyện ủy Hạ Hòa Lưu Quang Huy chia sẻ, trước thực trạng nêu trên, Huyện ủy đã có nhiều văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường quản lý san gạt mặt bằng, hạ cốt nền. Tuy nhiên, ở một số địa phương công tác quản lý đất đai chưa chặt chẽ, còn tình trạng buông lỏng quản lý dẫn đến tình trạng lấn chiếm đất công, chuyển mục đích sử dụng đất khi chưa được cơ quan nhà nước cho phép; tự ý san hạ cốt nền khai thác khoáng sản trái phép.
Còn tại huyện Tam Nông thì tình trạng xả đồi lấy đất và khai thác khoáng sản đang trở thành điểm nóng. Điển hình tại một số xã như Thọ Văn, Hương Nộn, Dân Quyền, Vạn Xuân... Tại các địa phương này, từ đầu năm đến nay đã có nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng việc cải tạo, hạ cốt nền, san gạt mặt bằng do UBND huyện cấp để khai thác đất và khoáng sản (cao lanh, sỏi ruồi, than bùn) trái phép. Thậm chí có đơn vị còn tự ý bạt rừng, xả đồi, khai thác đất xây dựng dự án đầu tư xây dựng nhà xưởng sơ chế bùn, rác hữu cơ phục vụ ngành nông nghiệp sạch tại khu 9, xã Thọ Văn khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đầu tư, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cấp phép xây dựng... Nhiều quả đồi bị biến dạng, làm thất thoát tài nguyên, phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống, sản xuất của người dân. Ngoài ra, hệ lụy từ việc khai thác đất và khoáng sản trái phép còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, khó kiểm soát nguồn thu từ thuế tài nguyên và phí môi trường, hư hỏng công trình giao thông khiến người dân bức xúc.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ, hằng năm, ngành thường xuyên tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra tình trạng khai thác đất, khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Tất cả các vụ việc vi phạm đều bị xử lý và đình chỉ khai thác. Tuy nhiên, có một thực tế tại Phú Thọ khiến công tác kiểm soát việc khai thác đất, khoáng sản gặp nhiều khó khăn là các cá nhân lợi dụng việc san hạ cốt nền để khai thác khoáng sản trái phép. Trong khi, để kiểm soát chặt chẽ tình trạng này còn nhiều bất cập. Việc cho phép người dân san hạ cốt nền, san lấp ruộng thuộc thẩm quyền của UBND huyện. Chính vì vậy, đây là “lá bùa” để những cá nhân, đơn vị lợi dụng khai thác đất, khoáng sản, lấp ruộng trái phép diễn ra trong thời gian qua. Mặc dù, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiếp nhận nhiều thông tin và kịp thời phối hợp với chính quyền địa phương và các ngành liên quan kịp thời xử lý. Tuy nhiên, mức độ xử lý còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe để hạn chế tình trạng trên.
Đồng chí Nguyễn Văn Toản, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Thọ cho biết, tình trạng lợi dụng san hạ cốt nền để khai thác khoáng sản, san lấp đất nông nghiệp diễn ra tại một số địa phương ảnh hưởng đến đời sống người dân. Việc kiểm tra, kiểm soát các phương tiện vận chuyển đất, khoáng sản còn hạn chế; công tác phối hợp giữa Sở Tài nguyên và Môi trường với các cấp, các ngành trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trái phép chưa kịp thời. Trong khi lực lượng mỏng, thẩm quyền cấp phép lại thuộc cấp huyện nên để hạn chế tình trạng trên cần có sự quyết liệt, đồng bộ của chính quyền địa phương.
Đồng chí Nguyễn Văn Toản cho biết thêm, trong thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chấn chỉnh tình trạng nêu trên như Quy chế quản lý hoạt động vận chuyển đất dư thừa trong quá trình cải tạo mặt bằng, hạ cốt nền dùng để đắp nền công trình trên địa bàn tỉnh; Phê duyệt khu vực đấu giá, không đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Phú Thọ; tăng cường công tác quản lý hoạt động khoáng sản, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Đáng chú ý, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đã có văn bản yêu cầu UBND các huyện, thành phố, thị xã tạm dừng cho phép san gạt mặt bằng hạ cốt nền đối với hộ gia đình, cá nhân, hạ cốt nền đối với đất sản xuất, đất vườn đã được giao. Việc phát sinh khối lượng vật liệu (đất đồi, các loại khoáng sản khác) do cải tạo đất, san gạt mặt bằng, hạ cốt nền đất sản xuất, đất vườn, đất ở UBND cấp huyện phải báo cáo bằng văn bản với UBND tỉnh n