Chậm sửa chữa nhiều tuyến đường bị hư hỏng do sử dụng để thi công cao tốc

NDO - Chiều ngày 30/11, tại cuộc họp Giao ban báo chí tháng 11/2022 do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo tỉnh Bình Thuận tổ chức, ông Huỳnh Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Bình Thuận cung cấp thông tin về các tuyến đường trên địa bàn tỉnh bị hư hỏng do các phương tiện, thiết bị thi công của các đơn vị thi công đường cao tốc bắc-nam.
0:00 / 0:00
0:00
Thi công cầu vượt tuyến đường quốc lộ 1A-Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) giao với cao tốc bắc-nam tại điểm cuối gói thầu XL-04 đoạn Vĩnh Hảo-Phan Thiết.
Thi công cầu vượt tuyến đường quốc lộ 1A-Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) giao với cao tốc bắc-nam tại điểm cuối gói thầu XL-04 đoạn Vĩnh Hảo-Phan Thiết.

Theo đó, qua rà soát tổng hợp, toàn tỉnh có khoảng 45 tuyến đường (2 tuyến quốc lộ, 10 tuyến đường tỉnh lộ và khoảng 32 tuyến đường do huyện, xã quản lý) bị hư hỏng. Trong đó, nhiều tuyến đường bị hư hỏng nặng ảnh hưởng đến việc đi lại của nhân dân, cử tri các địa phương kiến nghị nhiều lần.

Ông Thanh cho biết, trước khi triển khai thi công các dự án thành phần cao tốc bắc-nam qua địa bàn tỉnh Bình Thuận, Sở Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân các huyện có cao tốc đi qua đã thỏa thuận với các Ban Quản lý dự án, gồm: Ban 7, Ban Thăng Long, Ban 85 và các nhà thầu thi công về việc sử dụng các đường địa phương để vận chuyển vật liệu cho dự án.

Trong đó, yêu cầu trong quá trình sử dụng phải bảo đảm tuân thủ nghiêm các quy định về tải trọng cầu đường, tốc độ tối đa cho phép của từng tuyến đường; bảo đảm an toàn giao thông cho người và các phương tiện tham gia lưu thông trên tuyến; không gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến đời sống của người dân; kịp thời sửa chữa các hư hỏng phát sinh trong quá trình sử dụng.

Kết thúc quá trình sử dụng phải hoàn trả lại nguyên trạng như ban đầu hoặc tốt hơn đối với kết cấu nền, mặt đường, cầu cống và hệ thống báo hiệu an toàn giao thông trên các tuyến đường.

Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận cũng đã có Công văn đề nghị Bộ Giao thông vận tải bổ sung chi phí sửa chữa, hoàn trả các tuyến đường địa phương phục vụ thi công dự án.

Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, nhiều tuyến đường được sử dụng để phục vụ thi công cao tốc trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã bị hư hỏng, nhưng nhà thầu chậm khắc phục gây bức xúc cho người dân trong khu vực vì ảnh hưởng đến việc đi lại và cuộc sống của họ.

Hiện, mới chỉ có một số tuyến đường trên địa bàn xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong (Bình Thuận) đã được các nhà thầu thi công dự án đoạn Cam Lâm-Vinh Hảo sửa chữa; một số tuyến đường được các nhà thầu thuộc đoạn Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Phan Thiết-Dầu Giây sửa chữa, khắc phục tạm bằng cấp phối đá dăm nhưng chưa hoàn trả lại như kết cấu ban đầu (đường quốc lộ 1A-Phan Sơn, đường tỉnh 711, đường quốc lộ 1A-Tà Mon).

Các tuyến đường còn lại chưa được các nhà thầu quan tâm sửa chữa khắc phục.

Để khắc phục thực trạng này, mới đây, trong chuyến đi kiểm tra thi công cao tốc bắc-nam tại 2 dự án thành phần Vĩnh Hảo-Phan Thiết và Phan Thiết-Dầu Giây của Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các Ban Quản lý dự án và yêu cầu các nhà thầu phải kịp thời sửa chữa các hư hỏng phát sinh trong quá trình sử dụng đường địa phương. Kết thúc quá trình sử dụng phải hoàn trả lại nguyên trạng như ban đầu hoặc tốt hơn.

Cùng với đó, Sở Giao thông vận tải Bình Thuận chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm về tải trọng của các phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng thi công cao tốc bắc-nam trên các tuyến đường do Sở Giao thông vận tải quản lý và các tuyến đường huyện.