Chống tiêu cực, lợi ích nhóm trong triển khai dự án cao tốc bắc-nam

Ngày 29/11, Bộ Giao thông vận tải cho biết, đã có văn bản yêu cầu các Ban Quản lý dự án: 2, 6, 7, 85, đường Hồ Chí Minh, Thăng Long, Mỹ Thuận thực hiện các bước chuẩn bị triển khai các dự án thành phần thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn II (2021-2025) bảo đảm công khai minh bạch, lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm, phòng chống tiêu cực, lợi ích nhóm.
0:00 / 0:00
0:00
Các nhà thầu tranh thủ thời tiết thuận lợi tiến hành thảm bê-tông nhựa mặt đường cao tốc bắc-nam.
Các nhà thầu tranh thủ thời tiết thuận lợi tiến hành thảm bê-tông nhựa mặt đường cao tốc bắc-nam.

Thứ trưởng Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho biết, theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, dự án cao tốc bắc-nam giai đoạn II cần đáp ứng tiến độ khởi công tất cả 12 dự án thành phần trước ngày 31/12/2022, cơ bản hoàn thành trong năm 2025. Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các Ban Quản lý dự án được giao làm chủ đầu tư dự án quán triệt thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, bảo đảm lựa chọn được nhà thầu xây lắp có năng lực, kinh nghiệm, uy tín; quá trình thực hiện cần công khai, minh bạch, nghiêm túc, tuân thủ quy định pháp luật; kiên quyết phòng chống tiêu cực, lợi ích nhóm, tham nhũng, thông thầu, chuyển nhượng thầu không đúng quy định.

Bộ Giao thông vận tải giao Ban Quản lý dự án 6 chủ trì, phối hợp các Ban Quản lý dự án khẩn trương hoàn thiện hồ sơ yêu cầu gói thầu xây lắp, tư vấn giám sát (bao gồm tiêu chí lựa chọn nhà thầu, hợp đồng) và xây dựng hồ sơ mời thầu, hợp đồng gói thầu bảo hiểm công trình xây dựng; tổ chức lấy ý kiến Vụ Pháp chế, Thanh tra Bộ, Cục Quản lý đầu tư xây dựng để thẩm định, phê duyệt theo thẩm quyền; tổ chức triển khai bảo đảm tính thống nhất, đáp ứng tiến độ yêu cầu dự án.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng lưu ý, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu phải quy định chặt chẽ về trách nhiệm của nhà thầu, trách nhiệm chung, trách nhiệm riêng đối với nhà thầu liên danh; quy định cụ thể về việc quản lý chất lượng, tiến độ, xử lý nhà thầu vi phạm hợp đồng. “Riêng đối với hồ sơ yêu cầu gói thầu xây lắp, cần quy định trách nhiệm của thành viên đứng đầu liên danh, quy định về việc mở tài khoản chuyên chi để quản lý chặt chẽ tiền tạm ứng, thanh toán hợp đồng bảo đảm sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng phục vụ gói thầu; quy định chi tiết các nội dung liên quan đến việc điều chỉnh hợp đồng, điều chỉnh giá hợp đồng do trượt giá bảo đảm phù hợp quy định, phù hợp nguồn chỉ số giá do địa phương công bố,...”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh.

Các Ban Quản lý dự án trong quá trình thực hiện lựa chọn nhà thầu, chỉ định thầu cần tuân thủ quy định Luật Đấu thầu, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP và các quy định khác có liên quan. Trong đó, lựa chọn nhân sự có năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức và có đủ điều kiện để thành lập Tổ chuyên gia đấu thầu; nghiêm cấm các hành vi không minh bạch trong lựa chọn nhà thầu và các hành vi bị cấm khác trong đấu thầu.

Quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu, chỉ định thầu phải khách quan, công khai, minh bạch; việc đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất cần trung thực, khách quan, minh bạch, tuân thủ quy định của pháp luật và tiêu chuẩn đánh giá trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu được duyệt,...

Giám đốc các Ban Quản lý dự án chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Giao thông vận tải trong việc tổ chức lựa chọn nhà thầu, lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; xác định nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện gói thầu; hoàn thiện, ký hợp đồng bảo đảm tiến độ khởi công các gói thầu xây lắp đầu tiên các dự án thành phần trong tháng 12/2022.