“Xuyên đêm” thẩm định dự án cao tốc bắc-nam

Trong khoảng hai tháng trở lại đây, các cán bộ, kỹ sư của Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông vận tải) tiếp tục lao vào “chiến dịch” thẩm định thiết kế, dự toán cao tốc bắc-nam giai đoạn II. Một ngày làm việc của họ thường kết thúc vào khoảng 22-23 giờ đêm, thậm chí có hôm tới 1-2 giờ sáng.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ, chuyên viên Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông vận tải) liên tục làm việc đến 22-23 giờ.
Cán bộ, chuyên viên Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông vận tải) liên tục làm việc đến 22-23 giờ.

21 giờ 30 phút, tòa nhà của Cục Quản lý đầu tư xây dựng trong khuôn viên Trụ sở Bộ Giao thông vận tải vẫn sáng đèn. Chúng tôi gõ cửa Phòng Pháp chế-Đấu thầu, căn phòng nhỏ kê 4 bàn làm việc, bàn nào hồ sơ giấy tờ cũng xếp cao ngồn ngộn. Các cán bộ ở đây vừa tranh thủ ăn, vừa làm việc, tận dụng thời gian đến từng phút. “Công việc của Cục chủ yếu về lĩnh vực đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nên một số Luật như Luật Đầu tư công, Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn áp dụng trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, khó khăn, phòng này sẽ tham mưu lãnh đạo phương án xử lý.

Do yêu cầu tiến độ của dự án cao tốc bắc-nam gấp rút, tất cả các cán bộ, nhân viên của Cục đều được huy động làm việc ngoài giờ. Chúng tôi xác định, muốn tháo gỡ vướng mắc về đầu tư công theo quy trình nhanh hơn, cần phải có biện pháp giải quyết khác với thông thường”, anh Lê Bách Cương, Trưởng phòng cho hay.

Mỗi dự án đầu tư công trình giao thông trải qua nhiều giai đoạn, trong đó giai đoạn từ phê duyệt chủ trương, chuẩn bị đầu tư đến khi khởi công là vất vả phức tạp nhất. Từ đầu năm đến nay, đối với dự án cao tốc bắc-nam (giai đoạn II), các cán bộ, kỹ sư của Cục Quản lý đầu tư xây dựng đã huy động 2 đợt “chiến dịch” kéo dài 2-3 tháng liền. Sở dĩ họ không thể “đem việc về nhà làm” vì có quá nhiều hồ sơ giấy tờ, tài liệu, và nhiều nguyên nhân khách quan khác, nên ở lại cơ quan làm “thông tầm” là phương án tối ưu hơn cả.

Do áp lực tiến độ, các cán bộ, chuyên viên làm việc buổi tối được Công đoàn Cục hỗ trợ suất ăn tối, khẩu phần hầu hết là xôi, bánh mì, bánh giò hoặc bún chả. Thời gian ăn nghỉ cũng không theo giờ thông thường, có những lúc họ ăn cơm trưa lúc 13-14 giờ, xong tranh thủ ngả ngay trên ghế chợp mắt chừng 10-15 phút rồi dậy tiếp tục “cày”.

Anh Cương đã có thâm niên 16 năm tại Cục Quản lý đầu tư xây dựng, cũng từng ấy năm vợ con quen và chấp nhận cảnh nhiều dịp cả tháng trời hôm nào chồng cũng “đi từ vươn thở đến tiếng thơ mới về” (chương trình thể dục buổi sáng và “Tiếng thơ” lúc đêm khuya của Đài Tiếng nói Việt Nam). Anh Cương cho biết, các anh em khác cũng vậy.

Anh Thái Bá Thuy (Trưởng phòng Quản lý xây dựng 3) nói, ngay từ khi triển khai công tác chuẩn bị đầu tư dự án cao tốc bắc-nam (giai đoạn II), phòng đã tổ chức họp, quán triệt tinh thần, lên “dây cót” cho cán bộ về làm công tác tư tưởng ở gia đình, xác định vào chiến dịch thời gian gấp rút nên sẽ thường xuyên đi sớm về muộn. “Không chỉ hiện nay, những năm trước khi triển khai dự án mở rộng, cải tạo quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, nhiều thời điểm mấy tháng liền mọi người không có ngày nghỉ trọn vẹn. Nhiều khi áp lực công việc lại là động lực và niềm vui vì đã trót dấn thân và say nghề, không có việc cũng có cảm giác trống trải”, anh Thuy chia sẻ.

Với khối lượng công việc khổng lồ, tiến độ gấp của dự án trọng điểm quốc gia cao tốc bắc-nam (giai đoạn II), từ cán bộ đến chuyên viên của Cục Quản lý đầu tư xây dựng đều phải xắn tay cùng làm, chăm chú rà từng hồ sơ thẩm định, xây dựng dự toán, định mức nhằm mục tiêu đáp ứng tiến độ. Cục Quản lý đầu tư xây dựng thẩm định, rà soát biện pháp thi công tổng thể, chi tiết các cầu-hầm, mã định mức áp dụng, phương án điều phối vật liệu, bảo đảm tính tổng thể, giữa các dự án thành phần, giải pháp kỹ thuật không bị “vênh nhau”.

Anh Phạm Bá Trung, chuyên viên Phòng dự án đầu tư 1 chia sẻ: Áp lực công việc rất lớn, thẩm định hồ sơ đòi hỏi phải hết sức tỉ mỉ, chi tiết và cẩn trọng. Để các bộ hồ sơ đạt chất lượng theo yêu cầu, từng người phải tập trung cao độ, xong dứt điểm việc này mới chuyển sang việc khác. Anh Phạm Quang Cường, chuyên viên Phòng Quản lý xây dựng 1 bảo: 15 năm làm nghề, tôi chưa thấy dự án nào phải chạy đua tiến độ căng như dự án này.

Toàn bộ nhân sự của Phòng Quản lý xây dựng 3 gồm cán bộ, kỹ sư được huy động làm việc tập trung, thẩm định 2 dự án thành phần cao tốc bắc-nam gồm đoạn Hoài Nhơn-Quy Nhơn và Quy Nhơn-Chí Thạnh; thẩm định thêm dự án cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột và rà soát, xây dựng mã định mức, dự toán chung cho toàn bộ 12 dự án cao tốc bắc-nam (giai đoạn II) đang triển khai.

“Để đáp ứng tiến độ, công tác thẩm định được chúng tôi thực hiện theo phương châm “vừa chạy, vừa xếp hàng”, chia đầu việc thành từng khâu thực hiện đồng thời, sau khi hoàn thành các khâu thì tổng hợp lại, nhưng yêu cầu tối thượng, ưu tiên số 1 đặt ra vẫn phải bảo đảm tuyệt đối về chất lượng các bộ hồ sơ và trình tự thủ tục tuân thủ theo quy định pháp luật”, anh Thái Bá Thuy đánh giá.

Lúc 21 giờ ngày 28/10 vừa qua, lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng đã hạ bút ký thông báo kết quả thẩm định thiết kế cao tốc bắc-nam (giai đoạn II), biết thông tin tất thảy anh em đều đứng bật dậy khỏi ghế, hò reo vui mừng. Trước đây, khi hoàn thành thẩm định hồ sơ dự toán cao tốc bắc-nam (giai đoạn I), đồng hồ chỉ gần 1 giờ sáng, 10 chị em nữ đã nắm tay nhau chụp chung một kiểu ảnh wefie (chụp ảnh nhóm) ngay tại phòng làm việc.

Cục trưởng Quản lý đầu tư xây dựng Bùi Quang Thái cho biết, đến thời điểm này, sau gần 2 tháng miệt mài ngày đêm, Cục đã phối hợp các đơn vị liên quan hoàn thành thẩm định hơn 476/721km của 12 dự án thành phần cao tốc bắc-nam (giai đoạn II). Công tác thẩm định dự toán vẫn đang được tiến hành khẩn trương, phấn đấu đến ngày 15/11 tới, sẽ hoàn thành thẩm định thiết kế và dự toán để các đơn vị tiếp tục triển khai các bước tiếp theo, phấn đấu khởi công toàn bộ 12 dự án thành phần cao tốc bắc-nam trước ngày 31/12 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và Bộ trưởng Giao thông vận tải.