“Tân tư lệnh” ngành Giao thông lần đầu thị sát công trường cao tốc bắc-nam

NDO - Ngày 17/11, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đã có chuyến thị sát công trường lần đầu tiên tại 3 dự án thành phần đường cao tốc bắc-nam, sau khi đảm nhận cương vị “Tư lệnh” ngành Giao thông vận tải.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng (ngoài cùng bên trái) trực tiếp thị sát dự án thành phần Mai Sơn-Quốc lộ 45.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng (ngoài cùng bên trái) trực tiếp thị sát dự án thành phần Mai Sơn-Quốc lộ 45.

Chuyến thị sát công trường này được thực hiện chỉ 1 ngày sau cuộc họp lần thứ 3 của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải, do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì (chiều 16/11), dành nhiều thời gian chỉ đạo các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ và bảo đảm yêu cầu chất lượng các dự án thành phần cao tốc bắc-nam.

Chuẩn bị tâm thế thi công “xuyên Tết”

Báo cáo Bộ trưởng tại hiện trường dự án đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu, Cục trưởng Quản lý đầu tư xây dựng Bùi Quang Thái cho biết, hạng mục quyết định đến tiến độ dự án là công tác xử lý 10km nền đất yếu (Gói XL03 có 2,5 km, gói XL04 có 7,5km) với thời gian gia tải 7 tháng. "Đối với công tác này, nhà thầu cần đẩy nhanh gia tải giai đoạn 2 để dự phòng tình trạng lún dài hơn thiết kế, kịp thời có phương án xử lý để bảo đảm tiến độ dự án theo đúng yêu cầu", ông Thái đề nghị.

Theo báo cáo của Ban QLDA 6, giá trị sản lượng thực hiện từ khởi công đến nay đạt hơn 2.395,5/4.395,9 tỷ đồng đạt 54,5% giá trị các hợp đồng, đang vượt tiến độ yêu cầu 1,64%. Tại gói thầu XL02, ông Nguyễn Hữu Ngọc, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn (thuộc liên danh thi công gói thầu XL02) cho biết, khó khăn lớn nhất của nhà thầu hiện tại là việc điều phối vật liệu thi công nền đường.

Theo phương án được duyệt, vật liệu thi công được điều phối từ công trình hầm Trường Vinh lên khoảng 200.000m3, song do khó khăn trong cung đường vận chuyển, huy động khối lượng vật liệu thực tế chỉ đạt khoảng 100.000m3, làm chậm tiến độ khoảng 6% so kế hoạch. Giải quyết vướng mắc này, nhà thầu kiến nghị Ban Quản lý dự án 6 chấp thuận được mua ngoài khối lượng thiếu hụt.

“Tân tư lệnh” ngành Giao thông lần đầu thị sát công trường cao tốc bắc-nam ảnh 1

Các nhà thầu thi công dự án Nghi Sơn-Quốc lộ 45.

Đảm nhận thi công 5km đường và 3 cầu tại gói thầu XL4, ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn CIENCO4 cho hay, trong năm 2022, các hạng mục cầu sẽ cơ bản hoàn thiện, dự kiến sẽ vượt tiến độ. Riêng phần đường, dự kiến thi công nền sẽ hoàn thiện trong tháng 12 tới, từ đầu năm 2023, CIENCO4 sẽ triển khai thi công móng mặt. Với khoảng 2,5km nền đất yếu, nếu tình trạng lún đúng theo thiết kế, việc dỡ tải sẽ tiến hành đầu tháng 5/2023, CIECO4 tiếp tục dồn lực thi công để đưa hạng mục đường cán đích trước 1 tháng.

Đánh giá cao sự nỗ lực của các nhà thầu dự án thành phần Nghi Sơn - Diễn Châu thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu Ban Quản lý dự án 6 và các nhà thầu tuyệt đối không để ảnh hưởng tiến độ vì vật liệu. Căn cứ theo hợp đồng đã ký, nhà thầu lấy được nguồn vật liệu nào để tăng tốc thi công gói thầu phải để nhà thầu chủ động.

Căn cứ tình hình thực tế thi công, người đứng đầu ngành Giao thông vận tải cũng yêu cầu các nhà thầu dứt khoát phải đưa các gói thầu về đích vượt tiến độ. "Các gói thầu gặp điều kiện khó khăn nhất, phải xử lý nền đất yếu còn đặt mục tiêu cán đích trước 1 tháng thì các gói thầu khác không có lý do gì không nỗ lực rút ngắn thời gian thực hiện, tối thiểu 1 tháng, đồng thời bảo đảm tiến độ phải đi đôi chất lượng.

Tại dự án thành phần Quốc lộ 45-Nghi Sơn, Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 Lê Thắng báo cáo, dự án có chiều dài hơn 43km, qua địa phận tỉnh Thanh Hóa, tổng mức đầu tư hơn 5.534 tỷ đồng. Giá trị sản lượng thực hiện từ khi khởi công đến hết ngày 16/11 đạt hơn 1.800 tỷ đồng, tương đương 58% giá trị các hợp đồng, nhanh 0,02% so tiến độ dự án.

“Vật liệu đất đắp nhu cầu cần cho dự án khoảng 5,546 triệu m3, hiện nay nhu cầu còn khoảng 1,4 triệu m3; nhu cầu trữ lượng đổ thải của dự án khoảng 1,65 triệu m3. Thời điểm hiện tại, tỉnh Thanh Hóa đã thống nhất các địa điểm bãi đổ thải, cơ bản đáp ứng nhu cầu, tuy nhiên thực tế một số vị trí đổ thải gặp nhiều khó khăn, thời gian tới Ban Quản lý dự án 2 sẽ tiếp tục báo cáo tỉnh Thanh Hóa xin cấp phép các vị trí đổ thải mới”, ông Lê Thắng cho hay.

“Tân tư lệnh” ngành Giao thông lần đầu thị sát công trường cao tốc bắc-nam ảnh 2

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng (ngoài cùng bên trái) trực tiếp thị sát dự án thành phần Mai Sơn-Quốc lộ 45.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Định An Cao Đăng Hoạt cho biết, để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà thầu thi công, tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ đại diện chủ đầu tư và nhà thầu, giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai dự án, như giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu,... nhằm đáp ứng tiến độ hoàn thành dự án. “Trong vòng 3 tháng qua, tỉnh Thanh Hóa đã quan tâm ủng hộ, chỉ đạo các đơn vị chức năng cấp mỏ vật liệu cho nhà thầu. Do chủ động nguồn vật liệu và chất lượng vật liệu đất đắp tốt, nhà thầu đã vượt tiến độ thi công gói thầu được đảm trách”, ông Cao Đăng Hoạt đánh giá.

Bộ trưởng Giao thông vận tải bày tỏ hài lòng với tiến độ các gói thầu thuộc hai dự án nhưng vẫn đặc biệt lưu ý Ban Quản lý dự án và nhà thầu không được chủ quan, cần dốc sức thi công, làm nhanh nhất có thể trong điều kiện thời tiết thuận lợi. “Hiện nay, đã qua thời điểm chuẩn bị với nhiều khó khăn ban đầu, chỉ cần tập trung thi công. Tôi yêu cầu các Ban Quản lý dự án và nhà thầu quán triệt rõ tinh thần của Bộ Giao thông vận tải là làm hết tốc lực, chạy nước rút trong những bước cuối cùng, chuẩn bị tâm thế thi công xuyên Tết, công trường không nghỉ để vượt tiến độ và đạt chất lượng đúng theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.

Yêu cầu “gạt” nhà thầu Hoàng Long khỏi dự án

Tại dự án thành phần cao tốc bắc-nam đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45, ông Lương Văn Long, Giám đốc điều hành dự án (thuộc Ban Quản lý dự án Thăng Long) cho biết, trên toàn bộ 5 gói thầu của dự án đang triển khai 79 mũi thi công, gồm 52 mũi thi công đường và cấu kiện, 24 mũi thi công cầu, 3 mũi thi công hầm. Tổng sản lượng thi công đến hết ngày 15/11đạt hơn 5.355 tỷ đồng, tương đương 73,7% giá trị xây lắp theo hợp đồng. Nếu tính theo kế hoạch thông xe vào ngày 31/12 tới (hoàn thành tuyến chính đến nút giao Đông Xuân dài hơn 53km) thì sản lượng đến nay đạt tương đương 77,5%.

“Từ cuối năm 2021 trở lại đây, thời tiết mưa nhiều, kéo dài (đầu năm 2022 đến nay, địa bàn dự án có 130 ngày mưa), đã ảnh hưởng phần nào tới tiến độ thi công của dự án, đặc biệt khi dự án có công địa đất yếu lớn, phải xử lý nền đường nhiều giai đoạn”, ông Lương Văn Long nêu một số khó khăn.

“Tân tư lệnh” ngành Giao thông lần đầu thị sát công trường cao tốc bắc-nam ảnh 3

Các nhà thầu thi công dự án Nghi Sơn-Quốc lộ 45.

Theo báo cáo nhanh của Cục Quản lý đầu tư xây dựng, thời điểm hiện tại, công tác huy động máy móc, thiết bị, nhân lực của Tổng công ty Đầu tư xây dựng Hoàng Long chưa đáp ứng yêu cầu (chưa huy động đủ mũi thi công, chưa huy động đủ thiết bị đặc biệt là máy lu rung và máy đào công suất lớn).

Để đẩy nhanh tiến độ thi công, Cục Quản lý đầu tư xây dựng đề nghị Ban Quản lý dự án Thăng Long chỉ đạo nhà thầu đối với đoạn tuyến xử lý đất yếu đoạn Km306+837 - Km307+280 phải bổ sung ngay dây chuyền thi công đắp nền đường, triển khai thi công cuốn chiếu các đoạn tuyến đã đắp xong cát thoát nước. Đồng thời, tiếp tục tập kết vật liệu thi công, máy móc, thiết bị, thi công 3 ca để đẩy nhanh tiến độ thi công khối lượng nền đường và móng, mặt đường còn lại của khu vực nút giao Hà Lĩnh, bảo đảm hoàn thành hạng mục móng đường trong tháng 11/2022, mặt đường trước ngày 15/12/2022.

"Đối với đoạn tuyến nền đường đào qua đồi Hà Lĩnh, nhà thầu phải bổ sung máy móc, thiết bị (máy đào công suất lớn, máy lu, ủi,…), tăng cường vận chuyển đổ thải vật liệu đào nền. Ngoài ra, nhà thầu cần khẩn trương triển khai thi công ngay đoạn xử lý nền đất yếu sau mố M2 cầu Hà Lĩnh 2", đại diện lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư xây dựng yêu cầu.

Báo cáo Bộ trưởng, đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả cho biết, căn cứ thực tế thi công của nhà thầu Hoàng Long, liên danh nhà thầu đã họp bàn và đưa ra giải pháp Đèo Cả sẽ vào cuộc để hỗ trợ.

Bày tỏ sốt ruột trước tiến độ thi công phần đường của gói thầu 12-XL, đặc biệt là phạm vi thi công của Tổng công ty đầu tư xây dựng Hoàng Long (Km304+630 - Km307+600), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng gay gắt: "Ban Quản lý dự án Thăng Long phải xem xét công tác tổ chức thi công của nhà thầu Hoàng Long. Nếu nhà thầu này không đáp ứng được yêu cầu về tiến độ, phải kiên quyết “gạt” ra một bên. Tôi yêu cầu Ban Quản lý dự án Thăng Long điều chuyển khối lượng còn lại bàn giao lại cho nhà thầu Đèo Cả trong liên danh đảm nhận, để tăng tốc thi công. Bất kể nhà thầu nào không hoàn thành hợp đồng tại dự án cao tốc bắc-nam giai đoạn 1 đều bị xử lý vi phạm hợp đồng và không được xem xét tham gia ở dự án cao tốc bắc-nam giai đoạn II tới đây, điển hình là nhà thầu Hoàng Long này”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng kiên quyết.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng yêu cầu bằng mọi giá các nhà thầu phải tập trung phương tiện, thiết bị thi công đặc chủng và huy động tối đa nhân lực thi công 3 ca, phải cam kết phấn đấu hoàn thành đưa vào khai thác dự án vào cuối năm nay.