Như nhiều phụ nữ khác trên địa bàn, chị Hà Thị Nở (dân tộc Tày), ở thôn Bản Dạ, xã Sơn Phú, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang thu xếp công việc gia đình, nương rẫy để kịp dự buổi truyền thông về dinh dưỡng, làm mẹ an toàn; khám sàng lọc phát hiện sớm ung thư cổ tử cung cho phụ nữ trên địa bàn do Trạm Y tế xã Sơn Phú phối hợp Trung tâm Y tế huyện, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tuyên Quang tổ chức. Chị Hà Thị Nở chia sẻ, vợ chồng chị sinh được hai con, cháu thứ nhất 14 tuổi, cháu thứ hai mới được 17 tháng tuổi.
Trước kia, nuôi đứa thứ nhất, do hạn chế về kiến thức nên cai sữa sớm; chưa biết kết hợp những loại thực phẩm giàu dinh dưỡng trong các bữa ăn… cho nên cháu bị suy dinh dưỡng khá nặng. Đến khi mang thai đứa thứ hai, được cán bộ y tế tuyên truyền về tầm quan trọng của việc chăm sóc dinh dưỡng khi có thai, kiến thức chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ... do vậy, bên cạnh việc khám thai định kỳ, chị đã ăn thêm nhiều loại thức ăn bổ dưỡng để bảo đảm sức khỏe cho mẹ, phát triển của thai nhi và tạo sữa nuôi con sau này.
Ngoài việc tiếp tục cho con bú, vợ chồng tôi thường xuyên bổ sung các nhóm thực phẩm trong bữa ăn hằng ngày cho con như: Thịt, cá, tôm, trứng, đậu đỗ và hoa quả để bổ sung vi chất dinh dưỡng cho con mau lớn và khỏe mạnh; Hằng tháng đưa con đi tiêm chủng đầy đủ, uống bổ sung vitamin A và thường xuyên cân, đo chiều cao cho con.
Y sĩ Quan Trung Sỹ, Trưởng trạm Y tế xã Sơn Phú cho biết, là xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa của huyện Na Hang, Sơn Phú hiện có hơn 3.225 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc Tày, Kinh, Dao, H’Mông. Do bận làm nương, rẫy cho nên việc chăm sóc sức khỏe của bản thân và gia đình chưa được coi trọng, phụ nữ trong thời gian mang thai thường không đến trạm khám thai đủ số lần theo quy định; nhiều bà mẹ thiếu kiến thức về chăm sóc trẻ sơ sinh, trẻ em dẫn đến trẻ bị suy dinh dưỡng và hay đau ốm.
Trước thực trạng nêu trên, được sự hỗ trợ chuyên môn từ tuyến trên, cán bộ trạm y tế, nhân viên y tế thôn bản đã tổ chức các buổi tuyên truyền, tư vấn cho các bà mẹ về tầm quan trọng của sữa mẹ, nuôi con bằng sữa mẹ đúng cách và cách chế biến những bữa ăn đủ chất dinh dưỡng thông qua các mô hình phục hồi dinh dưỡng được triển khai tại các thôn, bản và các buổi tiêm chủng tại trạm.
Hằng tháng nhân viên y tế thôn, bản đến các hộ gia đình tuyên truyền, vận động chị em thực hiện các phương pháp chăm sóc sức khỏe sinh sản; vận động phụ nữ mang thai tới khám thai định kỳ; tư vấn về ăn uống đủ chất cho trẻ em và phụ nữ có thai bằng các sản phẩm sẵn có tại gia đình… Kết quả từ những nỗ lực đó là tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng về cân nặng của trẻ em trong xã giảm còn 15,2%; tỷ lệ suy dinh dưỡng chiều cao là 23,92%; tỷ lệ phụ nữ đẻ được khám thai trong ba thời kỳ của thai đạt 95%; tỷ lệ phụ nữ có thai được tiêm phòng uốn ván đạt 91%...
Bác sĩ Đỗ Thị Lệ Quyên, Phó Trưởng khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tuyên Quang) cho biết: Thực hiện Dự án Chăm sóc sức khoẻ nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong 6 tháng đầu năm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động cụ thể và đem lại kết quả tích cực.
Trung tâm đã triển khai tập huấn cho 180 cán bộ dinh dưỡng tuyến cơ sở; tập huấn nâng cao năng lực cho 491 cán bộ y tế thôn, bản các xã vùng III về khám sức khỏe định kỳ cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi; tổ chức 2.112 buổi truyền thông giáo dục, tư vấn dinh dưỡng; gần 6.000 bà mẹ được tư vấn về dinh dưỡng; triển khai Tuần lễ làm mẹ an toàn tại 46 xã vùng III, đối tượng là các phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (ưu tiên thanh niên trong độ tuổi kết hôn, phụ nữ mang thai, phụ nữ nuôi con nhỏ)...
Ngoài ra, Khoa Sức khỏe sinh sản phối hợp Trung tâm Y tế huyện Na Hang tổ chức khám sàng lọc ung thư cổ tử cung cho hàng trăm phụ nữ trong độ tuổi từ 21 đến 60 trên địa bàn; giám sát, hỗ trợ về chuyên môn cho các trạm y tế tư vấn nuôi con bằng sữa mẹ, làm mẹ an toàn, thực hiện các biện pháp tránh thai; đào tạo chăm sóc trước, trong và sau sinh cho các cô đỡ, nhân viên y tế thôn bản tại 46 thôn, bản vùng sâu, vùng xa…
Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, tỷ lệ phụ nữ mang thai được khám ít nhất bốn lần trong ba thời kỳ của thai đạt tỷ lệ 75%; tỷ lệ phụ nữ sinh con tại cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của nhân viên y tế đạt 80%; tỷ lệ phụ nữ đẻ được chăm sóc sau sinh tại nhà ba lần trong 42 ngày sau đẻ đạt 75%; tỷ lệ phụ nữ đẻ được hỗ trợ xét nghiệm sàng lọc ba bệnh trong thời kỳ mang thai đạt 50% so với kế hoạch đề ra.
Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn còn 46 thôn đặc biệt khó khăn, giao thông đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa, lũ; điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, năng lực cán bộ y tế đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em còn nhiều hạn chế. Mặt khác do phong tục tập quán cho nên cán bộ y tế là người dân tộc khác rất khó tiếp cận đồng bào dân tộc người H’Mông khi sinh nở; kinh phí hỗ trợ cho cộng tác viên còn thấp cho nên họ thiếu sự nhiệt tình thực thi nhiệm vụ được giao.
Do vậy, tỉnh Tuyên Quang mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm hỗ trợ của Bộ Y tế và các tổ chức quốc tế để mở rộng, duy trì và phát triển mạng lưới cô đỡ thôn bản để làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em cho đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại những vùng đặc biệt khó khăn.
Từ ngày 1-7/10 tại 51 tỉnh thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Bộ Y tế triển khai Tuần lễ làm mẹ an toàn, có chủ đề “Làm mẹ an toàn-Sức khỏe cho mẹ, tương lai cho bé”. Mục tiêu của tuần lễ là mỗi trạm y tế xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sẽ tổ chức được ít nhất một hoạt động truyền thông về làm mẹ an toàn; cung cấp thông tin về làm mẹ an toàn cho 100% phụ nữ mang thai và phụ nữ sau sinh có mặt tại địa phương; ít nhất 30% số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ của xã; ít nhất 30% số gia đình, nhất là người chồng của phụ nữ mang thai và sau sinh đang làm ăn, sinh sống tại xã…
(Nguồn: Bộ Y tế)