Tuấn Tú là thôn đồng bào dân tộc Chăm với 539 hộ/2.445 người. Diện tích tự nhiên có 458ha, chiếm phần lớn là đất cát bạc màu và bạch sa động, đất canh tác nông nghiệp rất ít, chủ yếu là đất rẫy trồng rau màu các loại khoảng 150ha. Năm 2010, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận đưa cây măng tây xanh vào trồng thí điểm trên vùng đất cát tại thôn Tuấn Tú.
Là người tiên phong trong phát triển mô hình măng tây, ông Hùng Ky cho biết: Gia đình tôi trồng thử nghiệm 4 sào (4.000m2) măng tây. Sau 8 tháng, măng tây xanh bắt đầu cho thu hoạch đều đặn mỗi ngày khoảng 5 kg/sào. Từ năm thứ hai trở về sau, năng suất liên tục nâng cao, bình quân thu hoạch mỗi ngày từ 8-10 kg/sào, cho năng suất từ 12-14 tấn/năm. Sản phẩm được Công ty TNHH Linh Đan Ninh Thuận đến thu mua tận vườn với giá từ 55.000 đến 60.000 đồng/kg (loại 1) và từ 35.000 đến 40.000 đồng/kg (loại 2).
Thấy cây sinh trưởng tốt, thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương, ông Hùng Ky dần mở rộng diện tích lên 2.4ha và đầu tư hơn 100 triệu đồng lắp đặt hệ thống nước tưới nước phun mưa tiết kiệm, mỗi năm thu nhập hơn 400 triệu đồng.Cũng từ đó, nhiều nông dân ở xã An Hải mạnh dạn đầu tư bằng cách tự đào giếng trên vùng đất khác rồi lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm và nhân rộng diện tích cây “rau vua” dần thay thế nhiều loại cây trồng kém hiệu quả trước đây như: đậu phộng, hành tím, cải trắng.
Đến nay, bà con xác định cây măng tây là cây đặc thù và chủ lực nhất tại đây.Mỗi ha trồng măng tây xanh, đầu tư ban đầu khoảng 30-40 triệu đồng để mua hạt giống về ươm, khoảng hơn hai tháng sau đó, cây măng tây xanh con có chiều cao khoảng 30cm thì “bứng” đưa đi trồng với mật độ hàng cách hàng từ 1,3-1,5 m; cây cách cây 30cm. Cây măng tây xanh cho thu hoạch ba tháng mỗi vụ. Sau mỗi vụ cho cây nghỉ dưỡng một tháng và cứ thế thu hoạch liên tục trong thời gian gần mười năm. Nông dân thu lãi từ 400-500 triệu đồng/ha/năm, cao gấp ba, bốn lần so với cây rau màu khác trên cùng diện tích.
Những ngày đầu tháng 11/2023, chúng tôi về làng Chăm thôn Tuấn Tú, nay trở thành nơi trồng cây măng tây xanh lớn nhất tại Ninh Thuận và cảm nhận được sức sống của vùng nông thôn đang chuyển mình rất nhiều. Các công trình giao thông, cổng làng, chợ, nhà sinh hoạt cộng đồng... được xây dựng khang trang. Khắp đường làng ngõ xóm, đâu đâu cũng là một màu xanh tươi mát của cây măng tây xanh.
Dẫn chúng tôi tham quan 3 sào trồng măng tây xanh của gia đình, ông Từ Văn Hay phấn khởi nói: “Nhiều năm trước, bà con chỉ biết trồng rau màu, cây lạc chứ chưa biết cây măng tây xanh là gì. Thời điểm đó, giá bán rau màu bấp bênh nên đời sống người dân rất khó khăn. Khoảng năm 2012, cây măng tây bắt đầu bén rễ và nhân rộng đến hôm nay đã trở thành cây làm giàu cho người dân cả xã”.
Thành viên Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú tại điểm thu mua, phân loại chất lượng sản phẩm măng tây xanh của nông dân sau khi thu hoạch. |
Ông Hay cho biết thêm, ban đầu, ông đầu tư hơn 10 triệu đồng để trồng thử nghiệm 1 sào (1.000m2). Sau 8 tháng chăm sóc thì thu hoạch lần đầu từ 8-10kg/ngày. Thương lái đến tận vườn thu mua sản phẩm từ 60-70.000 đồng/kg, mỗi tháng thu nhập 15-20 triệu đồng. Nhờ đó đời sống gia đình ngày càng nâng cao.
Cây măng tây xanh là một loại rau cao cấp, có giá trị dinh dưỡng khá cao. Ngoài ra, măng tây xanh còn có tác dụng chống lão hóa, chống béo phì, làm giàu sữa mẹ và đặc biệt là giảm lượng cholesteron trong máu, giúp ổn định huyết áp. Vì những lợi ích đó, cây măng tây được giới ẩm thực ưa thích. Đặc biệt, cây măng tây xanh trồng trên đất cát mịn nên thấm hút nước nhanh, không bị ngập úng. Do đó, cây sinh trưởng rất tốt, khi thu hoạch, thân cây măng tây ở thôn Tuấn Tú mềm và ngọt hơn nhiều nơi khác và được thị trường rất ưa chuộng.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận Đặng Kim Cương nhận định, nhận thấy hiệu quả đem lại từ “rau vua” cùng với diện tích trồng ngày càng mở rộng, sản lượng ngày càng nhiều, bà con làng Chăm bắt đầu nghĩ đến việc cung ứng sản phẩm đến các tỉnh, thành phố khác để nâng cao giá trị sản phẩm và ổn định nguồn cung.
Năm 2016, Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú ra đời với 13 thành viên do ông Hùng Ky làm giám đốc. Năm đầu tiên, hợp tác xã vừa thu mua sản phẩm của xã viên, vừa liên kết với một số doanh nghiệp tại địa phương để tiêu thụ “rau vua” cho hợp tác xã với giá ổn định 50.000 đồng/kg.
Đến nay, thành viên hợp tác xã đã tăng lên 84 người, diện tích trồng cây măng tây xanh tăng hơn 55ha. Nếu trước đây, hầu hết thành viên hợp tác xã là hộ nghèo, khó khăn, đến nay các thành viên hợp tác xã không còn thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Hàng chục hộ nghèo đã vươn lên khấm khá, làm giàu. Hiện, thu nhập bình quân đầu người tại thôn Tuấn Tú khoảng 52 triệu/người/năm. Đến cuối năm 2022 vừa qua, toàn thôn chỉ còn 6 hộ nghèo (1,1%) và 9 hộ cận nghèo (chủ yếu là người già yếu neo đơn, thiếu sức lao động).
Phó giám đốc hợp tác xã Tuấn Tú Từ Văn Hay cho biết, hợp tác xã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Ninh Thuận thực hiện mô hình giảm nghèo bền vững bằng cây măng tây xanh, giúp 11 hộ nghèo và 13 hộ khó khăn vươn lên thoát nghèo. Điển hình như xã viên Thị Số (dân tộc Chăm) ở thôn Tuấn Tú. Chị Số bộc bạch: “Năm 2020, được hợp tác xã hỗ trợ giống và phân thuốc để trồng 1 sào măng tây xanh. Sau hơn 3 năm trồng, đến nay gia đình đã vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ khá giả tại địa phương. Hiện, đã nhân rộng diện tích trồng lên 2 sào (2.000m2), mỗi ngày cắt bán từ 10-12kg, thu nhập 450.000-500.000 đồng/ngày”.
Sản phẩm măng tây xanh loại 1 được đóng thành kiện để vận chuyển, cung ứng cho khách hàng các tỉnh, thành phố trên cả nước. |
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã An Hải Hồ Thanh Phong khẳng định: Cây măng tây đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ dân tộc Chăm vươn lên thoát nghèo. Xã An Hải đã hình thành vùng trồng rau an toàn với diện tích 300 ha. Trong đó phát triển được 100ha cây măng tây xanh với cánh đồng lớn trồng măng tây xanh rộng 30ha và 1 trang trại hữu cơ nông nghiệp công nghệ cao với diện tích 10ha đã đi vào sản xuất. Qua đó, đưa giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đạt 234 triệu đồng/ha/năm.