Đề xuất đưa tất cả chủ hộ kinh doanh vào diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc

NDO - Cho rằng tham gia bảo hiểm xã hội là giải pháp an sinh tốt, đặc biệt là với đối tượng có thu nhập thấp, bấp bênh, kinh doanh nhỏ lẻ, đại biểu Quốc hội đề nghị đưa chủ hộ kinh doanh, bao gồm cả nhóm có đăng ký kinh doanh và không đăng ký kinh doanh, vào đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (đoàn Hà Nội) phát biểu trong phiên thảo luận tại tổ về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) chiều 2/11. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (đoàn Hà Nội) phát biểu trong phiên thảo luận tại tổ về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) chiều 2/11. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Tiếp tục Kỳ họp thứ 6, chiều 2/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), với nhiều nội dung được đại biểu quan tâm cho ý kiến như: hưởng bảo hiểm xã hội một lần, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, chế độ hưu trí…

Nghiên cứu mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc phù hợp đối với chủ hộ kinh doanh

Về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện (Điều 3), đại biểu Trần Thị Nhị Hà (đoàn Hà Nội) cho biết, theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay số người tham gia bảo hiểm xã hội mới chỉ chiếm trên 38,7% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Điều này đồng nghĩa, còn khoảng trên 60% lực lượng lao động trong độ tuổi hiện nay vẫn chưa tham gia bảo hiểm xã hội, chủ yếu là nông dân và lao động trong khu vực phi chính thức, những người có thu nhập thấp - đối tượng rất cần sự hỗ trợ của chính sách bảo hiểm theo tinh thần của Nghị quyết 28 của Trung ương.

Trong dự thảo luật, chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh thuộc diện phải đăng ký kinh doanh là đối tượng mới quy định tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (khoản 1 Điều 3). Tại Việt Nam hiện có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh và có 2 triệu hộ kinh doanh thuộc diện phải đăng ký kinh doanh.

Như vậy còn khoảng 3 triệu hộ kinh doanh không phải đăng ký kinh doanh, không tham gia bảo hiểm xã hội, tương đương ít nhất 3 triệu người ở độ tuổi lao động không tham gia bảo hiểm xã hội.

Đề xuất đưa tất cả chủ hộ kinh doanh vào diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc ảnh 1

Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 1. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà cho rằng, tham gia bảo hiểm xã hội là giải pháp an sinh tốt, đặc biệt là đối tượng có thu nhập thấp, bấp bênh, kinh doanh nhỏ lẻ. Do đó, đề nghị đưa toàn bộ chủ hộ kinh doanh, bao gồm cả phải đăng ký kinh doanh và không đăng ký kinh doanh, vào đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Tuy nhiên, cần nghiên cứu mức đóng bảo hiểm xã hội đối với nhóm đối tượng này cho phù hợp.

Về căn cơ lâu dài, để tăng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, đại biểu Trần Thị Nhị Hà kiến nghị cần thay đổi cơ chế chính sách về bảo hiểm xã hội, đặc biệt là cơ chế về mức đóng bảo hiểm và mức hưởng trợ cấp.

Theo đại biểu, mức đóng bảo hiểm xã hội tại Việt Nam hiện nay không phản ánh đúng khả năng kinh tế của mỗi người, đồng thời mức hưởng trợ cấp của người tham gia bảo hiểm cũng không đáp ứng đủ nhu cầu sống hằng ngày, đặc biệt là chế độ hưu trí. Điều này khiến việc tham gia bảo hiểm xã hội chưa thực sự hấp dẫn.

Có chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Phương Thủy (đoàn Hà Nội) cho rằng chủ hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh hay không đăng ký kinh doanh bản chất là như nhau, nên quy định là chủ hộ kinh doanh nói chung đều thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, được hưởng cùng chế độ giống nhau.

Xử lý mạnh hành vi chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

Một nội dung khác được nhiều đại biểu quan tâm trong phiên thảo luận tại tổ là chế tài xử lý các hành vi chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn), ngay tại Kỳ họp thứ 6, Chính phủ đã có Báo cáo số 406 gửi tới Quốc hội về tình trạng trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội. Cụ thể, số tiền trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội (trong 5 năm trở lại đây) khoảng 10 tỷ đồng/năm, đây là con số rất lớn. Việc trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động.

Đề xuất đưa tất cả chủ hộ kinh doanh vào diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc ảnh 2

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) phát biểu ý kiến.

“Nhiều người lao động chia sẻ rằng, con cái lớn rồi, nhưng vẫn chưa được hưởng chế độ thai sản, hay có người lao động mất rồi vẫn chưa được hưởng chế độ tử tuất vì liên quan đến việc trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp”, đại biểu nêu thực tế, đồng thời mong muốn dự thảo luật có các quy định tháo gỡ vấn đề này.

Tại khoản 5, Điều 37 dự thảo Luật quy định: người sử dụng lao động có dấu hiệu phạm tội trốn đóng bảo hiểm xã hội thì cơ quan bảo hiểm xã hội kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật. Theo đại biểu Thủy, không chỉ cơ quan bảo hiểm xã hội có thể kiến nghị khởi tố, bởi trong Bộ luật Tố tụng hình sự có quy định, các cơ quan tổ chức trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, nếu thấy có dấu hiệu tội phạm, thì thực hiện quyền kiến nghị khởi tố.

“Nếu dự thảo Luật chỉ giao cho cơ quan bảo hiểm xã hội là còn thiếu, trong khi thanh tra lao động cũng có quyền kiến nghị. Quy định như dự thảo Luật lại đang thu hẹp so với Bộ luật Tố tụng hình sự”, nữ đại biểu đoàn Bắc Kạn nói.

Có cùng mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Danh Tú (đoàn Kiên Giang) nêu rõ, tại khoản 2, Điều 37 dự thảo Luật quy định: “cơ quan có thẩm quyền quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 6 tháng trở lên, sau khi đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà vẫn không đóng hoặc đóng không đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc phải đóng”.

Đề xuất đưa tất cả chủ hộ kinh doanh vào diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc ảnh 3

Đại biểu Nguyễn Danh Tú (đoàn Kiên Giang) góp ý kiến vào dự thảo luật.

Theo đại biểu, đây là quy định có ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp và người lao động, nếu bị buộc ngừng sử dụng hóa đơn cũng có nghĩa doanh nghiệp phải dừng hoạt động, nên cơ quan soạn thảo cần quy định rất chặt chẽ tại khoản này, trong đó chú ý quy định rõ cơ quan có thẩm quyền thực hiện biện pháp này là cơ quan nào? Là cơ quan bảo hiểm xã hội hay cơ quan quản lý thuế thực hiện?

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Danh Tú bày lo ngại, khi Điều 37 dự thảo Luật còn quy định lẫn lộn giữa các chế tài xử lý hành vi chậm, trốn đóng bảo hiểm, thì nếu được thông qua, có hiệu lực thi hành có thể sẽ khiến cơ quan bảo hiểm xã hội khó bóc tách, phân biệt các hình thức xử lý vi phạm, các cơ quan chức năng cũng sẽ khó thực hiện.

Do đây là quy định ảnh hưởng lớn đến người sử dụng lao động và các cá nhân, tổ chức liên quan, nên đại biểu đề nghị, cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bóc tách, làm rõ các trường hợp xử lý hành vi chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội, qua đó bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cả người lao động và người chủ sử dụng lao động.

“Bóc tách hành vi, mức độ xử lý, trách nhiệm của từng chủ thể để từ đó triển khai thực hiện tốt, bảo đảm tuân thủ tốt việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động”, đại biểu Nguyễn Danh Tú nhấn mạnh.