Vì sao nhiều chủ hộ đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc chưa được hưởng hưu trí?

NDO - Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có 896 người lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc với chức danh là chủ hộ sản xuất kinh doanh cá thể từ năm 2004. Một số trường hợp đã đủ tuổi, đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội hưởng chế độ hưu trí và có đơn đề nghị nhưng chưa được giải quyết, có những trường hợp đã khởi kiện ra tòa.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ Bảo hiểm xã hội tỉnh Tuyên Quang tuyên truyền, hướng dẫn chính sách bảo hiểm xã hội.
Cán bộ Bảo hiểm xã hội tỉnh Tuyên Quang tuyên truyền, hướng dẫn chính sách bảo hiểm xã hội.

Bảo hiểm xã hội tỉnh Tuyên Quang là một trong 54 Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trong cả nước thực hiện việc thu bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với Chủ hộ sản xuất kinh doanh cá thể từ năm 2003 đến tháng 12/2019. Tính đến nay có 93 người đã đủ điều kiện về tuổi đời, trong đó có 25 người có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội từ 20 năm trở lên đủ điều kiện nghỉ hưởng chế độ hưu trí theo quy định.

Đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng chưa được tính thời gian để hưởng

Hiện nay, một số trường hợp đã có đơn đề nghị giải quyết chế độ. Tuy nhiên, do đối tượng chủ hộ sản xuất kinh doanh cá thể không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Nghị định số 01/2003/NĐ-CP ngày 9/1/2003 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ bảo hiểm xã hội ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26/1/1995 của Chính phủ và Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Do đó, chưa có cơ sở pháp luật để thực hiện giải quyết chế độ hưu trí, tử tuất, bảo hiểm xã hội một lần. Dẫn đến người dân có đơn kiến nghị vượt cấp.

Đặc biệt có ba người đã làm đơn khởi kiện Bảo hiểm xã hội tỉnh Tuyên Quang ra Tòa án nhân dân là: Bà Lê Thị Hà, sinh ngày 10/3/1965, tham gia bảo hiểm xã hội từ tháng 1/2004, tổng thời gian đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí, tử tuất là 20 năm, trong đó có 13 năm tham gia bảo hiểm xã hội với chức danh là chủ hộ sản xuất kinh doanh cá thể (từ tháng 1/2004 đến tháng 12/2016).

Bà Đỗ Thị Liên, sinh ngày 25/4/1965, tham gia bảo hiểm xã hội từ tháng 1/2006, tổng thời gian đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí, tử tuất là 20 năm, trong đó có 10 năm 6 tháng tham gia bảo hiểm xã hội với chức danh là chủ hộ sản xuất kinh doanh cá thể (từ tháng 1/2006 đến tháng 6/2016).

Ông Nguyễn Viết Lâm, sinh ngày 19/1/1960, tham gia bảo hiểm xã hội từ tháng 1/2005, tổng thời gian đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí, tử tuất là 20 năm, trong đó có 15 năm tham gia bảo hiểm xã hội với chức danh là chủ hộ sản xuất kinh doanh cá thể (từ tháng 1/2005 đến tháng 12/2019).

Sau khi hòa giải tại Tòa án nhân dân tỉnh, bà Lê Thị Hà và bà Đỗ Thị Liên đã có đơn xin rút đơn khởi kiện và Tòa án nhân dân tỉnh đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hành chính. Hiện nay, Tòa án nhân dân tỉnh đã thụ lý vụ án do ông Nguyễn Viết Lâm khởi kiện Bảo hiểm xã hội tỉnh Tuyên Quang.

Theo Bảo hiểm xã hội tỉnh Tuyên Quang, do chủ hộ sản xuất kinh doanh cá thể không thuộc đối tượng thu bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định dẫn đến vướng mắc trong giải quyết chế độ. Bảo hiểm xã hội tỉnh Tuyên Quang cũng đã có rất nhiều văn bản báo cáo Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cơ quan chức năng liên quan, tuy nhiên đến nay chưa có ý kiến giải quyết.

Chính sách bảo hiểm xã hội hiện chia hai loại hình bắt buộc và tự nguyện. Bảo hiểm xã hội bắt buộc dành cho khu vực có hợp đồng, giao kết mà người lao động lẫn chủ sử dụng phải tham gia. Lao động được hưởng các chế độ gồm hưu trí, tử tuất, thai sản, tai nạn ốm đau, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp thất nghiệp. Bảo hiểm xã hội tự nguyện dành cho lao động trong độ tuổi ở khu vực phi chính thức, không có quan hệ hay hợp đồng lao động. Lao động có thể lựa chọn mức đóng theo quy định, được nhà nước hỗ trợ một phần tiền đóng và chỉ được hưởng chế độ hưu trí, tử tuất.

Theo quy định, chủ hộ kinh doanh cá thể không thuộc diện đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Họ là cá nhân hoặc một người trong hộ gia đình được các thành viên ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh.

Để người đã tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc không bị thiệt thòi

Tháng 6/2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã có văn bản đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xem xét, tạo điều kiện cho phép và hướng dẫn thực hiện bảo lưu thời gian đã tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng chưa được tính thời gian để hưởng bắt buộc của các đối tượng này để làm căn cứ giải quyết chế độ hưu trí, tử tuất.

Tuy nhiên, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội khẳng định, giai đoạn từ 1995 đến nay, chủ hộ sản xuất kinh doanh cá thể không thuộc đối tượng tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng chưa được tính thời gian để hưởng bắt buộc nên đề nghị là không có cơ sở để xem xét, giải quyết.

Lý giải tình trạng này, trong thông cáo ngày 16/5, Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ ra ba nguyên nhân chính. Thứ nhất, theo tinh thần của Bộ luật Lao động năm 1994, nhà nước khuyến khích phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho mọi hoạt động tạo ra việc làm hoặc tự tạo việc làm. Việc các chủ hộ kinh doanh cá thể tự tạo việc làm "rất đáng được khích lệ và một trong những điều kiện đó là chủ hộ phải được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp với tư cách như một người lao động (được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc)". Thời gian này chưa có chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã khẳng định, giai đoạn từ 1995 đến nay, chủ hộ sản xuất kinh doanh cá thể không thuộc đối tượng tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng chưa được tính thời gian để hưởng bắt buộc nên đề nghị là không có cơ sở để xem xét, giải quyết.

Thứ hai, do nhu cầu của người lao động được tham gia đóng, hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Số đông chủ hộ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là người trực tiếp sản xuất kinh doanh, chủ hộ vừa là người sử dụng lao động vừa là người lao động, thông qua sản xuất kinh doanh mà có thu nhập, tiền lương. "Như vậy có thể coi là một dạng của hợp đồng lao động tự thỏa thuận, tự ký, nên chủ hộ tham gia đóng, hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế như người lao động", thông cáo nêu.

Thứ ba, theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam là các chủ hộ kinh doanh cá thể sẽ không đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội cho các thành viên trong hộ nếu bản thân không được tham gia.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, số đông chủ hộ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là người trực tiếp sản xuất kinh doanh, chủ hộ vừa là người sử dụng lao động vừa là người lao động. Từ đó, họ thông qua hoạt động sản xuất kinh doanh có được khoản thu nhập, tiền lương. Như vậy có thể coi là một dạng của hợp đồng tự thỏa thuận, tự ký, nên tham gia đóng, hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế như người lao động. Các chủ hộ kinh doanh cá thể sẽ không đăng ký tham gia cho cả hộ nếu bản thân không được tham gia bảo hiểm xã hội.

Trước thực trạng đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhận định, việc thoái thu bảo hiểm xã hội thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội đối với chủ hộ kinh doanh cá thể sẽ rất phức tạp, khó khăn trong thực hiện. Nguyên nhân do không có sự đồng thuận từ phía người lao động là chủ hộ. Như vậy, quyền lợi của người lao động sẽ bị ảnh hưởng vì đã tham gia bảo hiểm xã hội trong thời gian dài.

Mong rằng, vướng mắc sớm được tháo gỡ để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm xã hội và bảo đảm an sinh xã hội.