Cần tầm nhìn chiến lược cho Chương trình phát triển nhà ở tại Hà Nội

NDO -

Tại hội nghị phản biện xã hội đối với Dự thảo Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030 do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức ngày 14/6, các ý kiến đề nghị thành phố cần có tầm nhìn chiến lược, góp phần ổn định thị trường bất động sản, nâng cao điều kiện ở của người dân.

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Tại Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030 đang được UBND thành phố Hà Nội dự thảo, đưa ra lấy ý kiến xác định, nhu cầu tổng thể nhà ở giai đoạn 2021-2030 của thành phố là 89 triệu m2 sàn; trong đó, giai đoạn 2021-2025 là 44 triệu m2 sàn, giai đoạn 2026-2030 là 45 triệu m2 sàn.

Tổng nhu cầu diện tích sàn nhà ở xã hội của thành phố đến năm 2030 khoảng 6,8 triệu m2 sàn nhà ở; trong đó, đến năm 2025 là 1,25 triệu m2 sàn nhà ở.

Về nhà tái định cư, giai đoạn 2021-2025, tổng nhu cầu sử dụng của toàn thành phố khoảng 1,29 triệu m2 sàn nhà ở tái định cư với khoảng 16.186 căn hộ. Giai đoạn 2026-2030, tổng nhu cầu sử dụng khoảng 1,3 triệu m2 sàn nhà ở tái định cư, khoảng 16.200 căn hộ.

Đối với nhu cầu phát triển nhà ở thương mại, giai đoạn 2021-2025, Hà Nội cần khoảng 19,42 triệu m2 sàn nhà ở; giai đoạn 2026-2030 khoảng 15,19 triệu m2.  Nhu cầu phát triển nhà ở riêng lẻ thành phố dự tính khoảng 4,5 triệu m2 sàn nhà ở 1 năm cho cả khu vực đô thị và nông thôn.

Các ý kiến tại hội nghị phản biện nhận định, Chương trình phát triển nhà ở của thành phố là hết sức quan trọng, mang tính cấp thiết, liên quan trực tiếp tới đời sống của người dân, do vậy cần có tầm nhìn chiến lược, tư duy tổng hợp tốt. Dự thảo được xây dựng công phu, tuy nhiên thành phố cần đánh giá chính xác thực trạng các loại hình nhà ở; phân tích, đánh giá kết quả, nguyên nhân tồn tại trong việc phát triển nhà ở của thành phố hiện nay để đưa ra những dự báo phù hợp. Các ý kiến cũng lưu ý, Chương trình cần có sự kết nối với các địa phương lân cận, gắn kết với  quy hoạch cây xanh, cấp-thoát nước, bảo đảm cảnh quan kiến trúc, nâng cao chất lượng sống của người dân.

Ông Phạm Ngọc Thảo, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ-Pháp luật cho rằng, Dự thảo mới đề ra những định hướng, dự kiến, để có tính thuyết phục cần cụ thể hóa nhu cầu nhà ở của nhân dân Thủ đô ở các tầng lớp, để từ đó quy hoạch xây dựng theo từng vùng, từng khu vực, đặc biệt cần lưu ý nhà ở cho các đối tượng công nhân, sinh viên...

Tiếp thu các ý kiến đóng góp tại hội nghị phản biện, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương đề nghị Sở Xây dựng, các cơ quan chuyên môn của thành phố làm rõ, bổ sung các thông tin cần thiết trong quá trình xây dựng dự thảo, đồng thời rà soát tính toán các nhóm số liệu cụ thể như đối tượng thụ hưởng, đối tượng chính sách xã hội, người già, người có công, người khuyết tật để đề xuất phân khúc nhà ở cho các đối tượng hợp lý. Bên cạnh đó, Chương trình cần chú trọng tới kiến trúc đô thị để tạo quy chuẩn về không gian môi trường điều kiện sống, hạ tầng kỹ thuật và điểm nhấn đô thị, hướng tới mục tiêu bình ổn thị trường bất động sản, nâng cao điều kiện sống của người dân.