Cần đẩy mạnh công tác tư vấn tâm lý học đường

NDO - Việc triển khai mô hình phòng, chống bạo lực học đường phải là một tổng thể thống nhất. Trong đó, vai trò của các đội ngũ nhân viên chuyên trách trong trường học như nhân viên tham vấn học đường, công tác xã hội rất quan trọng trong việc tư vấn tâm lý, giúp trẻ vượt qua những áp lực tâm lý, stress, bạo lực học đường...
0:00 / 0:00
0:00
Tiến sĩ Hồ Quang Hòa (trái), Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam (giữa) chia sẻ về công tác tư vấn tham vấn tâm lý học đường.
Tiến sĩ Hồ Quang Hòa (trái), Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam (giữa) chia sẻ về công tác tư vấn tham vấn tâm lý học đường.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội - Phó chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam cho biết, để ứng phó với vấn nạn bạo lực học đường, tại Việt Nam đã có nhiều chính sách, chương trình được triển khai.

Trong đó, chủ trương thực hiện các phòng tham vấn tâm lý học đường là đúng đắn, nhưng việc thực hiện thiếu tâm huyết hoặc quy trình chưa đúng dẫn đến không hiệu quả ở một số nơi.

Một số trường tư thục có tiềm lực tài chính có thể nhập khẩu nguyên một chương trình quốc tế về phòng, chống bạo lực để áp dụng trong trường và hướng dẫn giáo viên. Nhưng phần lớn các chương trình được thi hành với mệnh lệnh hành chính khi giáo viên đã có quá nhiều gánh nặng và áp lực dẫn đến việc thực thi còn nhiều hạn chế.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam cho hay, thực tế chúng ta chưa có một đội ngũ nhân viên chuyên trách trong trường học như nhân viên tham vấn học đường, nhân viên công tác xã hội...

Việc triển khai các mô hình phòng, chống đòi hỏi người triển khai nắm được giá trị nghề nghiệp, các kiến thức tâm sinh lý lứa tuổi, có kỹ năng tham vấn, tư vấn. Tuy nhiên, hiện các giáo viên trong nhà trường đang kiêm nhiệm cả vai trò tư vấn tâm lý, trong khi họ không được đào tạo sâu để có kỹ năng làm việc, hỗ trợ trẻ em và thanh thiếu niên đủ để có thể tạo ra sự thay đổi.

Một số nơi đã triển khai tham vấn tâm lý học đường lại không giúp cho các em có được cảm giác an toàn, được chia sẻ.

Tỷ lệ các chuyên gia tâm lý trên 100 nghìn dân ở Việt Nam cũng chỉ chiếm 0,11 người trong khu trung bình thế giới là 1,4 và các nước châu Âu trong khối liên minh EU là 5,4. Chính vì vậy, bên cạnh các dịch vụ công hiện có, cần có thêm các dịch vụ tư nhân hỗ trợ công tác sàng lọc, đánh giá, sơ cứu can thiệp ban đầu cũng như quản lý các trường hợp tổn thương sức khỏe tâm thần cũng như các dịch vụ hỗ trợ xã hội và dịch vụ dự phòng nâng cao sức khỏe tâm thần.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam

Theo ông Nam, giải pháp triển khai mô hình phòng, chống bạo lực học đường phải là một tổng thể thống nhất. Mỗi trường phải có ngay một chương trình phòng chống bạo lực học đường được coi như hệ thống sàng lọc các học sinh có nguy cơ gây bạo lực để theo dõi và hỗ trợ chuyên biệt theo nhóm.

Để thực sự công việc tham vấn học đường đi vào hiệu quả, các trường nên có một nhân viên tham vấn học đường chuyên trách, mỗi trường hoặc vài trường trong một khu vực có một nhân viên công tác xã hội trường học. Điều này đòi hỏi phải có chính sách, quy định, bậc lương cho vị trí công việc, nghề nghiệp này chính thức tại trường học.

Ngày 7/5, tại lễ khai trương Trung tâm Tư vấn và phát triển giáo dục cơ sở 2 (trực thuộc Hội Khoa học Tâm lý-Giáo dục Việt Nam) tại Thanh Hóa, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam cho hay, năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định đẩy mạnh công tác xã hội, tư vấn tâm lý học đường cho học sinh, sinh viên là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành.

Cần đẩy mạnh công tác tư vấn tâm lý học đường ảnh 1

Bên cạnh các dịch vụ công hiện có, cần có thêm các dịch vụ tư nhân hỗ trợ xã hội và dịch vụ dự phòng nâng cao sức khỏe tâm thần.

Tổ chức Y tế thế giới WHO đã khẳng định sau khủng hoảng Covid-19 sẽ đến khủng hoảng về sức khỏe tâm thần đặc biệt là vấn đề tổn thương sức khỏe tâm thần cho những người trẻ. Việt Nam là một quốc gia sẽ có nhiều thách thức trong ứng phó với vấn đề này, vì Việt Nam chưa có một chiến lược riêng về sức khỏe tâm thần cho trẻ em và vị thành niên, chưa có một chương trình phòng chống tự tử riêng biệt theo các độ tuổi nguy cơ trong khi nhóm này tỷ lệ mắc lo âu, trầm cảm, ý tưởng tự sát tăng cao sau đại dịch.

“Tỷ lệ các chuyên gia tâm lý trên 100 nghìn dân ở Việt Nam cũng chỉ chiếm 0,11 người trong khu trung bình thế giới là 1,4 và các nước châu Âu trong khối liên minh EU là 5,4. Chính vì vậy, bên cạnh các dịch vụ công hiện có, cần có thêm các dịch vụ tư nhân hỗ trợ công tác sàng lọc, đánh giá, sơ cứu can thiệp ban đầu cũng như quản lý các trường hợp tổn thương sức khỏe tâm thần cũng như các dịch vụ hỗ trợ xã hội và dịch vụ dự phòng nâng cao sức khỏe tâm thần", ông Nam nói.

Theo Tiến sĩ Hồ Quang Hòa, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội - Giám đốc Trung tâm Tư vấn và phát triển giáo dục, Phó Tổng Biên tập tạp chí Thế giới trong ta, một trong những mục tiêu quan trọng của trung tâm giáo dục chính là tham vấn tâm lý trong việc giảm bạo lực học đường, tạo ra một môi trường học tập an toàn và lành mạnh cho học sinh, giáo viên và nhân viên trong trường học.

“Tham vấn tâm lý sẽ giúp học sinh, giáo viên và nhân viên trong trường học có thể nhận ra các hành vi bạo lực và học cách giải quyết mâu thuẫn một cách hiệu quả. Tham vấn tâm lý còn giúp họ hiểu rõ hơn về nguyên nhân của hành vi bạo lực và cách giải quyết vấn đề từ gốc rễ; giúp giáo viên có thể tạo ra một môi trường học tập tích cực và khuyến khích sự tương tác tốt giữa các học sinh, ngăn chặn các hành vi bạo lực trong lớp học.

Tham vấn tâm lý cũng sẽ giúp học sinh học cách giải quyết mâu thuẫn một cách khôn ngoan và tích cực. Các em sẽ được đào tạo các kỹ năng giải quyết xung đột, tăng cường sự kiên nhẫn và tự kiểm soát cảm xúc. Những kỹ năng này sẽ giúp học sinh tránh được các hành vi bạo lực và tạo ra một môi trường học tập tốt hơn”, ông Hòa cho hay.