Nạn bạo lực học đường tại “xứ kim chi”

Bạo lực học đường là một vấn đề nghiêm trọng ở nhiều nước, trong đó có Hàn Quốc. Giới chức nước này mới đây công bố áp dụng biện pháp kéo dài thời gian lưu trữ thông tin bắt nạt học sinh trong hồ sơ cá nhân, nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chống bắt nạt học đường và xử lý thủ phạm nghiêm khắc hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Tình trạng bạo lực học đường đang có chiều hướng phức tạp tại Hàn Quốc. Ảnh: THE KOREA TIMES
Tình trạng bạo lực học đường đang có chiều hướng phức tạp tại Hàn Quốc. Ảnh: THE KOREA TIMES

Kẽ hở trong quy định

Bạo lực học đường là chủ đề thường xuyên được quan tâm trong những năm trở lại đây ở Hàn Quốc. Vừa qua, Bộ Giáo dục nước này đã yêu cầu lưu trong hồ sơ của các học sinh có tiền sử bắt nạt hoặc liên quan bạo lực học đường cho đến khi nộp đơn tuyển sinh đại học. Quy định mới sẽ áp dụng bắt đầu từ năm 2024, đồng thời kéo dài thời gian lưu trữ hồ sơ bắt nạt hiện tại từ hai năm thành bốn năm sau khi tốt nghiệp.

Theo hãng tin Yonhap, việc lưu giữ hồ sơ kỷ luật là bắt buộc đối với các trường hợp bắt nạt nghiêm trọng nhằm xử lý thủ phạm nghiêm khắc hơn, cũng như răn đe các học sinh hiểu được rằng họ có thể gặp bất lợi khi tìm việc làm cũng như tuyển sinh đại học nếu có các hành động bắt nạt khi còn đi học. Hiện nay, học sinh bắt nạt ở Hàn Quốc chỉ bị lưu trong hồ sơ hai năm sau khi tốt nghiệp, tuy nhiên một số lỗi không quá nghiêm trọng có thể được xóa ngay khi ra trường.

Bạo lực học đường đã trở thành tâm điểm tranh luận và càng thu hút sự chú ý hơn, sau loạt phim dựa trên sự kiện có thật được chiếu trên nền tảng trực tuyến Netflix có tên là “The Glory”, trong đó lột tả mức độ nghiêm trọng, nguy hiểm của tình trạng bắt nạt học đường ở “xứ kim chi”. Các hành động bắt nạt thậm tệ được miêu tả trong phim dựa trên câu chuyện có thật ở một trường nữ sinh trung học tỉnh Bắc Chungcheong vào năm 2006. Nhà trường chỉ lập danh sách theo dõi những học sinh bắt nạt và phản ứng quá hời hợt, không có hành động nào khác bảo vệ nạn nhân.

Ngoài ra, công chúng cũng chỉ ra những kẽ hở của quy định chống bạo lực học đường sau vụ bê bối liên quan con trai của một cựu quan chức an ninh ở Hàn Quốc. Ông này đã bao che cho con trai mình không phải chịu trách nhiệm sau khi bắt nạt bạn cùng phòng trong ký túc xá vào năm 2017, bằng cách chuyển con tới một trường trung học khác và xóa sạch hồ sơ. Nhờ vậy kẻ bắt nạt vẫn thi được vào Trường đại học Quốc gia Seoul bất chấp sự lên án của gia đình nạn nhân. Đến đầu năm nay, do áp lực của dư luận khi lật lại vụ việc, ông này đã phải từ chức dù vừa mới được bổ nhiệm chức vụ cao hơn.

Nạn bạo lực học đường tại “xứ kim chi” ảnh 1

Biếm họa: GELENEAU

Các biện pháp chưa hiệu quả

Giới chức “xứ kim chi” đã phải gấp rút sửa đổi chính sách trong cuộc chiến khó khăn chống bạo lực học đường. Tuy nhiên, tờ Korea Herald trích một nghiên cứu cho thấy các biện pháp đối phó hiện tại chống bạo lực học đường ở Hàn Quốc hầu như không hiệu quả, trong đó kể ra một số chương trình phòng ngừa thực hiện trong các trường học từ cách đây bảy năm nhưng vẫn không khiến số lượng trường hợp bắt nạt suy giảm. Ngoài ra, việc bảo vệ nạn nhân cũng còn nhiều vướng mắc. Nạn nhân có thể yêu cầu tách khỏi thủ phạm, ngăn những kẻ bắt nạt cách xa một phạm vi nhất định nhưng rất khó để giải quyết được vấn đề tâm lý.

Từ năm 2004, giới chức Hàn Quốc đã ban hành một đạo luật đặc biệt về phòng, chống bạo lực học đường, yêu cầu thành lập ủy ban riêng tại các trường phổ thông trên cả nước để giám sát nạn bắt nạt. Ủy ban này chịu trách nhiệm đánh giá mức độ nghiêm trọng của từng trường hợp và đưa ra hình phạt cho thủ phạm. Họ cũng có trách nhiệm tổ chức trung tâm hỗ trợ giúp nhà trường ngăn chặn bạo lực học đường xảy ra thông qua các lớp học nghệ thuật và giáo dục thể chất, nhờ đó thúc đẩy sự phát triển xã hội và cảm xúc lành mạnh cho học sinh.

Song, nghiên cứu lấy ý kiến của các nạn nhân lại cho rằng ủy ban phòng, chống bạo lực học đường là “không thể tin tưởng được”. Vì vậy, dù đã có quy định quản lý hành vi bạo lực nhưng nhiều trường hợp vẫn xảy ra hoặc không thể ngăn chặn hậu quả đáng tiếc. Đã có nhiều trường hợp đau lòng xảy ra khi nạn nhân tự tử vì không chịu nổi vết thương tâm lý trong khi những kẻ bắt nạt lại không nhận hình phạt tương xứng hay dễ dàng trốn tội vì chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Một trong những vấn đề lớn nhất khiến các ủy ban phòng, chống bạo lực học đường ở Hàn Quốc hoạt động kém hiệu quả là do hầu hết các thành viên của ủy ban này đều không có chuyên môn pháp lý. Gần một nửa số thành viên của ủy ban là phụ huynh học sinh. Các giáo viên và chuyên viên văn phòng giáo dục địa phương cũng có mặt trong ủy ban nhưng rất ít người có am hiểu về pháp lý hoặc là luật sư. Tờ The Korea Times dẫn lời Chủ tịch Hiệp hội giáo viên Seoul, ông Park Keun Byeong cho biết: “Nhiều thành viên là chuyên gia pháp luật thường xuyên vắng mặt trong các cuộc họp của ủy ban vì họ quá bận rộn với công việc hằng ngày. Hơn nữa, đây là một vị trí không được trả lương và cũng có rất ít thành viên trong khi ủy ban phải xử lý rất nhiều công việc”.

Theo nghiên cứu do Bộ Giáo dục Hàn Quốc công bố, ​​số vụ bắt nạt đã tăng gấp đôi chỉ trong 5 năm gần đây. Từ 31.000 vụ năm 2017 thì đến năm 2022, báo cáo đã ghi nhận tổng cộng 62.000 trường hợp bắt nạt học đường. Hiện nay ở Hàn Quốc, bạo lực học đường được phân loại theo thang chín bậc tùy theo mức độ nghiêm trọng. Hạng chín là hạng nghiêm trọng nhất và nếu học sinh vi phạm sẽ bị đuổi học hoặc chịu án kỷ luật nặng. Tuy nhiên, với mức phạt này đã có báo cáo ghi nhận những kẻ bắt nạt cố ý bỏ học để tránh bị trừng phạt và luật pháp cũng chưa có quy định đối với các trường hợp trốn tội như vậy.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, nhiều loại hình chương trình phòng, chống bạo lực học đường đã được triển khai tại một số trường học từ năm 2016 đến năm 2017, nhưng không đủ thu hút học sinh tham gia hoặc hiệu quả chung không đáng kể. Đặc biệt, một số chương trình chống bạo lực học đường, chẳng hạn như những chương trình yêu cầu học sinh thực hiện các phiên tòa giả định để giải quyết các trường hợp bắt nạt hoặc những chương trình yêu cầu học sinh tham gia các buổi tư vấn đồng đẳng, đã gây ra tác dụng phụ và thậm chí có thể góp phần làm gia tăng bạo lực học đường. Các nhà nghiên cứu cho rằng, những biện pháp như vậy có thể đã khiến thanh, thiếu niên chế giễu bạn bè và thường dẫn đến tác dụng ngược là nhiều em bị bắt nạt hơn.

Trong bối cảnh tranh cãi chung quanh chủ đề bạo lực học đường ngày càng gay gắt, Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã đệ trình lên Quốc hội kế hoạch mới với kỳ vọng tăng cường các biện pháp chống bắt nạt và xử lý nghiêm khắc hơn thủ phạm, cũng như bảo vệ nạn nhân một cách hiệu quả. Để giải quyết vấn nạn nhức nhối này, Seoul đã lên kế hoạch tăng cường nhiều biện pháp khác nhau để chống bắt nạt, bao gồm ưu tiên và giữ an toàn cho nạn nhân, tập trung vào vai trò của giáo viên trong việc ngăn chặn bạo lực học đường và thực hiện các chương trình giáo dục phòng, chống bạo lực. Tuy nhiên, tình trạng bỏ qua các vụ bạo lực học đường không hiếm gặp do việc cha mẹ bảo vệ con cái quá mức, khiến các học sinh phạm lỗi không phải chịu trách nhiệm cho những hành động quá khích hoặc bạo lực.