Tạo thuận lợi trong xây dựng nhà ở cho công nhân

Tốc độ phát triển các khu công nghiệp trong thời gian qua ở một số tỉnh khu vực nam đồng bằng sông Hồng khá nhanh. Nhưng hầu hết các khu công nghiệp chưa chủ động xây dựng các khu nhà ở cho công nhân. Sự thiếu đồng bộ này khiến hàng nghìn người lao động phải sống trong những khu nhà trọ không đủ điều kiện sinh hoạt và tiêu chuẩn an toàn.
0:00 / 0:00
0:00
Khu thiết chế công đoàn phục vụ công nhân ở Khu công nghiệp Đồng Văn II, tỉnh Hà Nam. (Ảnh ĐÀO PHƯƠNG)
Khu thiết chế công đoàn phục vụ công nhân ở Khu công nghiệp Đồng Văn II, tỉnh Hà Nam. (Ảnh ĐÀO PHƯƠNG)

Nguyên nhân tình trạng thiếu nhà ở xã hội cho công nhân các tỉnh khu vực nam đồng bằng sông Hồng gồm: Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, theo nhiều chuyên gia về xây dựng, trước hết là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, cho nên tiến độ triển khai, thực hiện các dự án nhà ở công nhân, nhà ở xã hội ở các địa phương bị chậm; một số dự án thì vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng, trình tự thủ tục giao đất. Hơn nữa, trước đây, khi các địa phương quy hoạch khu công nghiệp không tính đến quy hoạch sử dụng đất làm nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội, dẫn đến việc điều chỉnh quy hoạch về nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội mất nhiều thời gian.

“Lạc nghiệp” mà chưa an cư

Sau gần 10 năm từ Thanh Hóa chuyển về làm việc tại Công ty dây dẫn Sumi, thuộc Khu công nghiệp Đồng Văn, tỉnh Hà Nam, vợ chồng chị Trần Thị Hoa cùng con nhỏ vẫn phải ở trọ. Phòng trọ gia đình chị Hoa thuê chỉ rộng 15m2, với giá thuê khá đắt (1 triệu đồng/tháng, chưa kể chi phí điện, nước). Chị Hoa cho biết: Tổng thu nhập của vợ chồng chị khoảng 16 triệu đồng/tháng; trừ chi phí trang trải cuộc sống, phụ giúp bố mẹ già ở quê, gia đình chị Hoa còn tiết kiệm được vài triệu đồng, phòng lúc con ốm đau, cho nên không thể có tiền mua nhà ở.

Giống như vợ chồng chị Hoa, hàng nghìn gia đình công nhân khác là lao động ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hòa Bình, Hà Tĩnh, Lào Cai, Yên Bái đến Hà Nam làm công nhân trong các khu công nghiệp, đều mong muốn có một chỗ ở tốt để gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, không phải thuê trọ. Song ước mơ đó thật quá xa vời vì thu nhập của công nhân thấp, chi phí sinh hoạt đắt đỏ, dù đã cố gắng tiết kiệm mọi khoản, nhưng vẫn không đủ khả năng tài chính để mua nhà ở cho gia đình.

Tại một số tỉnh khác ở vùng nam đồng bằng sông Hồng cũng có tình trạng tương tự. Tỉnh Nam Định có 180 doanh nghiệp sử dụng 48.000 lao động. Trong đó có 5.000 lao động đến từ các tỉnh Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình. Nhưng mới chỉ có một số ít doanh nghiệp, khu công nghiệp xây dựng các công trình hạ tầng xã hội, trong đó có nhà ở công nhân và các thiết chế công đoàn. Còn hầu hết mới dừng lại ở việc khi lập dự án, đơn vị đã quan tâm dành quỹ đất xây dựng nhà ở, nhà trẻ, y tế, khu vui chơi; hoặc đã được tỉnh cấp phép cho các dự án xây dựng hạ tầng xã hội có thể đáp ứng được nhu cầu của người lao động.

Tại tỉnh Thái Bình, đến thời điểm này mới có dự kiến về chủ trương triển khai dự án thiết chế công đoàn có quy mô 3,2ha ở xã Song An, huyện Vũ Thư; quy hoạch một số khu đất có diện tích 5 ha xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân ở huyện Tiền Hải. Chưa có nhà ở xã hội cho công nhân, cho nên công nhân và người lao động có thu nhập thấp ở các tỉnh này phải thuê nhà trọ ở tạm bợ; giá thuê trọ bấp bênh, diện tích nhỏ hẹp, chật chội, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn về phòng cháy, chữa cháy, không bảo đảm an ninh trật tự, nguy cơ về dịch bệnh cao, khiến đời sống công nhân gặp nhiều khó khăn, dù “lạc nghiệp” mà chưa an cư.

Tín hiệu từ các dự án thiết chế công đoàn

Mới đây, dự án xây dựng thiết chế công đoàn tại Khu công nghiệp Đồng Văn II, ở thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam đã hoàn thành giai đoạn I, với năm khu nhà cao tầng có diện tích xây dựng 2.715m2, gồm nhiều căn hộ cho thuê. Nhà ở khu vực này sạch sẽ, không gian thoáng đãng, gần chợ, trường học, giá thuê phải chăng, cho nên nhiều công nhân đã lựa chọn thuê trọ, tỉnh Hà Nam đang khẩn trương chỉ đạo ngành chức năng của tỉnh hoàn thiện thủ tục thu hút các nhà đầu tư tham gia các dự án xây dựng thiết chế công đoàn giai đoạn II gồm: Nơi sinh hoạt cộng đồng, nơi hoạt động thể thao, văn hóa, văn nghệ, đáp ứng nhu cầu giải trí tinh thần cho người công nhân sau những ngày lao động mệt mỏi.

Tỉnh hiện có tám khu công nghiệp với số lượng công nhân khoảng 83.000 người. Trong đó, có 33.000 lao động từ các địa phương khác. Dự kiến, khi các khu công nghiệp được lấp đầy sẽ có khoảng 100.000 người lao động, kéo theo nhu cầu về nhà ở của công nhân trên địa bàn tỉnh rất lớn. Chương trình phát triển nhà ở của tỉnh Hà Nam định hướng đến năm 2030 đặc biệt quan tâm đến nhà ở cho các đối tượng xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân làm việc tại các khu công nghiệp.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Trịnh Văn Bừng cho biết: “Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Nam sẽ tham mưu cho tỉnh và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục đầu tư các nhà ở xã hội cho công nhân ở các khu công nghiệp tập trung đông công nhân và người lao động; tham mưu xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ cho công nhân. Đây là một trong những giải pháp tạo môi trường thuận lợi để thu hút, giữ người lao động đến làm việc, yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với các doanh nghiệp ở tỉnh Hà Nam”.

Nhưng không phải tỉnh nào trong khu vực này cũng làm được như Hà Nam, mặc dù nhu cầu về nhà ở của công nhân rất lớn. Tại tỉnh Ninh Bình hiện có hơn 200.000 công nhân lao động đang làm việc ở 32 khu, cụm công nghiệp. Hiện nay, Ninh Bình có ba dự án nhà ở xã hội đang được triển khai xây dựng, tuy nhiên, tiến độ thực hiện các dự án rất chậm, thậm chí một số dự án mới chỉ dừng lại ở khâu giải phóng mặt bằng như: Dự án xây dựng nhà ở và dịch vụ cho công nhân Khu công nghiệp Gián Khẩu, thuộc huyện Gia Viễn, có quy mô 40.000m2, với hơn 2.000 căn hộ nhà ở xã hội dạng chung cư và nhiều nhà ở xã hội liền kề. Dự án này được tỉnh triển khai từ năm 2017, đến nay mới chỉ dừng lại ở khâu giải phóng mặt bằng; một số dự án ở các địa phương khác trong vùng cũng chưa đáp ứng được yêu cầu cấp bách về nhà ở cho công nhân.

Phát triển nhà ở cho công nhân được Đảng, Nhà nước xác định là một trong những nội dung quan trọng của chính sách phát triển kinh tế-xã hội. Do vậy, các địa phương trong cả nước, trong đó có các tỉnh vùng nam đồng bằng sông Hồng cần quan tâm hơn nữa tới việc phát triển nhà ở công nhân, nhà ở xã hội; kết hợp ban hành chính sách khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển hạ tầng phù hợp quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương. Ngành chức năng các địa phương tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ những vướng mắc về trình tự thủ tục đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các dự án; vướng mắc về mua, bán, cho thuê. Đó mới là giải pháp tháo gỡ “nút thắt, điểm nghẽn” trong phát triển nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội.