Sớm có giải pháp đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho công nhân

Theo số liệu thống kê, hiện cả nước có 335 khu công nghiệp, thu hút hàng triệu lao động, trong đó, tỷ lệ lao động nhập cư chiếm hơn 50%, chủ yếu tập trung ở các địa phương như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Ðồng Nai, Bình Dương, lao động ngoại tỉnh chiếm tới 70%. Tuy nhiên, hầu hết các công nhân tại các khu công nghiệp đang gặp khó khăn về nhà ở, nhiều gia đình phải thuê nhà trong các khu nhà trọ không bảo đảm các điều kiện sinh hoạt.
0:00 / 0:00
0:00
Khu nhà ở công nhân tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch, tỉnh Ðồng Nai. (Ảnh Anh Tuấn)
Khu nhà ở công nhân tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch, tỉnh Ðồng Nai. (Ảnh Anh Tuấn)

Chị Lê Thị Hương, công nhân tại Khu công nghiệp Thăng Long (xã Kim Chung, huyện Ðông Anh, Hà Nội) cho biết, chị từ Tuyên Quang xuống làm việc tại khu công nghiệp đến nay đã hơn 10 năm, nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn cho nên vẫn đang phải thuê ở trọ tại thôn Bầu, xã Kim Chung. Mặc dù mỗi tháng phải bỏ ra gần hai triệu đồng để thuê nhà, nhưng bốn người trong gia đình vẫn phải sống trong nhà trọ chật chội, không bảo đảm điều kiện sinh hoạt. Với mức lương hiện tại của hai vợ chồng khoảng 15 triệu đồng/tháng, họ không biết bao giờ mới mua được nhà.

Theo chị Hương, mặc dù hiện nay có nhiều chương trình xây dựng nhà ở cho công nhân, cho người có thu nhập thấp, nhưng giá vẫn rất cao và việc có được một ngôi nhà để ổn định cuộc sống vẫn là điều mơ ước đối với những gia đình công nhân như chị.

Cùng chung hoàn cảnh khó khăn về nhà ở đối với người nhập cư như chị Hương, anh Trần Hoàng Nam, công nhân Khu công nghiệp Phú Thị, huyện Gia Lâm, Hà Nội cho biết, việc có được một căn nhà để ổn định cuộc sống đang là nỗi lo lớn nhất đối với gia đình anh.

Theo anh Nam, trong năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến thu nhập bị giảm sút, gia đình anh đã phải chuyển nhà trọ hai lần vì không đủ tiền thuê. Với mức thu nhập hằng tháng khoảng 12 triệu đồng như hiện nay, trong khi phải nuôi hai đứa con đang học tiểu học, thì việc duy trì ổn định cuộc sống là điều rất khó khăn. Cách đây hai năm, anh Nam đã tìm hiểu và đăng ký mua nhà ở xã hội theo diện trả góp nhưng đến nay vẫn chưa được xét duyệt. Anh Nam cũng cho biết, với mức thu nhập của gia đình, nếu được xét duyệt mua nhà ở xã hội, có lẽ gia đình anh cũng không có đủ điều kiện kinh tế để mua.

Theo các chuyên gia ngành xây dựng, để thực hiện mục tiêu bảo đảm về nhà ở cho công nhân, bên cạnh những chính sách ưu đãi về kinh tế đối với doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho công nhân, cần đơn giản hóa, rút ngắn các thủ tục hành chính trong việc lập, phê duyệt dự án nhà xã hội, nhà công nhân

Theo Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, hiện nay, thành phố có chín khu công nghiệp đang hoạt động, thu hút khoảng 160 nghìn lao động. Tuy nhiên, một bộ phận lớn công nhân, lao động nhập cư phải thuê nhà trọ dân sinh với điều kiện sinh hoạt không bảo đảm.

Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, hiện có khoảng 2,2 triệu công nhân, nhưng chỉ có thể giải quyết được 15% nhu cầu về chỗ ở cho người lao động, số còn lại phải thuê phòng trọ. Tương tự, tỉnh Ðồng Nai có gần 1,2 triệu lao động làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp, song phần lớn công nhân phải thuê nhà trọ để ở. Bình Dương có khoảng 1,6 triệu lao động, chủ yếu là người ngoại tỉnh. Mặc dù tỉnh có khoảng 200 doanh nghiệp tự xây dựng nhà ở cho người lao động, nhưng cũng chỉ đáp ứng nhu cầu cho gần 50 nghìn người, số còn lại phải thuê nhà.

Theo Bộ Xây dựng, việc xây dựng nhà ở xã hội đang có nhiều bất cập. Một số địa phương chưa quan tâm xây dựng, chưa xác định rõ quỹ đất phát triển nhà ở xã hội trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp. Quy định dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để xây nhà xã hội chưa được thực hiện nghiêm. Một số nơi khó thực hiện như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh do quỹ đất đô thị hạn hẹp hoặc những địa phương có vị trí, điều kiện khí hậu ven biển thuận lợi phát triển du lịch.

Do đó, nhiều nơi kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không bố trí 20% quỹ đất nhà thương mại để làm nhà xã hội vì không phù hợp quy hoạch. Ngoài ra, chính quyền một số địa phương đùn đẩy trách nhiệm. Các doanh nghiệp bất động sản lớn thời gian qua chỉ tập trung vào phát triển khu đô thị, nhà ở thương mại, khu nghỉ dưỡng cao cấp, chưa quan tâm đầu tư nhà ở xã hội. Hơn nữa, thủ tục đầu tư xây dựng còn phức tạp, kéo dài. Dự án nhà xã hội được miễn tiền sử dụng đất nhưng vẫn phải thực hiện thủ tục tính tiền sử dụng đất để miễn. Chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư chưa đủ hấp dẫn, không thực chất.

Với mục tiêu đến năm 2030 cả nước xây được 1,4 triệu căn nhà xã hội, Bộ Xây dựng đề xuất sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014 đồng bộ với Luật Ðất đai sửa đổi, Luật Ðấu thầu sửa đổi, Luật Thuế... Nội dung sửa đổi là cơ chế, chính sách cho người thu nhập thấp, trong đó quy định cụ thể nhóm được hưởng chính sách nhà ở xã hội; quy hoạch dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; lựa chọn chủ đầu tư; cơ chế ưu đãi của Nhà nước.

Theo các chuyên gia ngành xây dựng, để thực hiện mục tiêu bảo đảm về nhà ở cho công nhân, bên cạnh những chính sách ưu đãi về kinh tế đối với doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho công nhân, cần đơn giản hóa, rút ngắn các thủ tục hành chính trong việc lập, phê duyệt dự án nhà xã hội, nhà công nhân ■

Ưu đãi chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội

Ðược miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất được Nhà nước giao hoặc cho thuê để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; được miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế; trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê thì được giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp nhiều hơn so với trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê mua, bán; được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam; trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê thì được vay vốn với lãi suất thấp hơn và thời gian vay dài hơn so với trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê mua, bán; được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội; trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê thì được hỗ trợ toàn bộ kinh phí này; các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật.

(Ðiều 58, Luật Nhà ở năm 2014)