Cần các đột phá để kinh tế Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm 2023

Cần các đột phá để kinh tế Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm 2023

NDO - Trong bối cảnh khó khăn của kinh tế thế giới và các yếu tố rủi ro trong nước, Việt Nam được dự báo vẫn có khả năng đạt tăng trưởng kinh tế ở mức cao 6,5% như Chính phủ đặt ra, nếu tập trung thực hiện những đột phá về giải ngân đầu tư công, chuyển hướng chính sách tiền tệ sang hỗ trợ tăng trưởng và tận dụng các cơ hội hiện có.

Đây là khuyến nghị của các chuyên gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra trong buổi công bố báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO) tháng 4/2023, tổ chức ngày 4/4 tại Hà Nội. Theo đó, ADB dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ đạt mức 6,5% trong năm nay và tăng lên 6,8% trong năm 2024.

BỨC TRANH TĂNG TRƯỞNG ẤN TƯỢNG

Theo đánh giá của ADB, kinh tế Việt Nam đã phục hồi ấn tượng trong năm 2022, nhờ sự hỗ trợ của xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng mạnh và sự phục hồi của tiêu dùng trong nước.

Việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế liên quan đến đại dịch Covid-19 và kết quả bao phủ vaccine trên toàn quốc đã thúc đẩy tăng trưởng, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ.

Năm 2022, GDP thực tăng 8,0%, đạt tốc độ nhanh nhất trong 25 năm qua. Bình thường hóa di chuyển đã thúc đẩy du lịch nội địa, nâng mức tăng trưởng ngành dịch vụ từ 1,6% trong năm trước đó lên 10%, qua đó đóng góp 4,2 điểm phần trăm vào tăng trưởng.

Cần các đột phá để kinh tế Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm 2023 ảnh 1

Các lĩnh vực khác cũng tăng trưởng mạnh mẽ. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp và xây dựng được đẩy nhanh, từ 3,6% năm 2021 lên 7,8%, nhờ mức tăng 8,1% của ngành sản xuất, chế biến chế tạo và khai khoáng phục hồi từ mức -7,8% năm 2021 lên 5,2%.

Xây dựng cũng tăng mạnh, từ mức -0,3% năm trước đó lên 8,2%, sau khi các biện pháp hạn chế đi lại được dỡ bỏ. Nông nghiệp duy trì tăng trưởng mạnh ở mức 3,4%.

Về phía cầu, tiêu dùng và đầu tư tăng trưởng nhanh hơn. Cầu nội địa tăng cao do tiêu dùng cá nhân phục hồi, tăng từ 2,0% năm 2021 lên 7,8%. Doanh số bán lẻ hàng hóa tiêu dùng và dịch vụ năm 2022 tăng 19,8% so với năm trước.

Tăng trưởng tổng đầu tư đạt 5,8% so với mức 4,0% của 1 năm trước đó, nhờ giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng 13,5%, ước tính đạt 22,4 tỷ USD. Theo đánh giá của ADB, đây là mức giải ngân vốn FDI cao nhất từ trước đến nay tại Việt Nam, minh chứng cho niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào khả năng phục hồi kinh tế.

Cần các đột phá để kinh tế Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm 2023 ảnh 2

Khả năng tự cung cấp lương thực và kiểm soát hiệu quả giá các mặt hàng thiết yếu đã giúp kiểm soát lạm phát ở mức 3,2% vào năm 2022. Lạm phát gia tăng tiếp tục được kiểm soát bằng chính sách tiền tệ.

Theo đó, Việt Nam đã 2 lần tăng lãi suất cơ bản với tổng cộng 200 điểm cơ sở trong nửa cuối năm 2022, nới biên độ giao dịch tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam so với USD từ ±3% lên ±5%, với hiệu lực từ ngày 17/10/2022 và tín dụng tăng từ 13,6% năm 2021 lên ước tính 14,2%.

Báo cáo của ADB nhận định, chính sách tiền tệ linh hoạt kết hợp giữa thay đổi lãi suất điều hành, can thiệp ngoại hối và kiểm soát tăng trưởng tín dụng đã giảm bớt tác động từ các cú sốc bên ngoài, bao gồm cả sự tăng giá mạnh của đồng USD và lạm phát giá cả toàn cầu.

NHẬN DIỆN NHỮNG "CƠN GIÓ NGƯỢC"

Theo ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam, bức tranh tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2022 rất ấn tượng, khi là một trong số các nền kinh tế có mức tăng trưởng mạnh nhất khu vực châu Á.

Cần các đột phá để kinh tế Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm 2023 ảnh 3

Ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng ADB trao đổi với báo giới. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

"Nhìn chung, kinh tế Việt Nam năm 2022 rất khả quan, được hỗ trợ bởi ổn định kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ linh hoạt kết hợp giữa 3 yếu tố: Kiểm soát lãi suất, trần tín dụng và tỷ giá được thực hiện một cách linh hoạt để kiềm chế lạm phát, hạn chế sức ép lên tỷ giá", ông Nguyễn Minh Cường đánh giá.

Tuy nhiên, những “cơn gió ngược” gây cản trở tăng trưởng kinh tế đã xuất hiện từ quý IV/2022 ở tất cả các nền kinh tế châu Á, trong đó có Việt Nam. Theo đó, sản xuất công nghiệp đều sụt giảm ở một số nền kinh tế xuất khẩu hàng chế biến chế tạo do nhu cầu bên ngoài giảm.

Về yếu tố trong nước, chuyên gia Nguyễn Minh Cường chỉ rõ, sau 3 năm đương đầu với đại dịch Covid-19, các điểm yếu mang tính cơ cấu bắt đầu bộc lộ ở nhiều mặt, như thị trường lao động, thị trường vốn…, đặc biệt thị trường trái phiếu doanh nghiệp chịu sức ép mạnh, lãi suất liên ngân hàng tăng trên nhiều kỳ hạn đã trở thành thách thức rủi ro nội tại của Việt Nam.

Cần các đột phá để kinh tế Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm 2023 ảnh 4

Dù trong nước lạm phát đã được kiểm soát, sức ép dịu đi nhưng vẫn có xu hướng lạm phát tăng. Trong đó, sức ép cấu phần giao thông trong chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm đi, nhưng cấu phần nhà ở, thực phẩm có xu hướng tăng nhẹ.

Trong bối cảnh đó, ADB dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 sẽ đạt mức 6,5%, lạm phát ở mức 4,5%. Trong bối cảnh quý I/2023 cho thấy tăng trưởng 3 tháng đầu năm 2023 thấp nhất trong 12 năm, tăng trưởng công nghiệp âm, nông nghiệp cũng giảm, theo ông Nguyễn Minh Cường, để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% như Chính phủ đặt ra, thực sự cần các giải pháp đột phá.

Cần các đột phá để kinh tế Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm 2023 ảnh 5

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam cho rằng, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 sẽ bị hạn chế do suy thoái kinh tế thế giới, chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt ở các nước phát triển và tác động lan tỏa từ căng thẳng địa chính trị toàn cầu.

Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ tăng trưởng thông qua việc nới lỏng tiền tệ và khối lượng lớn đầu tư công kỳ vọng được giải ngân trong năm 2023, cùng với việc mở cửa trở lại của Trung Quốc sẽ giúp Việt Nam đương đầu với những bất lợi nêu trên.

TẬP TRUNG THỰC HIỆN CÁC ĐỘT PHÁ

Chung nhận định, Chuyên gia kinh tế trưởng ADB Nguyễn Minh Cường nêu rõ, nếu tập trung thực hiện 3 đột phá về giải ngân đầu tư công, chuyển hướng nhanh chóng sang hỗ trợ tăng trưởng và chính sách tiền tệ nới lỏng, cũng như tận dụng các cơ hội hiện có, trong đó có sự mở cửa trở lại của Trung Quốc, Việt Nam nhiều khả năng vẫn đạt mức tăng trưởng 6,5% như Chính phủ đặt ra.

Cần các đột phá để kinh tế Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm 2023 ảnh 6

Theo chuyên gia ADB, đầu tư công sẽ là động lực chính cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023. Dự kiến một lượng đáng kể vốn đầu tư công sẽ được giải ngân, khi Chính phủ cam kết giải ngân 30 tỷ USD trong năm nay, trong đó 90% đã được phân bổ cho các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố để giải ngân từ tháng 1/2023.

Phải nói đầu tư công năm nay đặc biệt khác vì khối lượng 30 tỷ USD là rất lớn nhưng sẽ tạo đột phá rất mạnh, nếu giải ngân hết sẽ đạt tăng trưởng 1% GDP, còn nếu không đạt được theo kế hoạch thì dự báo tăng trưởng 6,5% rất khó.

Ông Nguyễn Minh Cường

Bên cạnh đó, việc chuyển hướng chính sách tiền tệ của Việt Nam cũng được đánh giá là yếu tố quan trọng. Theo Chuyên gia kinh tế trưởng ADB, việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) hạ lãi suất 2 lần trong 1 tháng đã khiến Việt Nam trở thành nền kinh tế đầu tiên ở Đông Nam Á chuyển từ chính sách thắt chặt kiểm soát lạm phát sang hỗ trợ tăng trưởng bằng cách nới lỏng chính sách tiền tệ.

Cần các đột phá để kinh tế Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm 2023 ảnh 7

Trong bối cảnh tăng trưởng sụt giảm trước những rủi ro trong nước, đặc biệt thị trường vốn đang rơi vào trạng thái thiếu thanh khoản, đồng thời dư địa cũng đã xuất hiện khi lạm phát giảm nhiệt, dự trữ ngoại hối tức sức ép tỷ giá giảm đi, bước chuyển hướng trên được ADB đánh giá là đúng đắn và rất quan trọng, đóng vai trò đột phá để Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm nay.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Minh Cường, nếu dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 16/2021/TT-NHNN ngày 10/11/2021 của NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng mua, bán trái phiếu doanh nghiệp nếu được thông qua cũng sẽ là bước hỗ trợ rất mạnh cho tăng trưởng, khi kỳ vọng sẽ tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Cần các đột phá để kinh tế Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm 2023 ảnh 8

Các chuyên gia của ADB cũng nhận định, việc mở cửa của Trung Quốc sẽ là yếu tố hỗ trợ cho tăng trưởng của Việt Nam rất tốt. Điều này được thể hiện rõ nét trong lĩnh vực dịch vụ, khi ngành này dự kiến tăng 8,0% trong năm 2023, nhờ du lịch và các dịch vụ liên quan được phục hồi.

Đây là lĩnh vực duy nhất tăng trưởng dương trong quý I/2023 và vượt cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt dịch vụ du lịch tăng mạnh sẽ là đầu tàu kéo theo các cực tăng trưởng khác.

Theo Giám đốc ADB tại Việt Nam, việc cho phép nối lại các tour du lịch từ Trung Quốc đến Việt Nam từ ngày 15/3 đang đem đến nhiều cơ hội cho du lịch phát triển.

Cần các đột phá để kinh tế Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm 2023 ảnh 9
Giám đốc ADB tại Việt Nam ông Andrew Jeffries trao đổi với báo giới. (Ảnh: ADB)

Ông Andrew Jeffries nhận định, nền kinh tế số hai thế giới mở cửa đã kéo theo du lịch toàn cầu tăng trưởng 20%. Trung Quốc lại là thị trường du lịch lớn nhất của Việt Nam, do đó Việt Nam sẽ được hưởng lợi đáng kể từ sự thay đổi này.

Thêm vào đó, việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng sẽ mang lại lợi ích cho xuất, nhập khẩu và hoạt động thương mại của Việt Nam. Chuyên gia Nguyễn Minh Cường đánh giá, Trung Quốc có thể tạo ra nhu cầu đáng kể đối với hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam, vì quốc gia này tiếp nhận 45% lượng rau quả xuất khẩu từ Việt Nam.

Do đó, nếu tận dụng được cơ hội này sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng chung trong năm 2023, bởi chỉ riêng ngành nông nghiệp dự kiến sẽ tăng trưởng 3,2% trong năm nay.

back to top