Cơ cấu “dân số vàng” và những thách thức với Việt Nam

NDO - Cơ cấu dân số vàng mang lại rất nhiều dư lợi về lao động nhưng hiện nay Việt Nam vẫn chưa tận dụng được cơ cấu dân số vàng, chất lượng nguồn nhân lực cũng như năng suất lao động của Việt Nam còn hạn chế.
0:00 / 0:00
0:00
Công nhân một dây chuyền sản xuất của Công ty Lavi Food, Bến Lức, Long An. (Ảnh: THANH PHONG)
Công nhân một dây chuyền sản xuất của Công ty Lavi Food, Bến Lức, Long An. (Ảnh: THANH PHONG)

Theo Tiến sĩ Phạm Vũ Hoàng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế, Việt Nam đang có lợi thế cơ cấu dân số vàng. Cơ cấu dân số vàng chỉ xuất hiện một lần duy nhất trong lịch sử nhân khẩu học. Nhiều quốc gia đã tận dụng được cơ hội này để bứt phá, phát triển nhanh.

“Tất cả các nước công nghiệp mới NICs (con rồng châu Á) đều cất cánh bay lên nhờ đã tận dụng thành công giai đoạn cơ cấu dân số vàng. Chuyển đổi nhân khẩu học tác động đến phân bố tuổi dân số và tạo ra dân số vàng là một cơ chế tiềm tàng tác động đến thành công kinh tế. Tuy nhiên, cũng không ít quốc gia đã bỏ lỡ, chìm sâu trong bẫy thu nhập trung bình”, Tiến sĩ Hoàng cho hay.

Một dân số được coi đã bước vào giai đoạn "dân số vàng" khi dân số trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi) nhiều gấp 2 lần dân số phụ thuộc (dưới 15 tuổi và trên 65 tuổi) hoặc tỷ số phụ thuộc chung dưới 50%.

Theo các chuyên gia nhân khẩu học, cơ cấu dân số vàng mới chỉ thể hiện ở số lượng người trong độ tuổi lao động.

Bắt đầu từ năm 2007, với tỷ số phụ thuộc chung (nhóm dân số 0-14 tuổi và nhóm dân số trên 65 tuổi tính trên nhóm dân số 15-64) dưới 50%, Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng.

Theo dự báo, giai đoạn dân số vàng của nước ta sẽ kéo dài đến khoảng năm 2038 và đây là cơ hội có một không hai dành cho Việt Nam.

Ngay từ khi bắt đầu bước vào thời kỳ dân số vàng, Việt Nam có nhiều chính sách được ban hành và thực thi để tận dụng lợi thế của thời kỳ này như: các chính sách về phát triển nguồn nhân lực và gia tăng đóng góp của lao động trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Kết quả là tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn đạt trên 6%/năm trung bình trong giai đoạn 2011-2018.

Chúng ta đã trải qua 16 năm bước vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng và chỉ còn 15 năm nữa để tận dụng cơ hội này. Nhưng Việt Nam chưa thực sự khai thác hiệu quả lợi thế của cơ cấu dân số vàng, vẫn nằm trong nhóm nước có thu nhập trung bình thấp.

Lý giải nguyên nhân này, ông Hoàng cho rằng, chủ yếu do chất lượng nguồn nhân lực cũng như năng suất lao động của Việt Nam còn hạn chế, kém hơn nhiều lần khi so với năng suất lao động của Singapore, Malaysia và chỉ bằng 1/3 năng suất lao động của Thái Lan, Trung Quốc.

Chúng ta tận dụng được nguồn lao động dồi dào nhưng chủ yếu là khai thác lao động giá rẻ và lao động giản đơn, chất lượng công việc nằm trong chuỗi giá trị thấp. Hơn một nửa số việc làm chỉ đòi hỏi kỹ năng trung bình, 33,2% là việc làm kỹ năng thấp, chỉ có 11,2% việc làm kỹ năng cao (trong khi đó trung bình các nước phát triển trên thế giới là 20%).

Bên cạnh đó, đa số người lao động của Việt Nam đang tham gia vào các công việc phi chính thức có thu nhập thấp, ít có sự bảo vệ (54% lao động phi chính thức). Trình độ chuyên môn của lao động còn hạn chế, chỉ khoảng 1/4 người đang làm việc được đào tạo từ sơ cấp nghề trở lên.

Tiến sĩ Phạm Vũ Hoàng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội, Đại học Kinh tế Quốc dân cho hay, cơ cấu dân số vàng mang lại rất nhiều dư lợi về lao động.

“Cũng với khoảng 100 triệu dân nhưng với cơ cấu hiện nay, Việt Nam có khoảng 68 triệu người trong độ tuổi lao động nhưng nếu với cơ cấu dân số năm 1979 thì chúng ta chỉ có 52 triệu dân. Như vậy, riêng cơ cấu dân số theo tuổi thay đổi đã mang lại dư lợi 16 triệu lao động. Tuy nhiên, cơ cấu dân số vàng chỉ nói về số lượng lao động nhiều”, Giáo sư Cử cho hay.

Theo chuyên gia này, Việt Nam hiện chưa tận dụng hiệu quả thời cơ dân số vàng vì hiện nay, sức khỏe của người trong độ tuổi lao động chưa tốt; lao động còn tập trung nhiều trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp vốn có năng suất thấp; trình độ chuyên môn, kỹ thuật của lao động chưa cao (chưa đến 30% lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật từ sơ cấp trở lên).

Theo Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Dân số Phạm Vũ Hoàng, để cơ cấu dân số vàng thực sự tận dụng có hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội, Việt Nam cần phải nâng cao hơn nữa chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 hiện nay.

Việc đầu tư cho thế hệ trẻ về giáo dục, y tế, sức khỏe sinh sản có ý nghĩa quan trọng đối với năng suất lao động và sự phát triển của Việt Nam trong tương lai.