Đến nay, toàn bộ 615 tàu cá và phương tiện khai thác thủy sản của huyện đã vào nơi tránh trú an toàn. 100% lao động ngoài đê, tại các chòi, lều canh coi ao, đầm, bãi nuôi thủy sản đã di chuyển vào phía trong đê; 198 hộ dân gần đê đã được chính quyền các xã di chuyển vào nơi tránh trú an toàn.
Huyện Hải Hậu quyết tâm bảo đảm an toàn tuyệt đối về người, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Điểm du lịch Nhà thờ đổ thuộc địa phận xã Hải Lý, huyện Hải Hậu, Nam Định vắng bóng người do chính quyền đã yêu cầu người dân di dời trước đó. |
Tại huyện Giao Thủy (Nam Định), công tác phòng, chống bão số 3 được triển khai quyết liệt, đồng bộ, kịp thời, phù hợp với diễn biến thực tế và tập trung có trọng tâm, trọng điểm. Theo đó, các địa phương và lực lượng chức năng của huyện đã thực hiện sơ tán, di dân đối với các vùng xung yếu, nơi nguy hiểm trước khi bão đổ bộ vào.
Toàn bộ diện tích lúa, hoa màu, nuôi thủy sản đã được tiêu rút nước đệm giảm thiểu nguy cơ ngập úng. Sáng 7/9, UBND huyện đã thành lập đoàn công tác đi kiểm tra hiện trạng công trình đê điều, thủy lợi và các khu neo đậu tàu thuyền trên địa bàn huyện.
Qua kiểm tra, đến thời điểm 10 giờ sáng 7/9, trên địa bàn huyện chưa có thiệt hại về người và tài sản; toàn bộ các tuyến đê biển, đê sông được bảo đảm an toàn; các phương tiện tàu thuyền neo đậu ở nơi an toàn.
Gió to làm gãy cây xanh khu vực ven biển huyện Giao Thủy, Nam Định. |
Hiện UBND huyện Giao Thủy tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn thường xuyên cập nhật thông tin về cơn bão số 3, tổ chức trực ban 24/7 để có phương án ứng phó kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra và bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, lực lượng quân sự, công an tỉnh Nam Định đã chủ động làm tốt công tác chuẩn bị phòng, chống thiên tai, ứng phó thảm họa, sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nam Định đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị duy trì nghiêm chế độ trực chỉ huy, trực ban, trực thông tin, trực cứu hộ, cứu nạn; bố trí lực lượng thường trực duy trì trực 100% quân số.
Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã huy động lực lượng, phương tiện cơ động làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn với tổng số hơn 32 nghìn cán bộ, chiến sĩ, gồm lực lượng thường trực, dự bị động viên, dân quân cơ động và dân quân tự vệ tại chỗ; bố trí các phương tiện bảo đảm cho công tác phòng, chống lụt bão và công tác hậu cần, kỹ thuật.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nam Định cũng phối hợp với các lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh; hiệp đồng với Trường Quân sự Quân đoàn 12 và Trung đoàn bộ binh 8, Sư đoàn 395 (Quân khu 3) huy động hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ bảo đảm sẵn sàng ứng cứu, khắc phục hậu quả trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Hải Hậu.
Từ sáng 6/9, lực lượng Công an tỉnh Nam Định đã phối hợp với lực lượng Quân sự, Biên phòng, Đoàn Thanh niên và cấp ủy, chính quyền địa phương cùng giúp nhân dân chằng chống nhà cửa, phòng bão số 3 đổ bộ.
Trong đó chú trọng hỗ trợ những hộ khó khăn, hộ neo đơn chằng chống nhà cửa; cắt tỉa bớt những cành cây dọc đường và những cây có nguy cơ gãy đổ vào nhà dân; dùng bao cát gia cố mái nhà; đồng thời hỗ trợ phương tiện để người dân di chuyển đến nơi tránh trú an toàn.
Triển khai giải pháp giữ ổn định đời sống, sản xuất trong và sau bão số 3 ở Nam Định
Hiện, Công an Nam Định trực 100% quân số để chủ động phòng, chống bão số 3. Đội xung kích phòng, chống lụt bão Công an tỉnh ứng trực 100% quân số, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có yêu cầu; lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ sẵn sàng lực lượng, phương tiện đặc chủng chuyên dùng thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ.
Phòng Cảnh sát cơ động bảo đảm an toàn các mục tiêu trọng điểm, sẵn sàng lực lượng huy động tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả của bão khi có yêu cầu; lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh tổ chức hướng dẫn, phân luồng, kiểm soát giao thông, bảo đảm giao thông thông suốt...
Video: Khu vực biển thuộc địa phận huyện Hải Hậu sáng 7/9. |