Sạt lở nghiêm trọng tại khu vực Trạm Cảnh sát giao thông Mađagui trên đèo Bảo Lộc, Lâm Đồng.
Sạt lở nghiêm trọng tại khu vực Trạm Cảnh sát giao thông Mađagui trên đèo Bảo Lộc, Lâm Đồng.

Các địa phương cần chủ động xây dựng bản đồ phân vùng sạt lở, tai biến môi trường

NDO - Cho rằng tình trạng sạt lở diễn ra trên nhiều địa phương trong thời gian vừa qua là “bất thường”, PGS, TS Lưu Đức Hải, Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Việt Nam kiến nghị các địa phương cần khẩn trương tiến hành xây dựng bản đồ phân vùng có nguy cơ cao.

Từ cuối tháng 6 đến nay, trên cả nước liên tiếp xảy ra hàng chục vụ sạt lở đất đá. Trong số đó, một số vụ gây thiệt hại nghiêm trọng như: Sự cố sạt lở đất tại đèo Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng; sạt lở đất đá, đường giao thông và thiệt hại về người, nhà ở, hoa màu ở các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình, Đắk Nông, Yên Bái… Mới đây nhất, Quốc lộ 14 chạy qua tỉnh Đắk Nông cũng xuất hiện tình trạng nứt gãy nghiêm trọng, đe dọa hàng chục hộ dân.

Chung quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Đức Hải, Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Việt Nam.

MƯA LỚN CHỈ LÀ THÀNH TỐ CUỐI CÙNG GÂY SẠT LỞ

Phóng viên: Đầu tiên, xin ông cho biết nguyên nhân chính dẫn tới các vụ sạt lở đất liên tiếp trên cả nước thời gian vừa qua?

PGS, TS Lưu Đức Hải: Sạt lở đất có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có thể chia làm hai nhóm chính. Đầu tiên là nhóm các nguyên nhân tự nhiên, trong đó trước hết phải nói đến cấu trúc địa chất, bao gồm các thành tố như loại và kết cấu đất đá, độ dốc/góc nghiêng địa chất, nguy cơ nứt gãy, lớp phủ thực vật… Ở mỗi địa phương, đặc điểm này không giống nhau, từ đó dẫn tới khả năng sạt, trượt khác nhau.

Bên cạnh đó, không thể không kể đến các nguyên nhân nhân tạo. Thực tế, các hoạt động dân sinh, phát triển kinh tế như làm đường, phá rừng… đã tác động trực tiếp theo hướng tiêu cực vào nền địa chất khiến cho nguy cơ sạt lở trở nên nghiêm trọng hơn.

Các địa phương cần chủ động xây dựng bản đồ phân vùng sạt lở, tai biến môi trường ảnh 1

PGS, TS Lê Đức Hải phân tích các nguyên nhân gây ra tình trạng sạt lở tại nhiều địa phương trong thời gian vừa qua. (Ảnh: Sơn Bách)

Có thể lấy thí dụ về hiện tượng xuất hiện các vết nứt, gãy trên quốc lộ 14 mới đây tại tỉnh Đắk Nông. Qua quan sát hình ảnh thực tế hiện trường, có thể thấy tại khu vực này đã tồn tại một lưới đứt gãy. Thêm vào đó, những hoạt động kinh tế như canh tác nông nghiệp, hoạt động xây dựng… tại địa phương đã khiến lớp phủ thực vật bị mất đi.

Ngoài ra, Đắk Nông nói riêng, Tây Nguyên nói chung có lớp vỏ phong hóa rất dày, trong khi lớp đất tại khu vực này lại có tính chất thấm nước rất cao. Một số nghiên cứu khẳng định, sau khi “ngậm nước”, đất tại đây có thể tăng kích thước lên đến 15%. Các yếu tố này cộng hưởng lại với nhau dẫn tới hiện tượng nứt, gãy và sạt lở.

Các địa phương cần chủ động xây dựng bản đồ phân vùng sạt lở, tai biến môi trường ảnh 2

Vết nứt Hồ chứa nước Đắk N’Ting tại Đắk Nông làm dịch chuyển cầu tràn về phía đập đất lên 63cm, gây mất ổn định công trình, an toàn đập và vùng hạ du.

Yếu tố cuối cùng, tác động trực tiếp là mưa. Nếu 2 yếu tố nêu trên mang tính chất tiềm ẩn thì mưa được xem như tác nhân sau cùng, “kích hoạt” trực tiếp gây ra hiện tượng sạt trượt. Nước mưa sẽ làm cho đất đá cấu thành các sườn dốc bị bão hòa, giảm sức bền, tăng trọng lượng của khối trượt tiềm năng, từ đó gây ra sạt lở. Do vậy, chúng ta có thể nhận thấy, hầu hết các hiện tượng sạt lở vừa qua đều xuất hiện sau những đợt mưa lớn kéo dài nhiều ngày, ở các khu vực chịu tác động nhiều của các yếu tố nhân tạo.

Nhìn rộng ra, hiện tượng mưa lớn vừa qua thực chất là biểu hiện của biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu, cộng với tác động tiêu cực từ hoạt động dân sinh, phát triển kinh tế đã gây ra những hiện tượng bất bình thường như thời gian vừa qua.

Theo báo cáo của Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai, trong 7 ngày đầu tháng 8, khu vực miền núi Bắc bộ có mưa to đến rất to với tổng lượng từ 300-400 mm. Mưa lớn gây lũ cục bộ trên sông suối nhỏ, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt tại nhiều địa phương khu vực miền núi phía bắc, gây thiệt hại về người, nhà ở, sản xuất, cơ sở hạ tầng.

Tại khu vực miền núi phía bắc có 11 người thiệt mạng, 2 người mất tích và 3 người bị thương; hơn 300 ngôi nhà; hơn 170ha cây trồng và 11ha nuôi trồng thủy sản, hàng loạt công trình thủy lợi, trường học bị thiệt hại. Bên cạnh đó, sạt lở gây ảnh hưởng đến giao thông và gãy đổ cột điện 35KV gây mất điện diện rộng ở Yên Bái.

Tại Tây nguyên, mưa lũ, sạt lở đất tàn phá hàng loạt các công trình, đường giao thông tại các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông. Nghiêm trọng nhất là vụ sạt lở ở đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng) chiều 30/7 khiến 3 cán bộ cảnh sát giao thông hy sinh và một người dân thiệt mạng.

Phóng viên: Có một điều đáng lưu ý là phần lớn các vụ trượt lở, sạt lở đất đá xảy ra trong những năm qua đều nằm ở những vị trí ngay bên đường giao thông. Ông đánh giá sao về yếu tố này?

PGS, TS Lê Đức Hải: Đây là vấn đề rất đáng lo ngại. Thực tế, các đường giao thông tại đồng bằng rất hiếm khi xảy ra sạt lở. Sạt lở thường xảy ra ở miền núi, bởi trong quá trình thi công, con người đã tác động làm mất chân sườn dốc tự nhiên. Điểm nào cao thì phải phạt đi, khu vực thấp lại đắp thêm vào. Các công trình nhân tạo này đã làm gia tăng khả năng xảy ra trượt, sạt lở đất đá.

Các địa phương cần chủ động xây dựng bản đồ phân vùng sạt lở, tai biến môi trường ảnh 4

Toàn cảnh khu vực sạt lở nghiêm trọng tại đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng) cuối tháng 7.

Thực tế, nhiều quốc gia trên thế giới đã rất hạn chế việc cắt vào chân sườn dốc khi làm đường, thay vào đó, họ tiến hành thi công các tuyến hầm chạy qua núi. Đây là một biện pháp có thể làm giảm các rủi ro về mặt địa chất, rất đáng để chúng ta tham khảo.

NHỮNG DẤU HIỆU NHẬN BIẾT SẠT LỞ ĐẤT TỪ SỚM

Phóng viên: Vậy, người dân có thể nhận ra những dấu hiệu của sạt lở từ sớm không, thưa ông?

PGS, TS Lưu Đức Hải: Hiện tượng sạt lở thường xảy ra ở các khu vực có địa hình dốc, lớp đất đá đã bị phong hóa lâu ngày. Do đó, người dân sinh sống tại khu vực này cần đặc biệt chú ý tới các dấu hiệu bất thường sau đây:

Thứ nhất, cần quan sát những thay đổi xảy ra chung quanh khu vực sinh sống như các rãnh thoát nước mưa trên các sườn dốc, xuất hiện dấu vết sạt lở, cây bị nghiêng đổ… Cửa hoặc cửa sổ bị kẹt, không thể mở ra. Vết nứt mới xuất hiện trên tường, trần, gạch, hoặc nền...

Các địa phương cần chủ động xây dựng bản đồ phân vùng sạt lở, tai biến môi trường ảnh 5
Điểm sụt trượt đường Hồ Chí Minh đoạn qua thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông ngày càng lan rộng, quy mô lớn hơn.

Thứ hai, xuất hiện các vết nứt mở rộng trên mặt đất hoặc trên lối đi, vỡ mạch nước ngầm. Mặt đất có hiện tượng phồng rộp, đường bấp bênh. Nước phun ra từ mặt đất tại nhiều vị trí mới. Hàng rào, tường chắn, cột điện, cây cối bị nghiêng hoặc di chuyển.

Hiện tượng bùn đất tràn xuống tại Sóc Sơn vừa qua về bản chất không phải là sạt lở. Đây là hiện tượng gần tương tự lũ ống, lũ quét khi đất bùn từ các sườn đồi bị cuốn xuống đường. Trước đó, đây là khu vực rừng nhưng bị chuyển thành nhà cửa và các công trình dân sinh khiến đất, đá gốc bị bở rời rồi trôi xuống khu vực đường thấp hơn.
PGS, TS Lưu Đức Hải

Thứ ba, trước những trận mưa bất thường, người dân đặc biệt phải chú ý đề phòng. Ngoài ra, khi bắt đầu nghe thấy tiếng rơi của đất đá và âm lượng tăng dần, mặt đất bắt đầu dịch chuyển xuống theo chiều dốc, các lớp đất thụt xuống, những âm thanh lạ, như tiếng cây gãy hoặc tảng đá va chạm với nhau tức là sạt lở đất sắp xảy ra và việc cần làm là nhanh chóng di dời khỏi khu vực nguy hiểm và thông báo cho chính quyền địa phương và hàng xóm để có thể được hỗ trợ kịp thời.

Phóng viên: Một số chuyên gia khuyến nghị học hỏi kinh nghiệm của Thái Lan là trang bị cho mỗi làng, bản một cột đo mưa. Mưa đến một mức nhất định thì sơ tán dân. Thực tế, giải pháp này có khả thi không thưa ông?

PGS, TS Lưu Đức Hải: Thực tế trước đây, nhiều tỉnh miền núi cũng đã xây dựng các bản đồ phân vùng nguy cơ sạt lở, tai biến môi trường. Dựa trên cơ sở này, chính quyền các địa phương đã cố gắng quy hoạch, bố trí, sắp xếp các khu dân cư xa khỏi vùng nguy cơ cao. Tuy nhiên, trước tốc độ phát triển kinh tế-xã hội, nguy cơ sạt lở ở các khu vực mới theo đó cũng phát sinh thêm.

Tôi nghĩ rằng, chúng ta hoàn toàn có thể học tập mô hình của Thái Lan một cách linh hoạt, trên cơ sở căn cứ vào thực tế địa phương để điều chỉnh cho phù hợp.

CÁC ĐỊA PHƯƠNG CẦN CHỦ ĐỘNG XÂY DỰNG BẢN ĐỒ NGUY CƠ CỦA RIÊNG MÌNH

Phóng viên: Thực tế, giai đoạn 2012-2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giao Viện Khoa học địa chất và khoáng sản chủ trì thực hiện đề án "Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam". Theo ông, việc cần thiết của việc triển khai, tái khởi động lại dự án này hiện nay là như thế nào?

PGS, TS Lưu Đức Hải: Như đã nói ở trên, việc lập bản đồ cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá là rất cần thiết, nhưng tôi cho rằng điều quan trọng hơn là mỗi tỉnh, mỗi địa phương phải tự lập bản đồ của riêng mình. Các địa phương, đặc biệt ở các vùng nhạy cảm với thiên tai cần chủ động cả về nguồn kinh phí cũng như có kế hoạch cụ thể để nghiên cứu, khảo sát và thực thi. Kế hoạch này, theo tôi cần sự vào cuộc của tất cả các tỉnh, thành cũng như các bộ, ban ngành có liên quan.

Các địa phương cần chủ động xây dựng bản đồ phân vùng sạt lở, tai biến môi trường ảnh 6

Sạt lở gây ùn tắc quốc lộ tại tỉnh Cao Bằng.

Phóng viên: Trước thực trạng nêu trên, ông có khuyến cáo với người dân tại các tỉnh miền núi, để hạn chế các rủi ro, thiệt hại do sạt lở có thể gây ra?

PGS, TS Lưu Đức Hải: Trước hết, về quy hoạch, người dân khi xây dựng nhà cửa, công trình dân sinh cần phải chọn khu vực có ít nguy cơ, dựa trên quy định và sự hướng dẫn từ chính quyền địa phương.

Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường như nứt đất, cây nghiêng đổ, mưa lớn kéo dài, phải nâng cao đề phòng. Khi di dời cần đảm bảo theo nguyên tắc: bảo đảm tính mạng con người trước, tài sản sau; di dời trẻ em, người già, người ốm, phụ nữ trước.

Các địa phương cần chủ động xây dựng bản đồ phân vùng sạt lở, tai biến môi trường ảnh 7

Theo PGS, TS Lưu Đức Hải, đã đến lúc các địa phương cần chủ động xây dựng các bản đồ nguy cơ sạt lở, nguy cơ tai biến môi trường để ứng dụng vào thực tế.

Địa điểm di dời là những nơi sinh hoạt cộng đồng như: trường học, bệnh viện hoặc những nhà kiên cố an toàn trong những vùng lân cận; mang theo những nhu yếu phẩm cần thiết như: nước uống, thức ăn, thuốc men, quần áo và đèn pin…

Về mặt quản lý nhà nước, chính quyền địa phương cần làm tốt công tác quy hoạch dân cư dựa trên cơ sở nghiên cứu khoa học; đồng thời cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cộng đồng để người dân hiểu rõ mức độ nguy hiểm của việc san gạt, làm mất chân sườn dốc lấy mặt bằng xây dựng.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

back to top