Thừa Thiên Huế chủ động ứng phó với mưa lớn kéo dài

NDO - Tại tỉnh Thừa Thiên Huế dự báo sẽ xuất hiện các đợt mưa và mưa lớn kéo dài với xác suất trên 70% trong 10 ngày tới, tổng lượng mưa phổ biến từ 300-500mm, có nơi trên 500mm.
0:00 / 0:00
0:00
Mưa gây ngập úng cục bộ nhiều tuyến đường tại thành phố Huế trong tháng 9 vừa qua.
Mưa gây ngập úng cục bộ nhiều tuyến đường tại thành phố Huế trong tháng 9 vừa qua.

Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế phát công điện khẩn yêu cầu các ban, ngành, các huyện, thị xã và thành phố chủ động ứng phó nguy cơ lũ quét, sạt lở đất do mưa lớn kéo dài, nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của người dân.

Xuất hiện các đợt mưa lớn, phổ biến từ 300-500mm

Thừa Thiên Huế chủ động ứng phó với mưa lớn kéo dài ảnh 1
Mưa lớn kéo dài khiến nhiều diện tích rau màu vụ đông tại huyện Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) bị nước ngập kéo dài, nguy cơ mất trắng.

Thông tin từ Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế hôm nay 10/10 cho biết, đơn vị phát đi công điện khẩn gửi các cơ quan, đoàn thể; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế; các chủ hồ thủy lợi, thủy điện nhằm ứng phó với đợt mưa lớn, nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất 10 ngày tới.

Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, qua theo dõi hệ thống đo mưa tự động chuyên dùng Vrain, trong 12 giờ qua trên địa bàn Thừa Thiên Huế đã có mưa vừa, đến mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to như ở Thị trấn Lăng Cô (148mm), cảng Chân Mây (134mm), xã Vinh Hà, huyện Phú Vang (107mm), xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông (103mm)…

Theo Đài Khí tượng thuỷ văn tỉnh, hiện nay bộ phận không khí lạnh ở phía Bắc đang tiếp tục di chuyển xuống phía Nam, sau đó ảnh hưởng đến Bắc Trung Bộ và một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ. Từ sáng ngày 10/10, ở vịnh Bắc Bộ gió Đông Bắc mạnh lên cấp 6, giật cấp 8, sóng biển cao 2,0-3,0m, biển động.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của các hình thế thời tiết gây mưa lớn như dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Trung bộ nối với bão số 4 và có thể xuất hiện thêm 1 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông trong vài ngày tới. Các đợt không khí lạnh đầu mùa ở phía Bắc di chuyển xuống phía Nam.

Thừa Thiên Huế chủ động ứng phó với mưa lớn kéo dài ảnh 2

Bà con nhân dân vùng thấp trũng xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế) đắp đê cứu lúa, hoa màu trong mùa mưa lũ.

Vì vậy, khả năng cao trong 10 ngày tới (từ nay đến ngày 20/10) trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên- Huế sẽ xuất hiện các đợt mưa và mưa lớn với xác suất trên 70%. Tổng lượng mưa trong 10 ngày tới phổ biến 300-500mm, có nơi trên 500mm. Cần đề phòng dông, lốc, gió giật mạnh trên biển, sạt lở đất ở vùng núi.

Đề phòng nguy cơ sạt lở đất đá vùng đồi núi

Để chủ động ứng phó với diễn biến xấu của thời tiết, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế đã phát đi thông báo khẩn về việc ứng phó với mưa lớn, nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.

Thông báo kể trên yêu cầu các đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai Công điện số 01/CĐ-UBND ngày 12/9/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tập trung phòng, ngừa, chủ động thực hiện các phương án ứng phó thiên tai năm 2023 trên địa bàn tỉnh.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề nghị các địa phương, chủ hồ đập, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền (bao gồm cả tàu vận tải) đang hoạt động trên biển biết diễn biến của gió mạnh trên biển để chủ động phòng tránh.

Thông báo cho người dân biết về diễn biến xấu của thời tiết để chủ động phòng tránh và triển khai phương án chống úng, bảo vệ diện tích hoa màu, thuỷ sản chưa thu hoạch xong.

Thừa Thiên Huế chủ động ứng phó với mưa lớn kéo dài ảnh 3

Nhiều điểm trên tuyến Quốc lộ 49 và đường Hồ Chí Minh qua huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) bị sạt lở núi nghiêm trọng trong mùa mưa lũ.

Chủ đầu tư chỉ đạo các nhà thầu đang thi công công trình giao thông, xây dựng, thủy lợi… phải thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, kiểm tra công tác an toàn đề phòng lũ quét, ngập úng, sạt lở đất bảo vệ an toàn tuyệt đối cho cán bộ nhân viên, người lao động.

Bố trí biển báo, hướng dẫn đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông đi qua khu vực hiện trường thi công dang dở, khơi thông dòng chảy phòng tránh ngập úng cục bộ.

Các chủ công trình hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện tổ chức trực ban theo dõi, thực hiện nghiêm túc Quy trình vận hành đã được phê duyệt đảm bảo an toàn công trình và an toàn vùng hạ du. Tổ chức trực ban nghiêm túc, sẵn sàng ứng phó với mọi diễn biến xấu của thời tiết có thể xảy ra.

Hiện tại, tỉnh Thừa Thiên Huế ghi nhận hơn 70 điểm nguy cơ sạt trượt đất, lũ quét; trong đó tuyến đường 71 qua địa phận xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, nơi có các công trình thủy điện Rào Trăng 3, Rào Trăng 4, A Lin B1, A Lin B2 có nguy cơ sạt lở đất đá rất cao.

Các địa phương, đơn vị cần chủ động theo dõi, phòng ngừa và ứng phó; tổ chức rà soát lên phương án di dời, sơ tán các hộ dân tại vùng xung yếu, nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn.

Thừa Thiên Huế chủ động ứng phó với mưa lớn kéo dài ảnh 4
Nguy cơ sạt lở đất, đá vùng đồi núi ở xã Phú Vinh, huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế).

Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đặng Văn Hòa cho biết: “Đối với các vùng sạt lở thì các địa phương chú ý có phương án sơ tán đến nơi an toàn. Trước mắt, cần cắm biển cảnh báo vùng sạt lở và thông tin cho người dân ở khu vực sạt lở biết và phòng tránh. Mưa lũ xảy ra tiếp tục theo dõi, đối với các phương án hiện nay đã chỉ đạo và có phương án cụ thể”.